Tổng Bí thư: Nếu không chăm lo từ bây giờ, 20 năm nữa người Việt vẫn thấp bé như thế
Chiều nay, tại trụ sở phường Đống Đa, Tổng Bí thư cùng các thành viên đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thuộc đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc với cử tri 11 phường.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết chủ trương về sắp xếp, tổ chức bộ máy không phải điểm mới khi trong tất cả nghị quyết các nhiệm kỳ Đại hội Đảng đều đã nói đến. Đặc biệt, Nghị quyết 18 của nhiệm kỳ khóa 12 đánh giá bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, cần sắp xếp, tinh gọn.

Tổng Bí thư cho biết việc sắp xếp tổ chức, bộ máy thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng và thể hiện sức mạnh, vai trò làm chủ của nhân dân. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ
Trước hết, Đảng gương mẫu sắp xếp trước với hệ thống tổ chức chặt chẽ, mô hình thống nhất các cơ quan tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở.
Tổng Bí thư bày tỏ tâm đắc với phát biểu của cử tri về vai trò của bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố và trưởng ban công tác Mặt trận ở tổ dân phố, cơ sở.
Trước lo lắng của cử tri trong sắp xếp các trụ sở dôi dư, Tổng Bí thư cho biết đã có tính toán về việc này, không lo dôi dư mà chủ yếu bố trí hợp lý. Theo ông, đất đai ở Hà Nội cũng như các tỉnh, nhất là nội thành, đều rất hiếm nên phải bố trí cho hiệu quả. Trước đây có những nơi bố trí chưa đều, có nơi chưa có trường học, trạm y tế, chỗ sinh hoạt cộng đồng, câu lạc bộ..., thậm chí nơi họp chi bộ, tổ dân phố cũng không có.

Tổng Bí thư cho biết trụ sở dôi dư có thể chuyển đổi thành nơi học cho trẻ mẫu giáo hoặc để bà con đến khám sức khỏe
Tổng Bí thư cho rằng nếu trường học, trạm y tế tốt thì phải chú ý đến nơi ăn uống công cộng. Theo ông, "không thể chấp nhận ăn uống mất vệ sinh, gây ô nhiễm, an toàn thực phẩm không kiểm soát". Những trụ sở dôi dư sẽ được sắp xếp, không để lãng phí, tất cả đều hướng tới phục vụ nhân dân.
Về băn khoăn của cử tri liệu cán bộ, công chức phường có quá tải khi công việc nhiều, địa bàn rộng, Tổng Bí thư cho biết đã tính toán, suy nghĩ từ trước khi sắp xếp. Đến nay, có thể thấy việc bố trí cán bộ hoàn toàn đáp ứng được. Bộ máy đang vận hành, bây giờ chỉ sắp xếp lại và tất cả công việc đều đang thực hiện. Nếu xã, phường không có cán bộ chuyên môn giỏi thì phải đưa người từ tỉnh xuống để đáp ứng yêu cầu của nhân dân.
Tổng Bí thư bày tỏ vui mừng khi thấy Hà Nội, TPHCM có rất nhiều cán bộ chuyên môn, lãnh đạo cấp giám đốc, phó giám đốc sở, ban, ngành, tỉnh ủy viên, thành ủy viên làm bí thư phường, bí thư xã.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Trung tâm phục vụ hành chính công phường Đống Đa


Tổng Bí thư biểu dương, đánh giá cao những cán bộ nghỉ hưu trước tuổi để phục vụ cho quá trình tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, theo ông, vẫn còn một số cán bộ tâm tư khi sắp xếp bộ máy.
"Tại sao nhân dân rất phấn khởi, đồng tình, ủng hộ mà cán bộ lại tâm tư? Đó là điều hết sức vô lý. Mình có vì nhân dân phục vụ không hay vì cá nhân? Nhân dân đồng tình, phấn khởi thì mình phải ở trong sự phấn khởi đó..." - Tổng Bí thư chia sẻ.
Tổng Bí thư cho biết qua báo cáo cho thấy nhân dân, cử tri nói không thấy ách tắc, ngưng trệ trong hoạt động, thậm chí còn được hướng dẫn rất tận tình khi thực hiện các thủ tục hành chính. Ông dẫn chứng trước khi tiếp xúc cử tri, ông có thăm trung tâm hành chính của phường Đống Đa và thấy người dân đến rất đông để giải quyết công việc...
Phải chăm lo y tế, giáo dục từ bây giờ
Về giáo dục đào tạo, Tổng Bí thư cho biết sắp tới sẽ có nghị quyết về lĩnh vực này.
"Với các cháu sinh năm 2025, đến năm 2045 - khi đất nước tròn 100 năm độc lập thì đã 20 tuổi, sẽ là chủ nhân, chèo lái con thuyền đất nước. Vậy sức khỏe, chiều cao, trí tuệ, học hành, ngôn ngữ, công nghệ thông tin của các cháu thế nào để đủ sức đảm nhận trọng trách đó?
Nếu chúng ta không chăm lo giáo dục, y tế từ bây giờ thì 20 năm sau vẫn như thế, trẻ vẫn thấp bé, học hành không cơ bản...." - Tổng Bí thư phân tích.

Cử tri Hà Nội dự hội nghị
Tổng Bí thư đặt câu hỏi với Hà Nội: Năm nay có bao nhiêu cháu vào lớp 1? Có đủ trường, đủ giáo viên không? Theo ông, không thể chờ cấp biên chế, vì có khi học hết năm học rồi vẫn chưa giải quyết xong biên chế cho giáo viên.
Về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, Tổng Bí thư cho biết Trung ương đang nghiên cứu làm sao để nâng cao chất lượng y tế, nâng cao tuổi thọ của người dân. Ông cho rằng tuổi thọ trung bình của người Việt là khoảng 75, tuy nhiên tuổi sống khỏe chỉ tới 65.
Tổng Bí thư nhấn mạnh "ngoài sống thọ thì cần sống khỏe, vui vẻ, lành mạnh". Vì vậy, chính quyền cơ sở phải biết trước tình hình sức khỏe của nhân dân để mua sắm thuốc men, có phương án điều trị.
Tuyên chiến với hàng giả
Giải đáp ý kiến cử tri về thị trường vàng, Tổng Bí thư chia sẻ "cũng rất sốt ruột" khi vàng trong nước chênh lệch với thế giới, tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh buôn lậu.
Ông đặt vấn đề tại sao không huy động được vàng trong dân, tại sao không để người dân đóng góp, gửi vào Nhà nước để Nhà nước có tích lũy, thêm sức mạnh... Ông cho rằng phải quản lý tốt thị trường vàng, chống được buôn lậu và tôn trọng quyền sở hữu hợp pháp của người dân.
Về kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư khẳng định ai cũng phải lao động sản xuất, tạo ra của cải cho xã hội thì xã hội mới phát triển, Nhà nước không thể đảm nhiệm hết mọi việc.
Khi người dân tự lo cuộc sống, làm giàu thì phát triển kinh tế tư nhân là hoàn toàn đúng lý luận, đúng lập trường. Kinh tế tư nhân đóng góp trên 50% tăng trưởng của quốc gia, tạo ra hơn 50% việc làm trong nền kinh tế, nên phải ghi nhận đóng góp rất lớn của kinh tế tư nhân.
Nói về hàng giả, thực phẩm giả, thuốc giả mà cử tri quan tâm, Tổng Bí thư bày tỏ "rất trăn trở". Ông nói "rất đau khổ" khi chứng kiến các cháu bé - tương lai của đất nước, đang rất cần dinh dưỡng để phát triển thì gặp phải sữa giả; các cụ già cần sữa để khỏi ốm thì gặp phải sữa giả, thuốc giả, "không những không chữa được bệnh mà còn nguy hiểm hơn".
"Đó là điều vô cùng độc ác. Chúng ta phải tuyên chiến với loại tội phạm này, phải dừng ngay những chuyện như vậy" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.