Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 14-15/4.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình. (Nguồn: THX)
Kể từ khi hai bên thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đến nay, quan hệ hai Đảng, hai nước đã phát triển ngày càng thực chất, vững chắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Đặc biệt, từ sau khi hai nước nhất trí nâng quan hệ lên Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển theo quỹ đạo thuận lợi hơn, có những bước chuyển rõ nét, khá toàn diện theo định hướng “6 hơn”, được hai bên đánh giá là tốt nhất từ sau bình thường hóa quan hệ đến nay.
Vị thế của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc được nâng cao. Trung Quốc tỏ rõ sự ưu tiên, coi trọng quan hệ với Việt Nam. Cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dành sự quan tâm cao đối với sự phát triển quan hệ Việt - Trung. Ông là lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc thăm Việt Nam nhiều nhất trong lịch sử quan hệ hai nước. Tin cậy chính trị giữa hai đồng chí Tổng Bí thư được củng cố thông qua chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Tô Lâm (tháng 8/2024) và cuộc điện đàm giữa lãnh đạo cao nhất hai Đảng (tháng 1/2025).
Hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn; hai bên lần đầu tiên triển khai Đối thoại chiến lược 3+3 giữa các Bộ Công an - Quốc phòng - Ngoại giao. Hợp tác thực chất phát triển, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư tăng trưởng tích cực. Giao lưu Nhân dân, hợp tác giáo dục, văn hóa diễn ra sôi động. Hợp tác đa phương được mở rộng, Việt Nam khẳng định ủng hộ các sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc. Hai bên duy trì các cơ chế đối thoại để nỗ lực kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng.
Hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư Việt Nam - Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu. Trung Quốc 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc năm 2024 đạt 205,2 tỷ USD. 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại song phương đạt 51,25 tỷ USD. Năm 2024, Trung Quốc đứng đầu về số dự án cấp mới với 955 dự án, đứng thứ 3/110 đối tác đầu tư vào Việt Nam về số vốn với 4,73 tỷ USD. Trung Quốc tiếp tục đứng thứ 6/148 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 5111 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 30,83 tỷ USD, chiếm hơn 6,2% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế có đầu tư FDI và tại 55/63 tỉnh thành Việt Nam. Trong tháng 3/2025, Trung Quốc đứng thứ 2 về tổng số vốn đăng ký, đạt 1,23 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 28,5%, chỉ đứng sau Singapore.
Năm 2024 Việt Nam đón 3,74 triệu lượt khách Trung Quốc (tăng 114% so với năm 2023), chiếm 21,26% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Trong 3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đón 1,58 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng 178% so với cùng kỳ, đứng đầu trong số các thị trường gửi khách đến Việt Nam.
Giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương diễn ra sôi động, với gần 60 tỉnh/thành của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc.