Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong 2 ngày 14 và 15/4, theo lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định chuyến thăm này là sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng của hai Đảng, hai nước.
Theo ông Sơn, chuyến thăm có ý nghĩa chiến lược, tác động lâu dài đến sự phát triển của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh hai nước đều đang bước vào kỷ nguyên mới, thời đại phát triển mới.
Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 4 của ông Tập Cận Bình trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc; là chuyến thăm thứ hai trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN
Dự kiến trong thời gian chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có các cuộc hội đàm cấp cao với Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng lần lượt có các cuộc hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn để trao đổi về các biện pháp, phương hướng, định hướng lớn, nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trên các lĩnh vực.
Ngoài ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng sẽ tham gia một số hoạt động đối ngoại quan trọng khác.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam rất mong đợi và kỳ vọng chuyến thăm sẽ đạt được những thành quả tốt đẹp trên các phương diện.
"Với sự coi trọng cao độ và phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng của hai bên, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam lần thứ tư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, trở thành mốc son mới trong quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược", ông Sơn kỳ vọng.
Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước Việt Nam - Trung Quốc dự kiến sẽ ký kết khoảng 40 văn kiện hợp tác, bao phủ nhiều lĩnh vực then chốt như kinh tế, thương mại, đầu tư, hạ tầng, chuyển đổi số, năng lượng và giao lưu địa phương. Đây được xem là bước triển khai cụ thể nhằm hiện thực hóa các thỏa thuận cấp cao, đồng thời tạo nền tảng pháp lý và hành lang chính sách cho giai đoạn hợp tác sâu rộng sắp tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN
Kể từ khi thiết lập khuôn khổ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” vào năm 2008, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không ngừng phát triển về chiều sâu và mở rộng về quy mô, đặc biệt sau các chuyến thăm có tính chất bước ngoặt của lãnh đạo cấp cao hai nước. Cả hai bên đều xác định rõ việc tăng cường quan hệ song phương là ưu tiên chiến lược, là một phần cốt lõi trong chính sách đối ngoại và ngoại giao láng giềng lâu dài.
Năm 2024 đánh dấu một cột mốc đáng chú ý trong hợp tác kinh tế giữa hai nước, với kim ngạch thương mại song phương vượt ngưỡng 200 tỷ USD theo số liệu từ Việt Nam và đạt 260 tỷ USD theo thống kê phía Trung Quốc. Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 trên toàn cầu, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong quý I/2025, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 51,25 tỷ USD, tăng 17,46% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh đà tăng trưởng ổn định và nhu cầu hợp tác ngày càng gia tăng. Đồng thời, Trung Quốc cũng nổi lên là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam về số lượng dự án với 955 dự án cấp mới trong năm 2024 và xếp thứ 3 trong số 110 quốc gia, vùng lãnh thổ về tổng vốn đầu tư, đạt 4,73 tỷ USD, tăng hơn 3,05% so với năm trước.
Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển ổn định và thực chất trên nhiều phương diện. Trên bình diện chính trị, hai nước duy trì cơ chế tiếp xúc cấp cao thường xuyên, trong đó nổi bật là các chuyến thăm song phương của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, góp phần củng cố lòng tin chính trị và định hướng hợp tác toàn diện trong giai đoạn mới. Đặc biệt, từ cuối năm 2023 đến nay, hai bên đã thúc đẩy đồng bộ nhiều cơ chế đối thoại chiến lược về quốc phòng - an ninh, hợp tác biên giới, và kết nối hành lang kinh tế trọng điểm dọc tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Quảng Ninh - Nam Ninh.
Về kinh tế, bên cạnh thương mại, lĩnh vực logistics, đầu tư hạ tầng và năng lượng tái tạo đang nổi lên là điểm nhấn hợp tác mới. Trung Quốc đã mở rộng các trung tâm triển lãm, sàn giao dịch thương mại điện tử và chuỗi cung ứng công nghệ cao tại khu vực phía Bắc Việt Nam, trong khi Việt Nam tích cực tìm kiếm cơ hội nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử và công nghiệp hỗ trợ.
Trong lĩnh vực xã hội và nhân văn, hợp tác giáo dục - đào tạo, du lịch và giao lưu nhân dân được nối lại mạnh mẽ sau đại dịch. Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam phục hồi nhanh chóng từ giữa năm 2023, trong khi sinh viên Việt Nam tại các trường đại học lớn của Trung Quốc tăng đều mỗi năm, đặc biệt ở các ngành công nghệ và y học cổ truyền.
Hướng tới năm 2025, hai bên đặt mục tiêu xây dựng “Cộng đồng Việt - Trung chia sẻ tương lai”, với trọng tâm là chuyển đổi mô hình hợp tác từ chiều rộng sang chiều sâu, ưu tiên các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, phát triển bền vững và số hóa thương mại biên giới. Tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” tiếp tục là kim chỉ nam cho quan hệ hai nước trong giai đoạn mới, phù hợp với bối cảnh khu vực đang chuyển động nhanh chóng cả về địa chính trị lẫn địa kinh tế.