Tôn vinh tình yêu qua sơn mài

Giới hội họa Hà Nội, có lẽ không ai không biết tới cặp đôi họa sĩ Trịnh Tuân - Công Kim Hoa.

Triển lãm 'Như những lớp phù sa' giới thiệu 100 tác phẩm sơn mài.

Triển lãm 'Như những lớp phù sa' giới thiệu 100 tác phẩm sơn mài.

Chọn đúng ngày lễ tình yêu (14/2) để khai mạc triển lãm “Như những lớp phù sa”, vợ chồng họa sĩ Trịnh Tuân - Công Kim Hoa không chỉ tôn vinh tình yêu đôi lứa mà còn biểu hiện những vẻ đẹp của văn hóa truyền thống qua những bức tranh sơn mài độc đáo.

Hành trình 30 năm: Tình yêu - nghệ thuật

Triển lãm “Như những lớp phù sa” là sự kiện tôn vinh tình yêu, lòng đam mê và các giá trị duy mỹ với gần 100 tác phẩm phản ánh những biến chuyển xuyên suốt chặng đường nghệ thuật của Trịnh Tuân và Công Kim Hoa. Triển lãm diễn ra từ ngày 14/2 và kéo dài đến ngày 15/4 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA (Hà Nội), nhằm tri ân hành trình ba thập kỷ sáng tạo của cặp đôi họa sĩ.

Triển lãm “Như những lớp phù sa” tựa một thước phim quay chậm, nhìn lại hành trình sáng tạo và gắn bó sâu sắc với chất liệu sơn mài, từ lâu đã trở thành minh chứng cho tình yêu của hai nghệ sĩ, tình yêu với thiên nhiên, với Hà Nội - mảnh đất đã sinh ra, nuôi dưỡng và chứng kiến sự trưởng thành của họ.

Bén duyên kể từ thuở còn trên ghế giảng đường, hai họa sĩ đã dành hơn 30 năm thanh xuân cống hiến, lan tỏa niềm đam mê sơn mài tới biết bao thế hệ học trò và đông đảo người yêu nghệ thuật. Đã nhiều lần sơn mài của Trịnh Tuân - Công Kim Hoa hiện diện tại các cuộc triển lãm quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia và thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên các tác phẩm của họ được giới thiệu một cách đủ đầy trong một triển lãm chuyên đề tại Việt Nam.

Sự kết hợp này không chỉ khơi gợi cảm hứng cho những người thực hành nghệ thuật, mà còn là cơ hội để công chúng Thủ đô được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật tinh hoa của ngôn ngữ sơn mài.

Nghệ sĩ Nguyễn Hiền Trang khi đến xem triển lãm đã phải thốt lên rằng, choáng ngợp là ấn tượng đầu tiên. Bước qua cánh cửa của phòng triển lãm, người ta thấy bốn mùa chảy trôi, cùng với đó là cả một công trình đồ sộ suốt hàng chục năm của cặp đôi nghệ sĩ với trái tim ngập tràn tình yêu - với nhau và với nghệ thuật.

“Xem tranh của họa sĩ Trịnh Tuân, đầu tiên là ngưỡng mộ, sau là thấy ghen tị, rằng làm sao một người đàn ông lại có thể yêu người bạn đời của mình nhiều đến thế, sau bấy nhiêu năm. Trong tranh Trịnh Tuân, hai bản thể dù hòa quyện thành một khối chắc chắn hay tách rời và chỉ còn kết nối bằng tóc, vẫn quấn quýt không rời, gắn kết trong một tình yêu khi nồng nàn, mãnh liệt, lúc bình yên, thư thái”, nghệ sĩ Nguyễn Hiền Trang bày tỏ.

Ở đôi chỗ, người xem có thể tự hỏi, xung động mạnh mẽ này là tình yêu hay là ham muốn. Bởi rất nhiều tín hiệu trong tranh như búp sen, đài sen, những nụ hoa chớm nở mang theo cảm xúc và đam mê mãnh liệt của một cuộc yêu bùng nổ. Đến cuối cùng, người ta thấy việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này không quá quan trọng nữa bởi đi hết triển lãm, sẽ thấy trọn một hành trình yêu - có đủ đầy cung bậc, trải hết lòng mình rồi vẫn tha thiết yêu nhau, vẽ được cùng nhau.

Đáng nể hơn, các tác phẩm dạt dào tình ý này lại được sáng tác với một độ chăm chút kỹ càng về kỹ thuật, có nhiều tác phẩm “mài một lần ăn ngay”. Và hẳn là đến đi đến độ “một phát ăn ngay” là hàng trăm lần “ăn hỏng”, rồi lại miệt mài làm lại. Sự kiên trì của cặp đôi nghệ sĩ trong thực hành sơn mài không chỉ vẽ lên một tình yêu đẹp với nhau mà lớn hơn là một tình yêu với nghệ thuật, thể hiện qua việc tìm tòi về chất liệu và những nỗ lực để tiệm cận mức độ master về tay nghề.

 Vợ chồng họa sĩ Trịnh Tuân - Công Kim Hoa.

Vợ chồng họa sĩ Trịnh Tuân - Công Kim Hoa.

Hai lối đi hợp lại trong sơn mài

Giới hội họa Hà Nội, có lẽ không ai không biết tới cặp đôi họa sĩ Trịnh Tuân - Công Kim Hoa, ngoài vai trò là những người nghệ sĩ sơn mài, họ còn từng được biết đến là những nhà giáo tận tụy, khi Trịnh Tuân là giảng viên tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, và người vợ - họa sĩ Công Kim Hoa lại giảng dạy nghệ thuật cho các bạn nhỏ tại câu lạc bộ Bee Art.

Cùng bén duyên với sơn mài vào năm 1994 nhưng trước đó, cả Trịnh Tuân và Công Kim Hoa đều học ở những chuyên ngành khác. Trịnh Tuân học thiết kế công nghiệp, còn Công Kim Hoa học chuyên ngành gốm. Chẳng biết nguyên do nào lại khiến cả hai từ bỏ những gì mình đã theo đuổi để cùng nhau đến với sơn mài và gắn bó suốt ba mươi năm qua.

Giờ đây, trên căn gác sáng tác của cặp vợ chồng họa sĩ Trịnh Tuân - Công Kim Hoa trên phố Lý Quốc Sư được ví như gác nghệ thuật. Gác sáng tác đầy nắng - gió - cây xanh và tình yêu với Hà Nội phô bày trên những bức sơn mài với đường nét khỏe khoắn ẩn chứa những thanh lịch của con người Hà Nội.

Khác với những bức tranh thuần trừu tượng của Công Kim Hoa, hình ảnh con người vẫn hiện hữu trong các tác phẩm của Trịnh Tuân. Có một sự đối lập kỳ dị giữa những hình người khỏa thân, tóc xoăn, da ngăm đen trong những góc phố quen thuộc của Hà Nội.

Không chỉ đam mê vẽ, Trịnh Tuân còn tham gia nhiều hoạt động sôi nổi kết nối nghệ thuật Việt Nam với thế giới và giới nghệ sĩ gọi ông là người kết nối nghệ thuật Đông - Tây. Năm 2019, ông làm giám tuyển cho “Triển lãm giao lưu mỹ thuật đương đại Việt Nam - Hàn Quốc” và “Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á”.

Trịnh Tuân cũng là người đồng sáng lập Asia Art Link (AAL) nổi tiếng trong giới hội họa. AAL được thành lập từ năm 2005, đến nay nhóm đã trở thành một tổ chức cộng đồng, tổ chức nhiều triển lãm, workshop quốc tế tại Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đến từ các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ Latinh.

Năm 2016, Hanoi Art Connecting được tổ chức bởi nhóm nghệ sĩ quốc tế AAL và Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, trở thành sự kiện nghệ thuật quốc tế thường niên. Đến nay đã 4 lần được tổ chức, thu hút đến 80 nghệ sĩ Việt Nam và 60 nghệ sĩ quốc tế đến từ 24 quốc gia tham dự. Sự kiện từng được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL) chọn là 1 trong 10 sự kiện quốc gia về Mỹ thuật và Triển lãm.

Bên cạnh thành tích của người chồng, họa sĩ Công Kim Hoa cũng được đánh giá thành danh với hàng loạt các dự án sáng tạo và triển lãm gây tiếng vang. Từ giữa thập niên 1990, Công Kim Hoa đã có những tác phẩm sơn mài với lối vẽ thiên về ước lệ, nhanh chóng thể hiện được tiếng nói nghệ thuật riêng và độc đáo.

Năm 1997, bà tham dự triển lãm quốc tế tại Kassel (Đức). Hai năm sau, bà cùng chồng và người anh trai là họa sĩ Công Quốc Hà được Đại học Columbia, New York (Mỹ) mời tham gia triển lãm và hội thảo chuyên về sơn mài mang tên “Vẻ đẹp Việt Nam”. Liên tục các năm sau đó, Công Kim Hoa được mời tham dự các triển lãm về sơn mài ở khắp các nước Á - Âu.

 'Như những lớp phù sa' vun đắp tình yêu và bồi đắp niềm đam mê với nghệ thuật sơn mài.

'Như những lớp phù sa' vun đắp tình yêu và bồi đắp niềm đam mê với nghệ thuật sơn mài.

Vợ chồng đồng hiện sau “những lớp phù sa”

Chia sẻ tại triển lãm “Như những lớp phù sa” vợ chồng họa sĩ Trịnh Tuân - Công Kim Hoa cho biết, trong ba thập kỷ sáng tạo, mỗi năm trôi qua đều là một dấu mốc đáng nhớ với sơn mài.

Những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm này chính là những dấu ấn riêng đại diện cho từng thời kỳ, như những lớp phù sa bồi đắp, tạo nên một “mảnh đất” nghệ thuật màu mỡ và đa dạng.

Màu sắc là một điểm thu hút đặc biệt trong tranh Trịnh Tuân. Ông sử dụng màu đem lại cảm giác ấm áp với hai tông xanh và cam chủ đạo. Sắc xanh ẩn hiện sắc hồng, tất cả là một ngôn ngữ giàu tình cảm thể hiện kỹ thuật và sự dày công nghiên cứu. Đôi lúc thoáng hiện một tông hồng, nâu đầy ấn tượng về thị giác, với những đường nét dày mang lại cảm nhận nguyên sơ nồng hậu.

Người ta thấy một trường phái sơn mài lạ lẫm, cách tân nhưng vẫn mang màu truyền thống. Trịnh Tuân nói rằng, bản thân chịu những tác động của bậc thầy Gustav Klimt đối với ngôn ngữ tạo hình sơn mài: “Tôi có nhiều đồng cảm với Gustav Klimt. Tranh của Klimt có không gian và tinh thần của hòa sắc sơn mài truyền thống Việt Nam. Có thể tinh thần của Klimt ngấm dần vào tranh của tôi”.

Trong khi đó, tranh của Công Kim Hoa lại mang đến một góc nhìn thú vị bởi sự dịu dàng nữ tính. Tuy nhiên ở một số tác phẩm, Công Kim Hoa lại mang tới những ấn tượng vô cùng dữ dội, những suy nghĩ, trăn trở cuồn cuộn như những lớp sóng liên tiếp, dồn dập. Những đường nét gồ ghề, gai góc, gân guốc xen kẽ hòa lẫn vào những mảng miếng dịu êm.

 Tranh của Trịnh Tuân và Kim Công Hoa - tuy khác nhau về phong cách nhưng đều chung ý niệm về tình yêu và sáng tạo.

Tranh của Trịnh Tuân và Kim Công Hoa - tuy khác nhau về phong cách nhưng đều chung ý niệm về tình yêu và sáng tạo.

 Người xem được chiêm ngưỡng những tác phẩm sơn mài có chiều sâu và tính nghệ thuật độc đáo.

Người xem được chiêm ngưỡng những tác phẩm sơn mài có chiều sâu và tính nghệ thuật độc đáo.

Công Kim Hoa đặc biệt ưa thích thể hiện những bố cục với nhiều khoảng trống, khoảng mở trên mặt tranh, tạo nên những vùng không gian chuyển tiếp hữu duyên và hợp lý. Các khoảng trống, khoảng mở lưu thông sang nhau với các cấu trúc hình nền thay đổi phong phú, đôi khi trở nên mơ hồ.

Bảng màu sơn mài của Công Kim Hoa lúc nào cũng toát ra vẻ sang trọng, quý phái, trang nhã nhưng đằm thắm. Bà hay sử dụng các màu trầm bên cạnh những mảng vàng kim khiến cho ánh sáng phát ra đầy trong trẻo, hấp dẫn. Đặc biệt, màu lam ngọc được sử dụng theo cách rất riêng như một sự trầm tư thanh khiết của cá nhân bản thể nghệ sĩ.

Tranh của Công Kim Hoa không cần nhiều diễn giải bằng lời, không quá rõ ràng về chủ đề hoặc có thể hiểu đa dạng theo cảm quan của mỗi người, cũng không chia thành những cụm chủ đề rõ ràng như tranh của người chồng Trịnh Tuân nhưng đầy nhạc tính, rất nhịp điệu.

Hai con người, hai cá thể, hai cá tính trong bản chất và trong thực hành nghệ thuật. Một bên hướng ra bên ngoài - sống động mà vẫn có chiều sâu, một bên soi chiếu bên trong - tĩnh tại nhưng cũng giàu nội lực. Tất cả làm thành một triển lãm đồng hiện - vợ chồng - tình yêu - nghệ thuật - truyền thống - đương đại.

Hơn 30 năm bên nhau, tình yêu của họ dành cho nghệ thuật và đặc biệt là sơn mài quả thực rộng lớn, họ gắn bó với nghệ thuật này hằng ngày, đặt vào đó là cả tâm tư, trao đi những cảm xúc trong trẻo nhất của mình. Và rồi những cảm xúc ấy được kết tinh lên những tầm vóc, ban đầu chỉ là một màu đen lì, đơn sơ nhưng qua bàn tay tài hoa của hai ông bà chúng trở nên rạng rỡ và đầy vẻ quyến rũ.

Qua mỗi bức tranh, mỗi nét vẽ, mảng màu, ý niệm đã hình thành những lớp phù sa mà thời gian đã bồi đắp để hé lộ một tình yêu trầm lắng: Tình yêu với Hà Nội, với những dáng dấp đặc trưng của ngôi nhà trên phố cổ, gần nhà thờ Lớn nơi mái ấm của họ được nuôi lớn.

Để rồi cứ nhìn vào những hình thái Hà Nội, sắc màu Hà Nội trên từng mảng miếng, người ta bất giác quên mất, có 3 - 4 màu thôi mà vui rộn ràng đến thế. Cũng như Hà Nội, có đi bao lần một con phố, vẫn thấy yêu như ngày đầu tiên chạm đến hồn cốt văn hiến.

“Điều khiến chúng tôi hứng thú đầu tiên đó là tính độc đáo của chất liệu sơn mài - một chất liệu được xem là “đặc sản” của mỹ thuật Việt Nam và không nhiều quốc gia có. Tính độc đáo đến từ hiệu ứng màu sắc trong sơn mài rất đa dạng, với cách vẽ chồng màu nhiều lớp và mài lấy màu bên dưới cùng tạo độ phẳng cho tranh, hiệu quả đến từ tính ngẫu hứng rất khó đoán biết. Đây chính là điểm thú vị và tạo nên hấp dẫn cho sơn mài”, họa sĩ Trịnh Tuân chia sẻ.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ton-vinh-tinh-yeu-qua-son-mai-post720262.html
Zalo