Tôn Vinh tiếng Việt là gìn giữ hồn cốt dân tộc
'Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt là rất cần thiết. Việc chuẩn hóa tiếng Việt cần một cơ quan hàn lâm được Nhà nước tổ chức và thừa nhận', GS.TS Nguyễn Đăng Hưng đặt vấn đề.
Trao đổi với Báo Tri thức và Cuộc sống, GS.TS Nguyễn Đăng Hưng - nhà khoa học nuôi dưỡng “Giấc mơ Việt Nam tôi” - có những chia sẻ, nhận định thiết thực về việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại sao ngày tôn vinh tiếng Việt chỉ dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài?
Giáo sư nhận định thế nào về hành trình 02 năm thực hiện Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 của Thủ tướng về Đề án Ngày tôn vinh Tiếng việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài?
Tôn vinh tiếng Việt là giữ gìn hồn cốt dân tộc!
Tôi tự hỏi tại sao ngày tôn vinh tiếng Việt (3/8/2022) chỉ dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giới hạn trong giai đoạn 2023-2030? Đảng và Nhà nước nên chăng xem xét công nhận cho toàn người dân và mang tính vĩnh viễn.
Trên thực tế, ngoại trừ tổ chức “Tôn vinh tiếng Việt và chữ quốc ngữ” của chúng tôi, không thấy có động tác thực thi nào khác; do vậy, nên có nhữngbiện pháp thực hiện cụ thể và quy trách nhiệm cho tổ chức hay cá nhân.
Vua Khải Định xuống chiếu công nhận chữ quốc ngữ là chữ viết chính thức của dân tộc
Chữ quốc ngữ có lịch sử thăng trầm hàng trăm năm và từ cuối thế kỷ XIX, có độ lệch rõ nét nào giữa chữ quốc ngữ và tiếng Việt?
Vua Khải Định xuống chiếu chấm dứt các khóa học và khoa thi chữ Hán, công nhận chữ quốc ngữ là chữ viết chính thức của dân tộc ta.
Trong chặng đường 100 năm, chữ quốc ngữ không ngừng hoàn thiện phát triển và ổn định thành chữ viết chính thức của người Việt. Năm 2019, chúng tôi đã tổ chức một hội thảo quốc tế về chữ quốc ngữ và tiếng Việt tại Đà Nẵng, có được sự hưởng ứng đóng góp của đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Tới nay, phải nhìn nhận rằng, chữ quốc ngữ có cải tiến qua thời gian, nhưng rất tự nhiên và không có độ lệch nào đáng ghi nhớ.
Ai là cha đẻ của chữ quốc ngữ?
Chữ Quốc ngữ Việt Nam được hình thành nhờ công trình tập thể của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Ý, với sự trợ giúp của các giáo hữu Việt Nam và Nhật Bản, do giáo sĩ Francisco de Pina khởi đầu. Khi Rhodes đến xứ Đàng Trong, phương pháp ghi âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh, nay gọi là chữ quốc ngữ, đang được xây dựng. Ông không phải là người tạo ra chữ quốc ngữ, mà là người ghi nhận và thừa hưởng di cảo của những người tiền bối, có công hệ thống hóa và san định hệ chữ này, cũng như biên soạn và giám sát việc ấn hành Từ điển Việt–Bồ–La, là cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên.
Được biết, Alexandre de Rhodes (15/3/1593 – 5/11/1660) là một nhà truyền giáo Dòng Tên, nhà ngôn ngữ học người Avignon và là một trong những giáo sĩ góp phần quan trọng trong việc truyền bá Công giáo tại Việt Nam.
Là người Việt phải bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt
Vừa qua, chương trình "Vua Tiếng Việt" của Đài VTV có sai sót về chính tả và gặp phải chỉ trích của Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Hoàng Tuấn Công? Theo GS, người Việt trong và ngoài nước cần làm gì để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt?
Là người Việt phải bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt vì tiếng Việt đẹp, giàu ý nghĩa. Việc chuẩn hóa tiếng Việt cần một cơ quan hàn lâm được Nhà nước tổ chức và thừa nhận.
Nhà nước nên đứng ra thành lập một ban tu thư hàn lâm, tập hợp nhiều chuyên gia ngôn ngữ học, sử học, nhà văn nhà thơ tiêu biểu, thường trực chuyên lo về việc này. Tổ chức do chúng tôi đề xướng và điều hành Quỹ vinh danh tiếng Việt và chữ quốc ngữ chỉ là một sáng kiến sơ khởi, chưa đủ khả năng chuyên môn, nhất là phương tiện chính danh và tài chính cần thiết để chu toàn sứ mệnh lớn lao này.
Khi "Vua Tiếng Việt" sai sót…
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) gửi tới ông Hoàng Tuấn Công, nhà nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa dân gian ở Thanh Hóa: "Tôi xin trân trọng cảm ơn sự bền bỉ, tâm huyết của bác Hoàng Tuấn Công dành cho sự trong sáng của tiếng Việt nói chung và chất lượng chương trình "Vua tiếng Việt" được phát sóng trên VTV nói riêng. Tôi xin cầu thị tiếp thu tất cả nội dung góp ý của Bác trong thư ngỏ này, cũng như trong các bài báo mà bác đã viết hoặc tham gia ý kiến…”
Những sai sót của chương trình "Vua Tiếng Việt" của VTV là không thể tránh khỏi khi Ban Tổ chức không có được một Ban tư vấn chuyên nghiệp. Chương trình nên xem xét mời nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công tham gia.
Cách đây 6 năm, chúng tôi sang Ba Tư đặt bia tri ân trên mộ phần của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, xuất bản gia cuốn từ điển đầu tiên về chữ quốc ngữ; tiếp đó sang quê hương của giáo sĩ Francisco de Pina, thành phố Guarda Bồ Đào Nha, đặt tượng đài tri ân người đã tác tạo ra chữ quốc ngữ.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
GS-TSKH NGUYỄN ĐĂNG HƯNG sinh ngày 01/01/1941, tại Quảng Nam; là người Việt Nam định cư ở Vương quốc Bỉ và nay sinh sống tại TP HCM.
Ông là Tiến sĩ khoa học đặc biệt về khoa học ứng dụng (1984), Giáo sư thực thụ, Chủ nhiệm bộ môn Cơ học Phá hủy thuộc Khoa Kỹ thuật Hàng không Không gian, Bỉ (LTAS-ULg, 1985-2006); Giáo sư danh dự thực thụ (professeur ordinaire honoraire) trường Đại học Lìege (2006).
Hiện, ông là Phó Chủ nhiệm Ban Điều hành lâm thời Câu lạc bộ Khoa học và Kỹ thuật Việt kiều (OVSD-Club); Tổng Giám đốc sáng lập doanh nghiệp tư nhân Công nghệ Thông tin Hưng Việt; Cố vấn học thuật của chương trình Cao học “Tính toán cơ học” (COMPENG), Đại Học Việt Đức, Bình Dương. Tổng biên tập Tạp chí khoa học do nhà xuất bàn SPRINGER chủ trương: "Asia Pacific Journal on Computational Engineering" (APJCEN).
Ông xuất bản trên 20 đầu sách, giáo trình khoa học và công bố trên 200 công trình nghiên cứu, báo cáo khoa học trên các tạp chí quốc tế; đào tạo thành công cho Việt Nam gần 318 thạc sĩ và trong đó, 75 tiến sĩ đã bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ tại các trường đại học tiên tiến trên thế giới.
GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng nhận được nhiều huân, huy chương, bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý của Vương quốc Bỉ, Việt Nam.
Ngôn từ lai căng, biến tấu của GenZ gây lệch chuẩn tiếng Việt
Trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ, thế hệ Gen Z nhanh chóng tiếp cận trào lưu “biến tấu” tiếng mẹ đẻ nhằm thể hiện cái mới, nhưng gây méo mó tiếng Việt.
Một loạt hình thức giao tiếp mới ra đời như điện thư, chát, mạng xã hội… làm phát sinh những dạng giao tiếp chưa từng có và đem đến vô số hệ lụy liên quan đến sự trong sáng (purity) của ngôn ngữ.
“Giờ nhiều học sinh lạm dụng, pha tạp nhiều loại ngôn ngữ nói chuyện, nhắn tin với nhau, khiến giáo viên và người lớn tuổi nghe, xem đều không thể hiểu. Như từ “biết” thành “bít”, các từ gốc “không, xin lỗi, chúa hề” đã bị biến thành “khum/ “hông”/“hem”, sin lỗi, trmúa hmề”, từ “gòy soq” để diễn đạt là “rồi xong””, cô Lê Thị Thúy Ngoan, giáo viên Trường THCS Thạch Bàn (Hà Nội) chia sẻ.
Theo cô giáo Ngoan, giới trẻ còn lấy ý tưởng từ một chương trình truyền hình thực tế của Canada, "troll troll" để Việt hóa thành "trôn trôn", hàm nghĩa là đùa tí; dùng từ lóng “ghost” để ám chỉ việc ngó lơ, bơ đi, mặc kệ nó; từ “slay” để nói về sự thích thú, quá đỉnh…
Vô số hệ lụy tha hóa, méo mó tiếng Việt
Tra cứu Google cụm từ “giữ gìn”+”sự trong sáng” + “tiếng Việt”, cho kết quả tìm kiếm là 76.500. “Thực tế này rung hồi chuông báo động về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đó là lo sợ về sự tha hóa, méo mó của tiếng Việt, lo sợ về sự biến dạng của tiếng Việt khi lớp trẻ hồn nhiên dùng tiếng Anh lẫn với tiếng mẹ đẻ, khi thế hệ @ dùng những kí tự lạ trong chát hay nhắn tin”, GS. TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định.
Theo TS Nguyễn Văn Hiệp, giới trẻ sử dụng tiếng Việt biến âm trong lời nói và chữ viết đã gây sốc cho nhiều người, nhất là các bậc cha mẹ. Họ sốc vì cách nói làm sai lệch tiếng Việt, vì không thể hiểu được người trẻ nói gì… Tuy nhiên, ngược lại, một số cách nói hài hước, thú vị, không phản cảm của giới trẻ sẽ được xã hội chấp nhận và có thể đi vào hệ thống tiếng Việt như những thành ngữ, tục ngữ mới, những khuôn mẫu diễn đạt mới.
Theo quy luật tất yếu, phần lớn cách nói, cách viết của thế hệ @ dần dần trở nên cũ kĩ, hết tính thời thượng. Những cách viết bí hiểm, khó hiểu sẽ dần dần bị đào thải. Song, vấn đề là cái mới lại xuất hiện, bởi lẽ động lực cho những cách viết, lối nói như vậy là tâm lí thoải mái, chuộng sự mới lạ, thích khẳng định mình. Xã hội cần được chuẩn bị tâm lí để đối phó tình trạng này.
Cần xử lý hành vi “biến tấu” tiếng Việt!
Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Duy Hoàn, Công ty Luật TNHH Lawkey nêu vấn đề: “Mỗi dân tộc đều có tiếng nói và chữ viết riêng, thể hiện hồn cốt, tính cách của dân tộc mình. Cái hay, cái tốt của tiếng Việt, nếu dùng đúng, chuẩn, ngày càng trong sáng và rất hiện đại. Ngược lại, thứ tiếng “biến tấu” cần có chế tài xử lý nghiêm minh”.
Để mỗi người có ý thức về tiếng nói, chữ viết của dân tộc, gìn giữ trong sáng của tiếng Việt, cần tuyên truyền rộng rãi dưới mọi hình thức và nhất là trong các nhà trường. Ngành giáo dục chú trọng hơn nữa các hoạt động bồi dưỡng nền tảng nhận thức cho học sinh, sinh viên về nguyên tắc sử dụng tiếng mẹ đẻ, đồng thời, nắm bắt và định hướng việc chọn lọc sử dụng những từ ngữ mới phát sinh từ đời sống, từ môi trường mạng, hướng dẫn các em có tư duy sàng lọc và phản biện.
Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Duy Hoàn.
Đài truyền hình quốc gia VTV nên có chương trình giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, thông qua hình thức “đuổi hình bắt chữ” hay chương trình “Vua tiếng Việt”… rất bổ ích, cần phát huy.
Nhìn ra thế giới, có một số quốc gia như Nga đã ban hành các đạo luật để xử phạt việc sử dụng tiếng nước ngoài không đúng nơi, đúng chỗ, ví dụ trên truyền hình, trong thảo luận ở quốc hội, văn bản luật, sách giáo khoa… Việt Nam cần nghiên cứu ban hành quy định xử lý vi phạm hành chính về làm lệch chuẩn tiếng Việt.