Tôn vinh nghề điều dưỡng

Điều dưỡng viên không chỉ hỗ trợ đắc lực bác sĩ trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, mà còn là cầu nối giữa cơ sở khám chữa bệnh với bệnh nhân. Cùng với tình yêu nghề, lương tâm nghề nghiệp, họ còn nhẫn nại, lắng nghe và thấu hiểu bệnh nhân. Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5 là dịp để xã hội tôn vinh đội ngũ điều dưỡng - những người đã và đang góp phần không nhỏ trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Chăm sóc bệnh nhân như người thân

Thăm buồng bệnh Khoa Ung bướu, Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh, hiện có 4 bệnh nhân cao tuổi đang được điều trị tích cực, Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Yến Lan ân cần thăm hỏi bệnh nhân Cà Văn Hiền, xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn, nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc và làm các thủ thuật đúng giờ.

Ông Hiền chia sẻ: Tôi thường xuyên điều trị ở Khoa Ung bướu, tại đây tôi được các điều dưỡng đón tiếp chu đáo, hướng dẫn đến các phòng khám. Lúc ra viện còn dặn dò cẩn thận, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, thường xuyên tập thể dục đảm bảo sức khỏe.

Cuối giờ sáng, khi công việc đỡ bận rộn hơn, trong căn phòng dành riêng cho ca trực, chị Lan chia sẻ với chúng tôi về nghề mà mình gắn bó 11 năm qua. Làm điều dưỡng viên trưởng ở bệnh viện, chị đã trải qua những công việc nặng nhọc, vất vả, vui, buồn. Công việc hằng ngày của điều dưỡng là nhận bệnh nhân tại phòng tiếp đón, lấy các mẫu xét nghiệm cần thiết; hướng dẫn các thủ tục hành chính như báo bảo hiểm, các chế độ cho bệnh nhân, phổ biến nội quy khoa, phòng, xếp giường, trải ga, đưa bệnh nhân về phòng...

Những năm qua, chị Lan luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; năm 2022, chị được UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Chị Lan nói: Trung bình mỗi bệnh nhân vào Khoa điều trị từ 10-17 ngày, chủ yếu là người già mắc bệnh nặng, thường khó tính. Với vai trò là điều dưỡng trưởng, tôi cùng đồng nghiệp luôn tôn trọng, gần gũi, sẻ chia với người bệnh như người thân trong gia đình để họ yên tâm vượt qua khó khăn, chống chọi với bệnh tật.

Ở nhiều ngành nghề, máy móc công nghệ hiện đại có thể thay thế được con người trong một số công việc, nhưng không thể thay thế được vai trò của điều dưỡng viên ngành y. Với sự chăm sóc tận tình, lời động viên, chia sẻ như người thân trong gia đình là những liều thuốc quan trọng, giúp bệnh nhân quên đi đau đớn, cố gắng điều trị.

Đến Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Thuận Châu, chúng tôi hiểu thêm phần nào về những công việc hằng ngày của các điều dưỡng, thường được ví như “làm dâu trăm họ”. Là Khoa thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân nặng đến điều trị như: Chấn thương sọ não, sốc phản vệ, đột quỵ, nhiễm độc… đa số là bệnh nhân nặng, hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn phải nằm bất động, nên việc chăm sóc bệnh nhân toàn diện càng khó khăn hơn…

Các công việc do điều dưỡng đảm nhận gồm sắp xếp giường bệnh, thăm khám sơ bộ, theo dõi các chức năng sống, thực hiện các kỹ thuật chuyên môn: Tiêm truyền, thay băng, rửa dạ dày cấp cứu … Tùy vào bệnh tình từng người bệnh, điều dưỡng phải làm thêm công việc hút đờm, hút dịch, cấp cứu khi bệnh nhân khó thở, phối hợp với bác sĩ thực hiện y lệnh thuốc, phụ bác sĩ đặt nội khí quản...

Điều dưỡng viên Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Thuận Châu thăm khám bệnh nhân.

Điều dưỡng viên Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Thuận Châu thăm khám bệnh nhân.

Chị Vũ Thị Thương, Điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Thuận Châu, cho hay: Khoa có 9 điều dưỡng viên, hằng ngày phân công trực 24/24 giờ, theo dõi sát diễn biến bệnh của bệnh nhân để kịp thời thông báo cho bác sĩ có phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh. Việc chăm sóc bệnh nhân cũng rất tỉ mỉ, từ ăn, ngủ, vệ sinh đều do điều dưỡng thực hiện, giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, bảo đảm môi trường sạch sẽ, yên tĩnh cho người bệnh. Công việc nhiều lúc bận rộn, thậm chí còn cùng bác sĩ cấp cứu bệnh nhân cả đêm không được chợp mắt, sáng hôm sau lại bắt đầu công việc của ngày mới, có lúc rất mệt mỏi, song chúng tôi luôn cố gắng nỗ lực để giành lại sự sống cho người bệnh.

Nâng cao chất lượng đội ngũ điều dưỡng

Ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Toàn tỉnh hiện có 1.815 cán bộ điều dưỡng. 100% điều dưỡng ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã, triển khai hoạt động chăm sóc, phục vụ người bệnh theo quy chế chuyên môn và các kỹ thuật chăm sóc do Bộ Y tế quy định. Hằng năm, Sở Y tế chú trọng triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ điều dưỡng, như: Quy tắc ứng xử, nâng cao y đức, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ điều dưỡng. Chú trọng đào tạo, tạo điều kiện cho đội ngũ điều dưỡng được học tập, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Khoa Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh họp triển khai nhiệm vụ chuyên môn.

Khoa Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh họp triển khai nhiệm vụ chuyên môn.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 80% điều dưỡng có trình độ từ cao đẳng trở lên, số điều dưỡng được cử đi đào tạo sau đại học ngày càng nhiều. Từ năm 2024 đến nay, Sở Y tế đã cử hơn 200 điều dưỡng học đại học, sau đại học và tập huấn về chuyên môn, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ điều dưỡng trưởng tại các đơn vị y tế tuyến tỉnh, tuyến Trung ương.

Bên cạnh đó, Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện tổ chức Hội thi điều dưỡng - hộ sinh - kỹ thuật viên giỏi, qua đó, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hành, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh. Đây cũng là dịp để các điều dưỡng, nữ hộ sinh học hỏi, trao đổi kinh nghiệm công tác, góp phần nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có 294 điều dưỡng, trong đó trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm 85%. Định kỳ 5 năm/lần, phòng tham mưu lãnh đạo bệnh viện tổ chức Hội thi Điều dưỡng - Hộ sinh - Kỹ thuật viên giỏi, thanh lịch để phát động phong trào thi đua học tập nâng cao tay nghề, bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, giao tiếp ứng xử của đội ngũ điều dưỡng.

Bà Điêu Thị Yến, Phó Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: 100% điều dưỡng của bệnh viện ứng dụng chuyển đổi số khám chữa bệnh. Tại các khoa lâm sàng, hệ thống phần mềm quản lý khám chữa bệnh, hệ thống bệnh án điện tử được áp dụng, nhằm giảm thiểu tối đa việc ghi chép thủ công. Điều dưỡng thực hiện ghi phiếu chăm sóc, phiếu truyền dịch, phiếu theo dõi chức năng sống, phiếu lĩnh thuốc trên máy, từng bước thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng CNTT.

Sau hơn 23 năm thành lập, Hội Điều dưỡng tỉnh Sơn La hiện có 17 chi hội, với 1.475 hội viên là điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên y hoạt động trong các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, Hội bám sát nhiệm vụ chung của ngành, chỉ đạo các chi hội thực hiện tốt công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh theo nguyên tắc “Người bệnh là trung tâm của công tác chăm sóc”; quan tâm thực hiện chuẩn đạo đức điều dưỡng viên Việt Nam, nhất là thay đổi phong cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Các điều dưỡng viên tại Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Thuận Châu trao đổi nghiệp vụ.

Các điều dưỡng viên tại Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Thuận Châu trao đổi nghiệp vụ.

Điều dưỡng CKI Lê Thị Hồng Loan, Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh, cho biết: Hội thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, hội thi điều dưỡng, khuyến khích hội viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn, kỹ năng giao tiếp và đạo đức nghề nghiệp. Hàng năm, các chi hội có trên 35 đề tài nghiên cứu khoa học được hội đồng khoa học cấp cơ sở nghiệm thu, trong đó nhiều đề tài được ứng dụng trong chăm sóc, điều trị hiệu quả tại các đơn vị y tế.

Kỷ niệm Ngày quốc tế Điều dưỡng 12/5, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động hướng về người bệnh, như: Tư vấn giáo dục sức khỏe, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh cho người bệnh và người nhà bệnh nhân; các hoạt động truyền thông, tọa đàm về ngành điều dưỡng cho hội viên và người bệnh. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động giao lưu thể thao, văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đội ngũ điều dưỡng nói riêng và cán bộ y tế nói chung.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh khen thưởng các cá nhân có thành tích thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Ngày quốc tế Điều dưỡng.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh khen thưởng các cá nhân có thành tích thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Ngày quốc tế Điều dưỡng.

Không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân, đội ngũ điều dưỡng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, lấy người bệnh làm trung tâm, giúp người bệnh yên tâm, tin tưởng khi đến khám, chữa bệnh. Mỗi điều dưỡng đều xác định, mặc dù áp lực công việc lớn nhưng với lòng yêu nghề, thấu hiểu nỗi đau của người bệnh, họ tiếp tục sẵn sàng vượt qua khó khăn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong tình hình mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/suc-khoe/ton-vinh-nghe-dieu-duong-5m9sfiaNg.html
Zalo