Tôn vinh giá trị trường tồn của âm nhạc cổ điển
Nhằm gắn kết và thúc đẩy giao lưu văn hóa, Hội Nhạc cổ điển Việt Nam sẽ tổ chức hai đêm hòa nhạc giao hưởng vào ngày 8 và 9/12, tại Nhà hát Hồ Gươm.
Hòa nhạc có sự đồng hành của Nhà hát Hồ Gươm, Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời sẽ là dấu ấn khó quên cho người mộ điệu âm nhạc hàn lâm trong nước và quốc tế.
Vào đêm nhạc “Chopin: Huyền diệu dương xầm” (Chopin: Magical piano) vào ngày 8/12, khán giả sẽ gặp lại nghệ sĩ dương cầm Nguyễn Việt Trung và Eric Lu cùng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời dưới đũa chỉ huy của Nhạc trưởng Olivier Ochanine qua 2 bản Concerto số 1 và số 2 của nhà soạn nhạc Frédéric Chopin.
Với đêm nhạc “Âm vang huyền thoại” (Echoes of Genius: An Evening with Beethoven, Mozart & Brahms) vào ngày 9/12, chương trình được mở đầu bằng bản Overture to Fidelio, Op. 72 của Beethoven.
Điểm nhấn của chương trình chính là sự xuất hiện cùng lúc của hai nghệ sĩ Eric Lu và Nguyễn Việt Trung trong tác phẩm đặc biệt Concerto số 10, K365 viết cho hai đàn piano của Mozart.
Dù khác biệt về quốc tịch và phong cách biểu đạt, cả hai đều mang trong mình niềm đam mê và khát vọng “tận hiến cho âm nhạc”.
Đêm nhạc sẽ là trải nghiệm không thể nào quên, nơi khán giả được thưởng thức những khoảnh khắc thăng hoa của âm nhạc và đắm mình trong những tác phẩm bất hủ, chứa đựng năng lượng và khát vọng tuổi trẻ. Chương trình sẽ được kết thúc bằng Symphony No. 2 in D Major, Op. 73 của nhà soạn nhạc Brahms.
Nếu như Wolfgang Amadeus Mozart được biết đến là nhà soạn nhạc với những tác phẩm tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc và phong cách của âm nhạc thời kỳ cổ điển, cấu trúc rõ ràng, cân đối với tính chất âm nhạc trong sáng, giai điệu mượt mà, hòa âm phong phú; thì Beethoven là một nhà sáng tạo âm nhạc đã phá vỡ những quy tắc, nhận định chung cũng như cái nhìn về nền âm nhạc cổ điển.
Âm nhạc của Beethoven cho thấy sự kết hợp hài hòa, cân bằng giữa cảm xúc mãnh liệt và kỹ thuật âm nhạc đỉnh cao. Còn Frédéric Chopin cho thấy sự lãng mạn, dạt dào cảm xúc với những giai điệu trữ tình, đòi hỏi người nghệ sĩ phải làm chủ kỹ thuật mới có thể biểu đạt được tận cùng cảm xúc mà không bị kỹ thuật chi phối.
Nghệ sĩ Nguyễn Việt Trung chia sẻ: “ Với âm nhạc của Chopin, tôi có nhiều thuận lợi hơn vì từ nhỏ đã tiếp xúc với âm nhạc của Chopin. Âm nhạc của ông đậm chất tính trữ tình, chất thơ và tôi nghĩ đó cũng là điểm mạnh của tôi khi chơi các tác phẩm của Chopin.
Tôi nghĩ, chơi nhạc Chopin đòi hỏi sự uyển chuyển của cổ tay nhiều hơn. Khi làm chủ được kỹ thuật thì cũng là lúc mình được giải phóng suy nghĩ và chỉ thả hồn bay bỗng theo dòng cảm xúc tuôn chảy của âm nhạc”.
Hai đêm diễn là những tác phẩm khác nhau, phong cách biểu đạt khác nhau của các nghệ sĩ. Song, âm nhạc không biên giới, không phân biệt màu da, sắc tộc mà là sự giao hòa giữa âm và dương, nối trời và đất. Âm nhạc như sợi dây gắn kết giữa các thế hệ, là thanh âm của thời gian, nối quá khứ và hiện tại.
Sự thăng hoa của các nghệ sĩ trên sân khấu cũng sẽ mang đến cho khán giả những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt không dễ gì có được trong những ngày đầu đông tại Nhà hát Hồ Gươm, nơi hội tụ những tinh hoa âm nhạc thế giới và Việt Nam.