Tồn kho sau Tết, nhiều công ty lùi lịch khai xuân
Trong những năm gần đây, Tết Nguyên đán luôn là dịp cao điểm của các ngành sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát. Tuy nhiên, trong mùa Tết năm nay, tình hình tiêu thụ các sản phẩm này không được như kỳ vọng, dẫn đến nhiều công ty, doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất và lùi lịch khai xuân.
Thói quen tiêu dùng đã thay đổi
Thông thường, vào dịp Tết, các mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát sẽ được tiêu thụ mạnh mẽ do nhu cầu tăng cao từ người tiêu dùng. Tuy nhiên, năm nay, tình hình lại khác biệt. Một số doanh nghiệp sản xuất và phân phối những mặt hàng này đã ghi nhận sự giảm sút đáng kể trong nhu cầu tiêu thụ.
Theo chị Nguyễn Hồng Lê, kế toán của công ty kinh doanh nước giải khát NHC (Hà Nội), ngay từ đầu năm 2024 công ty đã tổ chức khảo sát và đánh giá thị trường, từ đó đưa ra kế hoạch sản xuất trong năm cũng như dịp Tết Nguyên đán. Theo số liệu khảo sát của Phòng Kế hoạch thị trường, do các quy định nghiêm ngặt về nồng độ cồn nên Tết Nguyên đán 2025 đồ uống có cồn sẽ tiêu thụ chậm, đây sẽ là cơ hội cho các mặt hàng nước ngọt tăng doanh số. Căn cứ vào kết quả khảo sát, đánh giá, công ty đã tăng sản lượng sản phẩm phục vụ Tết lên 30% so với năm 2024. Tuy nhiên, sau Tết, lượng hàng tiêu thụ không đạt như kỳ vọng, hàng còn tồn nhiều tại các siêu thị, cửa hàng nên Ban lãnh đạo đã phải thông báo lùi lịch khai xuân 15 ngày so với kế hoạch.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mứt kẹo Vinh Quang (TP HCM) cũng lùi lịch khai xuân với lý do các mặt hàng của công ty tiêu thụ chậm so với mục tiêu đề ra, nếu khai xuân cho công nhân vào sản xuất mà hàng chưa tiêu thụ hết sẽ tạo thêm áp lực và rủi ro về tài chính cho công ty.
Lý giải về việc chỉ số bán lẻ chung tăng nhưng vẫn có những công ty để hàng tồn kho lớn, chuyên gia kinh tế Phạm Minh Phương nhận định do các doanh nghiệp chưa thực sự bám sát thị trường. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2025 ước tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2025 ước đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 7,8%.
Nếu doanh nghiệp không bám sát thị trường, không đánh giá đúng nhu cầu của người tiêu dùng, sản xuất bị dư thừa sẽ dẫn đến tồn kho. Mặt khác, tình hình kinh tế khó khăn, mức chi tiêu bị thắt chặt, nhiều gia đình hạn chế mua sắm các sản phẩm không thiết yếu như bánh kẹo hay nước giải khát. Tâm lý người tiêu dùng cũng có sự thay đổi khi ưu tiên lựa chọn các mặt hàng chăm sóc sức khỏe, hạn chế đồ ngọt, đồ uống có ga cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế thị trường của mặt hàng bánh kẹo, nước ngọt.
Doanh nghiệp phải bắt kịp xu hướng
“Việc tiếp tục sản xuất số lượng lớn sản phẩm mà không có đầu ra sẽ dẫn đến tình trạng tồn kho, gây tổn thất cho doanh nghiệp trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao nên việc lùi lịch khai xuân là một trong những lựa chọn phù hợp”, bà Nguyễn Hồng Lê đánh giá.
Một số công ty bánh kẹo lớn cũng đã quyết định giảm bớt sản lượng, lùi thời gian mở cửa sản xuất trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Điều này không chỉ nhằm giảm thiểu rủi ro về tồn kho mà còn giúp các công ty điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tránh tình trạng dư thừa hàng hóa trong mùa vụ cao điểm.
“Người tiêu dùng hiện nay có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm tự nhiên, tốt cho sức khỏe hơn là các loại bánh kẹo ngọt hay nước giải khát có gas, đường. Hơn nữa, sự bùng nổ của các hình thức mua sắm trực tuyến, các mặt hàng đặc sản từ nước ngoài cũng tràn lan trên các sàn thương mại điện tử đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng truyền thống trong dịp Tết. Qua dịp này, chúng tôi nhận ra cần phải nhanh chóng thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu về sức khỏe, tự nhiên, ít đường hay ít calo có thể sẽ là một hướng đi phù hợp trong năm 2025”, ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Công ty Vinh Quang chia sẻ.
Bà Phạm Minh Phương nhận định, tình trạng tiêu thụ chậm của các mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát trong dịp Tết đã tác động mạnh đến kế hoạch sản xuất và khai xuân của nhiều công ty. Mặc dù các doanh nghiệp đã phải đối mặt với không ít khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội để họ nhìn nhận lại chiến lược và thích nghi với những thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Trong tương lai, việc tiếp cận và phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của các doanh nghiệp trong ngành.