Tôi và Thanh

Tôi và Thanh là hai thế giới khác biệt. Tôi thường nghĩ linh tinh cả ngày về tiền, về tự do tài chính. Thanh thì dành thời gian nghiên cứu nghệ thuật thiền trà. Thanh nghe Phú Quang, nhạc Trịnh rồi khe khẽ hát. Tôi phải nghe Trần Lập, Kasim Hoàng Vũ hát với những giai điệu rock bùng cháy mới ưng. Sự khác biệt ấy đã theo chúng tôi đi qua 4 năm học ở Huế.

Điện thoại reo, đầu dây bên kia tiếng Thanh ồn ã: “Khoảng 2 giờ nữa, mình có mặt ở sân bay. Cậu ra đón mình và cùng nhau làm vài chai. Lâu quá rồi!”. Đúng là Thanh - bạn cùng phòng thời sinh viên của tôi. Gần 20 năm! Ra trường, chúng tôi lập nghiệp kẻ Bắc, người Nam. Chúng tôi vẫn liên lạc nhưng đây là lần gặp gỡ đầu tiên sau ngần ấy năm hai đứa chia tay giảng đường đại học. Bao kỷ niệm về Thanh ùa về, đưa tôi sống dậy một thời thanh xuân đầy ắp tiếng cười. Tiếng cười hồn nhiên, rộn ràng như pháo nổ ngày xuân.

Tháng 7-2004, tình cờ tôi và Thanh cùng vào hỏi thuê phòng trọ nhà dì Thúy trên đường Nguyễn Huệ, phường Vĩnh Ninh, TP. Huế. Tuy nhiên, chỉ còn một phòng duy nhất. Dì Thúy, chủ nhà trọ gợi ý: “Rứa là tụi bây hữu duyên, ở chung đi”. Thế là chúng tôi gật đầu ngay. Sau hôm đó, chúng tôi dính nhau như đôi sam. Thanh là người Huế nhưng ở huyện. Tôi dân xứ Thanh vào trọ học. Chúng tôi vốn là hai đường thẳng song song về tính cách và sở thích nhưng cắt nhau tại một điểm duy nhất là rất thích đọc sách về đề tài chiến tranh. Cuối mỗi tháng, chúng tôi sẽ dành chút tiền ra quán cà phê và bàn về chuyện đọc cho thỏa niềm đam mê.

Tôi còn nhớ lần ấy chúng tôi đọc cuốn tiểu thuyết A time to love and a time to die (Một thời để yêu và một thời để chết) của Erich Maria Remarque. Tác phẩm gần như chỉ có đau thương, nỗi thất vọng, sự tan vỡ và nước mắt bởi chiến tranh. Nhưng cái hay của nhà văn là “ông không để cho nhân vật của mình đi vào trạng thái tuyệt vọng, mà luôn hướng họ đến đỉnh cao của sự hy vọng và niềm tin. Vì khi còn có niềm tin, còn có hy vọng thì thế giới của con người vẫn còn tồn tại”. Chúng tôi mất ăn, mất ngủ đến mấy ngày trong cái nhìn non nớt của tuổi trẻ. Liệu có khi nào chúng tôi rơi vào trạng thái đầy hoang mang như người lính Đức tên Ernst Graeber trở về từ mặt trận Nga - Ðức năm 1948 ấy không? Liệu có khi nào chúng tôi cảm thấy bơ vơ, lạc lõng như Ernst Graber nhìn con phố Hakeastre đổ vỡ, cha mẹ mất tích? Liệu có khi nào chúng tôi tìm được một tình yêu dịu dàng, mãnh liệt, nồng nàn như Elizabeth Kruse dành cho Ernst Graber, để cùng vượt qua những thử thách, nghiệt ngã của cuộc sống?

Tôi nhớ những đêm trăng khi thành phố đã bắt đầu chìm trong giấc ngủ. Tôi và Thanh leo lên những nhịp cầu Trường Tiền rồi vắt vẻo hai chân, ngửa mặt lên trời trông trăng mà hát, nhìn dòng sông Hương chậm rãi trôi. Nghĩ lại tôi thấy mình và Thanh thật hồn nhiên, cũng thật hạnh phúc biết bao. Chủ nhật hằng tuần, tôi và Thanh thường lên núi Ngự Bình chơi và hứa với nhau sẽ cùng ở lại Huế xây tiếp ước mơ. Hai đứa tôi bàn bạc, suy tính với mức lương 3 triệu đồng, chúng tôi sẽ làm gì cho hết. Ngày ấy, mỗi tháng chúng tôi nhận viện trợ từ gia đình có 400 ngàn đồng. Những ngày “viêm màng túi”, tôi và Thanh ăn mì gói thay cơm, nước mắm thay thịt, cá. Tôi than đời khổ, đời ác, Thanh động viên tôi: “Ít nhất, mình còn có mì gói, nước mắm để ăn”. Những ngày Huế bị lụt, hai đứa xăn quần tới đầu gối, long nhong cùng khắp những con đường đầy nước hoặc chúng tôi ở trong phòng để kê ghế, kê sách vở lên cao, rồi chơi đánh bài tiến lên quệt nhọ nồi…

Thời gian thoắt đó đã 20 năm. Tôi thật may mắn khi vẫn giữ được tình bạn với Thanh. Bởi vì, theo năm tháng, cuộc sống dẫu có bao nhiêu thăng trầm biến đổi thì mỗi khi được gặp nhau để hàn huyên, chắc chắn những nhọc nhằn cũng sẽ lắng dịu.

Lê Sỹ Trọng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/165821/toi-va-thanh
Zalo