Tối ưu hóa quy trình sản xuất để phát triển bền vững

Tối ưu hóa quy trình sản xuất, đầu tư công nghệ, áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng, hướng đến phát triển bền vững

Nỗ lực của doanh nghiệp

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, doanh nghiệp Việt vẫn chứng minh khả năng ứng phó linh hoạt, thích nghi mạnh mẽ để tăng trưởng bền vững. Song hành cùng với những nỗ lực phi thường, các doanh nghiệp đã áp dụng thành công công cụ cải tiến năng suất chất lượng trong sản xuất kinh doanh.

Nhà máy C.P Bến Tre (thuộc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam) là một trong những nhà máy đầu tiên tại tỉnh Bến Tre áp dụng đồng thời 8 tiêu chuẩn quản lý quốc tế như: ISO 9001, ISO 22000, HACCP, GMP, Global G.A.P., BAP, ISO 14001 và ISO 50001, công cụ KPI và ứng dụng nhiều phần mềm, chương trình trong quản lý quá trình sản xuất kinh doanh cải tiến không ngừng để nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả.

Đại diện Công ty C.P Việt Nam cho biết, nhà máy đã áp dụng dây chuyền sản xuất công nghệ châu Âu, có hệ thống kiểm soát chất lượng tự động, giám sát bằng hệ thống camera, có khả năng kiểm soát chất lượng với mọi công đoạn sản xuất cũng như truy xuất được nguồn gốc. Sản xuất thức ăn đạt chất lượng, thân thiện môi trường như: áp dụng hệ thống lọc bụi bằng công nghệ túi lọc (Airbag Filter), kiểm soát tiếng ồn, xử lý nước thải, ngăn ngừa ô nhiễm hóa chất, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng thay thế từ các nhiên liệu tự nhiên. Hiện tại, nhà máy sản xuất các loại thức ăn thủy sản phong phú với thương hiệu như: Goal, Goal Max, Goal Fast, Jet, Hi-Gro, Hipo, Lotus…

Bà Trần Thị Trà- Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết: "Trong tương lai, ThaiBinh Seed sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm chọn tạo ra các giống cây trồng chống chịu tốt với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường, đồng thời đẩy mạnh số hóa trong quản lý và sản xuất. Chúng tôi cũng định hướng mở rộng hợp tác quốc tế, đưa các sản phẩm giống cây trồng của Việt Nam vươn xa hơn trên thị trường toàn cầu".

Hay Công ty Cổ phần Tôn Đông Á là doanh nghiệp duy nhất trong ngành thép lá mạ đạt được Giải thưởng Chất lượng Quốc gia danh giá năm 2024, một thành tựu mang tính cột mốc khẳng định vị thế dẫn đầu và minh chứng cho sự kiên định của công ty trong việc đầu tư vào chất lượng sản phẩm.

Đặt trọng tâm vào phát triển bền vững, Tôn Đông Á đã đầu tư mạnh mẽ vào dây chuyền công nghệ hiện đại từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và đảm bảo tính đồng nhất trong từng sản phẩm. Để thực hiện điều này, Tôn Đông Á đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D), hợp tác với các chuyên gia hàng đầu trong ngành để cập nhật các xu hướng mới và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Ưu tiên đổi mới công nghệ

Tương tự, nổi bật có Công ty TNHH chè Hoài Trung, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Công trình Cải tiến phương pháp trồng và chế biến chè xanh của bà Bùi Thị Mão trở thành 1 trong 5 nghiên cứu.

Công trình Cải tiến phương pháp trồng và chế biến chè xanh của bà Bùi Thị Mão trở thành 1 trong 5 nghiên cứu.

Bà Bùi Thị Mão- Giám đốc Công ty chè Hoài Trung cho biết, thông qua các khóa đào tạo, tập huấn về năng suất chất lượng, công ty đã chú trọng các công đoạn, quy trình sản xuất các sản phẩm. Công ty có 3 dây chuyền sản xuất khép kín với công suất máy trên 40 tấn chè búp tươi/ngày. Công ty đã được cấp chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý ISO 22000, giúp kiểm soát một cách toàn diện các khía cạnh và quá trình liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh chè. Đây là cơ sở xây dựng niềm tin của khách hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng và an toàn của người tiêu dùng.

Trong khi đó, tại thành phố Hà Nội, một trong những doanh nghiệp nổi bật về áp dụng công cụ cải tiến Lean là Công ty May Hưng Nhân (Tổng Công ty Đức Giang). Sau 6 tháng triển khai công cụ Lean, công ty đã giảm được 75% hàng tồn trên chuyền, giảm thời gian hàng ra chuyền từ 2 ngày xuống trong ngày, thời gian hàng nhập kho từ 5 ngày xuống 1 ngày, năng suất chuyền may tăng 25 - 30%. Đặc biệt nhất là năng suất lao động tăng đáng kể, trung bình mỗi chuyền may tăng năng suất từ 15 đến 20%. Cá biệt có một số chuyền may năng suất lao động tăng 35-40%. Chất lượng sản phẩm cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hàng lỗi đã giảm từ 30% xuống dưới 15%.

Nói về kinh nghiệm chuyển đổi xanh, ông Lê Minh Tâm - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Ủy ban TCĐLCL Quốc gia, Chuyên gia Năng suất nhấn mạnh: “Cải tiến quá trình sản xuất và quản lý chất lượng có nhiều phương pháp, kỹ thuật hay công cụ cụ thể. Quá trình tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng rất đa dạng và có nhiều phương pháp khác nhau. Từ góc độ chuyên môn, theo tôi, có thể chia làm hai nhóm phương pháp và công cụ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng.

“Với cải tiến quá trình sản xuất, theo tôi, để thành công thì cần mấy yếu tố: thứ nhất, cam kết của lãnh đạo: lãnh đạo phải hiểu, phải khát khao/mong muốn và cam kết bằng hành động cụ thể như: đầu tư nguồn lực (đúng và đủ), công sức và thời gian cho việc cải tiến sản xuất. Lãnh đạo cũng cần tạo ra cơ chế khuyến khích việc cải tiến quá trình, có chính sách ghi nhận, khen thưởng những thành quả của cải tiến. Đồng thời thúc đẩy việc cải tiến quá trình như là một phần của công việc hàng ngày, chứ không phải là làm thêm việc”- ông Tâm cho biết thêm.

Thanh Huyền

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/toi-uu-hoa-quy-trinh-san-xuat-de-phat-trien-ben-vung-367314.html
Zalo