Chiến dịch xác thực sinh trắc học giúp giảm mạnh số tài khoản lừa đảo

Số vụ việc gian lận trong 5 tháng cuối năm 2024 giảm 50% so với trung bình 7 tháng đầu năm; số tài khoản liên quan đến lừa đảo giảm 72%...

Ngành ngân hàng đã "chạy nước rút" triển khai xác thực sinh trắc học trước thời hạn 1/1 năm nay. Theo đó, từ ngày 1/7/2024, Quyết định 2345 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, quy định tất cả các giao dịch điện tử cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng xác thực sinh trắc học khuôn mặt.

Từ ngày 1/10/2024, Thông tư 18 yêu cầu cá nhân mở thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử trực tuyến phải thực hiện xác thực sinh trắc học. Cùng với đó, Thông tư 50 đưa ra khung pháp lý đảm bảo an toàn và bảo mật cho dịch vụ trực tuyến ngành ngân hàng.

Kết quả được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tính đến ngày 31/12/2024, sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện Quyết định 2345, cả nước đã có khoảng 79 triệu hồ sơ khách hàng đã được thu thập và đối chiếu thông tin sinh trắc học.

Nhân viên VietinBank hỗ trợ khách hàng thực hiện sinh trắc học.

Nhân viên VietinBank hỗ trợ khách hàng thực hiện sinh trắc học.

Theo Ngân hàng Nhà nước, số vụ việc gian lận trong 5 tháng cuối năm 2024 giảm 50% so với trung bình 7 tháng đầu năm; số tài khoản liên quan đến lừa đảo giảm 72%. Một số ngân hàng như HDBank, TPBank, MB… đã tích cực hỗ trợ khách hàng hoàn thành xác thực sinh trắc học với tỷ lệ ghi nhận cao, đóng góp vào thành công chung.

Đánh giá về việc thực hiện sinh trắc học, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank, cho biết giải pháp này là một bước tiến lớn, mang lại nhiều lợi ích cho cả khách hàng và ngành ngân hàng nói chung.

"Chúng ta đã làm sạch được hệ thống tài khoản trên ngân hàng, tăng cường mức độ bảo mật, an toàn cho khách hàng và vẫn đảm bảo được giao dịch thông suốt. Giao dịch bây giờ còn thực hiện nhiều hơn. Người dân cảm thấy an tâm hơn đối với việc chuyển tiền thông qua hệ thống ngân hàng", ông Lân nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, năm 2024, lừa đảo trực tuyến tiếp tục hoành hành, gây những hậu quả nặng nề với hàng trăm nghìn người dùng Việt Nam. Mức thiệt hại 18.900 tỷ đồng là một con số đáng báo động về tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia khuyến cáo: “Tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2025. Bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, người dùng vẫn cần nâng cao cảnh giác, kỹ năng an toàn khi tham gia không gian mạng. Không chia sẻ thông tin cá nhân với những người không quen biết hoặc dịch vụ không tin tưởng. Cần xác minh kỹ lưỡng bất kỳ cuộc gọi hay trao đổi nào liên quan đến chuyển tiền. Sử dụng ứng dụng phòng chống lừa đảo nTrust để lọc và ngăn chặn các số điện thoại lừa đảo, website độc hại.

Gần Tết Nguyên đán, các ngân hàng liên tục thông tin cảnh báo tình trạng lừa đảo thông qua việc lợi dụng chính sách yêu cầu xác thực bằng sinh trắc học đối với một số loại giao dịch trực tuyến, các kẻ lừa đảo yêu cầu nhiều người cài app giả và chụp ảnh căn cước công dân, xác thực khuôn mặt. Tuy nhiên, sau khi cài đặt phần mềm giả mạo và xác thực sinh trắc học sẽ bị chiếm quyền điều khiển điện thoại, chuyển tiền trong tài khoản...

Trong thư vừa gửi đến khách hàng, VPBank cũng khuyến cáo thủ đoạn của tội phạm mạng ngày càng tinh vi. Những kẻ mạo danh công chức các cơ quan nhà nước như công an, thuế... gọi điện và gửi cho người dân các đường link, gửi app VNeID có chứa mã độc.

Nếu truy cập vào các đường link, cài app bằng điện thoại thì điện thoại sẽ bị kiểm soát, bị mất thông tin cá nhân và bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

VPBank khuyến cáo khách hàng không tự ý cài đặt các ứng dụng có nguồn không tin cậy, không click vào các đường link/quét mã QR dẫn đến các website lạ. Không cung cấp OTP, thông tin số thẻ, mã bí mật CVV/CCV dưới bất kỳ hình thức nào cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng để tránh mất tiền.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/chien-dich-xac-thuc-sinh-trac-hoc-giup-giam-manh-so-tai-khoan-lua-dao-1104503.html
Zalo