Tối ưu công tác sắp xếp đơn vị hành chính

Sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hướng tới xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả...

Ngày 20-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2023-2030 - chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo.

Tránh xáo trộn không đáng có

Thực hiện chỉ đạo của trung ương, TP HCM đang thực hiện đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Để bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, không gây xáo trộn lớn trong quá trình sắp xếp ĐVHC, thành phố vận dụng các yếu tố đặc thù từ Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, đến năm 2030, TP HCM không có đơn vị cấp huyện phải sắp xếp, mà thực hiện sắp xếp 80 phường của 10 quận để hình thành 38 phường mới.

Nhiều ý kiến tại phiên họp cho rằng cần bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi sắp xếp; có phương án xử lý trụ sở nhằm tránh lãng phí. Đặc biệt, bảo đảm chuyển đổi giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do thực hiện sắp xếp...

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM Trần Kim Yến góp ý khi 80 phường thực hiện sắp xếp thì địa giới hành chính có điều chỉnh dẫn tới người dân phải điều chỉnh giấy tờ. Thành phố cần chia ra từng giai đoạn để giải quyết trong quá trình chuyển đổi, tránh gây xáo trộn không đáng có cho người dân.

Trong khi đó, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP HCM Ngô Minh Châu nói cần bảo đảm lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, tránh trường hợp nhập phường lại làm thất thoát. Phường mới có quy mô lớn hơn phường cũ nên công việc tăng, vì thế, bộ máy cán bộ, công chức hợp lý, hài hòa, đáp ứng yêu cầu của người dân là yêu cầu rất quan trọng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận khi thực hiện sắp xếp ĐVHC sẽ nảy sinh nhiều vấn đề về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trụ sở dôi dư, chế độ, chính sách... Vì vậy, yêu cầu đặt ra là giải quyết tốt để khi triển khai hạn chế tối đa những phát sinh không tích cực. Ông nhấn mạnh nguyên tắc sau sắp xếp phải tốt hơn, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu có sự lắng nghe để kịp thời xử lý những phát sinh

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu có sự lắng nghe để kịp thời xử lý những phát sinh

Để tiếp tục triển khai hiệu quả, bảo đảm thời gian, tiến độ và đúng tinh thần chỉ đạo trong thực hiện sắp xếp, Bí thư Thành ủy TP HCM yêu cầu tiếp tục truyền thông rộng rãi và sâu đến các đối tượng liên quan. Đồng thời, tuyên truyền rộng rãi để quần chúng nhân dân nhận thức được việc sắp xếp ĐVHC là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hướng tới xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả.

"Đây là công việc không mới nhưng luôn là công việc nhạy cảm, phức tạp, tác động đến các cơ quan, tổ chức trong hệ thống cũng như ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống, sinh hoạt của nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động" - Bí thư Thành ủy TP HCM nhìn nhận và cho hay việc sắp xếp diễn ra trong thời điểm TP HCM triển khai thực hiện rất nhiều việc lớn. Do đó, công tác truyền thông, tổ chức cần hết sức chặt chẽ và đồng bộ để tránh mất thời gian khi thực hiện.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên hoan nghênh tinh thần làm việc rất khẩn trương của UBND thành phố... Với những ý kiến góp ý, đề xuất mà thành viên của Ban Chỉ đạo đã nêu ra, ông yêu cầu có sự tiếp thu và hoàn chỉnh sớm để trình các cơ quan có thẩm quyền.

Ông Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị Ban Điều hành tiếp tục chỉ đạo Tổ giúp việc khẩn trương hoàn thiện những nội dung để trình cấp thẩm quyền. Song song đó, khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành liên quan tiếp thu, hoàn thiện các văn bản, đề án liên quan.

Một nội dung quan trọng nữa mà Bí thư Thành ủy TP HCM lưu ý đó là các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát xây dựng chương trình giám sát, lắng nghe ý kiến phản biện của xã hội để kịp thời uốn nắn, xử lý những phát sinh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức và người dân liên quan. Quá trình triển khai phải tăng cường các mối quan hệ, mở nhiều kênh để tăng tương tác, lắng nghe phản ánh của người dân...

Hoàn thành trong năm 2024

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết về số cán bộ dôi dư, tại 80 phường phải sắp xếp có 2.469 cán bộ, UBND TP HCM đã có phương án sử dụng 1.741 người. Thành phố sẽ điều chỉnh theo lộ trình giảm dần chứ không giảm ngay.

Về lo ngại việc sắp xếp sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, doanh nghiệp do chuyển đổi giấy tờ như giấy phép lái xe, giấy đăng ký kinh doanh, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết sẽ có hướng dẫn xử lý chuyển tiếp những trường hợp điều chỉnh hồ sơ, trong đó có loại cơ quan nhà nước tự điều chỉnh. "Khi người có nhu cầu giao dịch, thành phố sẽ hỗ trợ điều chỉnh luôn chứ không bắt người dân phải đi chuyển đổi. TP HCM không thu phí việc chuyển đổi giấy tờ, cố gắng ít xáo trộn nhất và ít tác động đến đời sống, sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp" - ông Võ Văn Hoan khẳng định.

Ông Võ Văn Hoan cho biết TP HCM sẽ hỗ trợ người dân điều chỉnh giấy tờ

Thông tin thêm, theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, những đầu việc như con dấu, bảng hiệu cho các địa phương phải sáp nhập... đã chuẩn bị xong. "Việc sắp xếp ĐVHC phải kết thúc ngay trong năm 2024. Năm 2025 chỉ tập trung xây dựng văn kiện để chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp" - ông Võ Văn Hoan nói.

Bài và ảnh: PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/toi-uu-cong-tac-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-196240820215151388.htm
Zalo