Khách Việt đổi chỗ xếp hàng mua trà sữa
Khẩu vị trà sữa của khách hàng Việt thay đổi, dẫn đến sự ưa chuộng đối với các thương hiệu đậm vị trà. Tuy vậy, đây không phải kết thúc cho các sản phẩm đậm vị ngọt và ngậy của sữa.
Năm 2017, tín đồ trà sữa xếp hàng dài trên đường Ngô Đức Kế (quận 1, TP.HCM). Họ chờ 15-20 phút, sẵn sàng chi 50.000-70.000 đồng để có thể cầm trên tay ly trà thương hiệu Đài Loan, Hong Kong, Singapore hoặc Nhật Bản. Số tiền này tương đương, thậm chí có phần nhỉnh hơn nhiều loại trà sữa trên thị trường hiện tại.
Cơn sốt trà sữa Đài Loan - xuất xứ của món trà sữa trân châu - kéo dài nhiều năm sau, khi đến 2021, tiệm trà Phượng Hoàng (quận 10, TP.HCM) vẫn tấp nập khách xếp hàng.
Đến tháng 6/2023, thị trường mới chứng kiến sự chuyển dịch khi cảnh chờ đợi xuất hiện trước ChaTraMue - thương hiệu trà sữa "quốc dân" đến từ Thái Lan.
Tuy vậy, đến 2024, ChaTraMue cũng nhanh chóng nhường sự náo nhiệt cho Phê La - chuỗi cửa hàng trà đặc sản của Việt Nam. Gen Z xếp hàng từ 3h30 sáng, chờ một chi nhánh của thương hiệu này mở cửa lúc 4h.
Thực khách đổi gu
Hoàng Kiều (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) có thói quen uống 2-3 ly trà sữa/tuần. Nếu có hẹn gặp gỡ bạn bè, con số này có thể tăng lên khoảng 4-5 ly/tuần.
Thực khách này cho biết những loại trà sữa vị ngọt, béo đến từ Đài Loan không còn "đủ đô" đối với cô. Quen uống trà xanh cùng gia đình vào mỗi buổi sáng, những ly trà vị đậm và đắng mới khiến cô hài lòng.
"Trước đây tôi là fan của Bobapop, Gong Cha, về sau là Đen Đá, Phúc Long và Cheese Coffee. Hiện tôi ‘nghiện’ vị trà đậm của Phê La, La Si Mi, Katina…", Hoàng Kiều nói.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, đại diện iPOS, đơn vị cung cấp giải pháp quản lý cho nhà hàng/cà phê, cho biết thị trường trà sữa bùng nổ từ năm 2014 và bắt đầu chững lại vào năm 2017.
Các thương hiệu trà sữa ngoại tại Việt Nam sau quá trình bùng nổ đã đạt mức bão hòa. Những đơn vị còn trụ lại trên thị trường đến nay vẫn giữ được chất lượng, sở hữu tệp khách hàng trung thành trong phân khúc. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19 với những khó khăn chung của nền kinh tế, các thương hiệu gần như không mở rộng, thậm chí phải thu hẹp để tồn tại.
Trong khi đó, thị trường trà sữa thời gian gần đây chứng kiến sự tham gia sôi nổi của các thương hiệu nội địa như Phê La, La Si Mi, tạo nên những làn sóng gió mới đầy thú vị. Các thương hiệu mới nổi đưa ra concept mới lạ từ phong cách thiết kế đến sản phẩm đồ uống, thu hút sự tò mò của khách hàng.
Theo Báo cáo ngành F&B Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 do iPOS phát hành, có 19% doanh nghiệp đồ uống nhận định khách hàng ngày càng ưa chuộng những sản phẩm mới lạ, độc đáo và đi theo xu hướng thị trường. Điều này phần nào giải mã sức hút của những thương hiệu và sản phẩm trà mới mở, chinh phục khách hàng bởi sự mới lạ, độc đáo.
Cũng như Hoàng Kiều, Thanh Ngân (ngụ quận 4, TP.HCM) cũng thay đổi quán trà sữa "ruột" khi các thương hiệu mới liên tục ra mắt.
Cách đây 10 năm, khi là sinh viên, cô từng "điên đảo" với các loại trà sữa Đài Loan như R&B, Bobapop, Gongcha hoặc Royaltea. Tuy nhiên, sự ngọt ngào ấy dần khiến cô phát ngán.
"Đến khoảng năm 2019, khi được thưởng thức trà đậm vị của Phúc Long, tôi mới nhận ra đây là loại trà mình yêu thích. Từ đó, những buổi học nhóm, hẹn hò của tôi đều diễn ra tại các chi nhánh của chuỗi đồ uống này", Ngân cho biết.
"Lần đầu uống trà sữa đậm vị, tôi thức đến hơn 3h sáng, tuy nhiên hương vị thơm ngon ấy cứ khiến tôi lưu luyến mãi. Rút kinh nghiệm, những lần sau tôi yêu cầu nhân viên giảm trà để có thể thưởng thức loại đồ uống này nhưng vẫn đảm bảo giấc ngủ ngon", Ngân nói thêm.
Nữ thực khách cho biết mỗi tuần cô uống 3-4 cốc trà sữa đậm vị đến từ thương hiệu yêu thích là Phê La và Cheese Coffee.
Vòng lặp trào lưu
Theo nghiên cứu từ Báo cáo thị trường kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 của iPOS, người Việt ngày có xu hướng cắt giảm lượng đường trong các món đồ uống. Vì vậy, khi các thương hiệu... mang đến “trend” trà ô long đậm vị kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tế của thực khách.
Với sản phẩm chất lượng, phù hợp với lối sống lành mạnh mà giới trẻ đang hướng tới, cùng chiến lược truyền thông hiệu quả, các thương hiệu "made in Việt Nam" nhanh chóng đạt được những thành công trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, đại diện iPOS nhận định các thương hiệu trà sữa ngoại “hạ nhiệt”, song không đồng nghĩa họ không còn cơ hội phát triển ở thị trường Việt Nam.
Mỗi chu kỳ sẽ có xu hướng đồ uống khác nhau. Quay lại thời điểm những năm 2017, khi Tenren (thương hiệu trà sữa rút khỏi Việt Nam vào năm 2019) gia nhập thị trường, đồ uống của thương hiệu này được đánh giá là "ban đầu sẽ có vị đắng chát nơi đầu lưỡi, sau đó là vị ngọt mang âm hưởng của trà đạo Đài Loan", khá tương tự với các loại trà sữa đậm vị trà được ưa chuộng hiện nay như Phê La, Phúc Long.
"Tuy nhiên, vào thời điểm đó, người Việt lại ưa chuộng những loại trà sữa thiên hướng đậm vị ngọt, ngậy vị sữa. Đó là minh chứng cho việc thời điểm phù hợp là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến sự thành công của thương hiệu", đại diện iPOS nêu quan điểm.