Tội phạm lừa đảo lợi dụng tâm linh vẫn còn 'đất sống', vì sao?
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức bói toán, chữa bệnh, giải vong, giải hạn online... không phải là 'chiêu lừa' mới nhưng gần đây vẫn có nhiều người 'sập bẫy', nguyên nhân vì sao?
Bắt nhiều đối tượng
Công an tỉnh Thái Nguyên vừa khởi tố 25 đối tượng trong đường dây lừa đảo, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng của 28.000 bị hại... qua hình thức lợi dụng lòng tin tâm linh. Theo đó, vừa qua Công an tỉnh Thái Nguyên phát hiện một nhóm đối tượng chuyên sử dụng điện thoại gọi điện đến người dân, tự xưng là “cô đồng” của một số cơ sở tín ngưỡng, lợi dụng lòng tin tâm linh của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra, Công an tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các đơn vị liên quan khám xét khẩn cấp đối tượng Đỗ Ngọc Anh (SN 1996, trú tại tỉnh Tuyên Quang) và 28 đối tượng có liên quan.
![Đối tượng Trịnh Phương Mai tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_113_51436731/8acfe9e6d2a83bf662b9.jpg)
Đối tượng Trịnh Phương Mai tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa.
Để lừa đảo thành công, các đối tượng này đã xây dựng kịch bản lời thoại chi tiết, tình huống phát sinh đưa cho các nhân viên gọi đến khách hàng. Khi gọi điện, chúng tự nhận là “cô đồng” tại các nhà chùa, đền; dọa dẫm người dân về việc họ có các vấn đề về tâm linh (như có vong theo, có vận hạn liên quan đến sức khỏe, tài chính…); mời chào, dụ dỗ người dân làm lễ giải hạn hoặc nhận các vật phẩm phong thủy. Các đối tượng đưa ra thông tin về việc các vật phẩm phong thủy này đã được làm lễ, “trì chú”, “mở cung tài lộc”… tại các đền, chùa và có khả năng hỗ trợ người dân được bình an, mạnh khỏe, thuận lợi và yêu cầu người dân phải trả “tiền công đức, ủng hộ nhà chùa, nhà đền” với số tiền từ 200.000 - 500.000 đồng/vật phẩm phong thủy. Bước đầu, Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 4 -12/2024, Đỗ Ngọc Anh đã điều hành 3 nhóm với hơn 30 người để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thành công của 28.000 trường hợp trên cả nước, với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng.
Mới đây, ngày 6/2, Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ Trịnh Phương Mai (SN 1988, trú tại phường An Hưng, TP Thanh Hóa) là đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân với thủ đoạn xem bói, trục vong, giải hạn online. Trịnh Phương Mai khai nhận, thường sử dụng mạng xã hội Facebook với nick name “Triệu Phương Mai” để đăng tải bài viết nhằm thu hút người dân có nhu cầu xem bói, tử vi và giải hạn. Khoảng tháng 4/2024, chị Đ.T.T.O. ở tỉnh Bắc Ninh vào bình luận và có nhờ Mai xem bói. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của chị O. Mai đã bịa ra các câu chuyện tâm linh không có thật nhằm thao túng tâm lý khiến chị O. lo sợ, phải làm các thủ tục giải hạn.
Thế nhưng sau khi làm lễ, để tiếp tục lấy tiền của nạn nhân, Mai đã đưa ra nhiều thông tin và lý do khác nhau, như: trong khi làm lễ thấy có vong nhi theo nên cần tiếp tục làm lễ để vong đi”; quá trình làm lễ do nạn nhân ăn thịt chưng mắm tép nên lễ không thành, hoặc đưa ra một số hình ảnh về các vụ tai nạn giao thông rồi nói chị O. có điềm xấu, đi lại phải cẩn thận khiến nạn nhân hoang mang lo lắng và tiếp tục chuyển tiền để làm lễ giải hạn. Với thủ đoạn trên, từ tháng 7/2024 đến khi bị bắt, Mai đã dụ dỗ, buộc chị O. chuyển số tiền hơn 1 tỷ đồng để cúng giải hạn, giải bùa, giải vong…
Có thể bị xử lý hình sự
Trao đổi về vấn đề trên, TS Lưu Hoài Bảo - Trưởng Bộ môn Tội phạm học và Khoa học điều tra tội phạm thuộc Khoa Pháp luật hình sự (Trường Đại học Luật Hà Nội) đánh giá, hình thức xem bói, chữa bệnh, giải hạn online không phải là thủ đoạn lừa đảo mới. Hình thức lừa đảo này đã được lên án và cảnh báo nhiều lần thế nhưng vì thiếu hiểu biết, “nhẹ dạ, cả tin” nên nhiều người vẫn “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo.
Nhận định về nguyên nhân vì sao lừa đảo qua hình thức tâm linh vẫn còn “đất sống”, TS Lưu Hoài Bảo cho rằng, các đối tượng lừa đảo sử dụng thủ đoạn ngày càng tinh vi. Chúng đánh trúng vào “điểm yếu” đó là sự thiếu hiểu biết về tín ngưỡng và tâm lý sợ hãi, luôn mong bình an của người dân. Đầu tiên là tâm lý lo lắng, sợ hãi về tương lai. Những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống, tình duyên, công việc, kinh doanh hoặc đang mắc bệnh tật... tâm lý dễ bị dao động, dễ tin vào sự “cứu cánh” bằng... tâm linh.
Tiếp đó là sự thiếu hiểu biết về tín ngưỡng. Nhiều người không hiểu rõ về đạo lý Phật giáo, tín ngưỡng dân gian, dẫn đến việc mê tín... tin theo sự dẫn dụ, các mánh khóe lừa đảo tâm linh của đối tượng lừa đảo. Bên cạnh đó, sự tác động của mạng xã hội khi các nhóm “hội tâm linh”, “hội gọi vong” tràn lan trên mạng xã hội. Người dân khi tham gia thấy có nhiều người, thường sẽ nảy sinh tâm lý tin tưởng vào đám đông, dẫn đến bị mắc lừa và hậu quả là “tiền mất, tật mang”.
Về các chế tài xử lý loại hình tội phạm trên, luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi lợi dụng vấn đề tâm linh để lừa đảo trên không gian mạng có thể bị xử lý theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cụ thể, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Đặc biệt, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp...