Tối nay Việt Nam đón cực đại mưa sao băng, đạt 200 vệt/giờ

Sự kiện mưa sao băng Quadrantid vào tối nay và sáng mai (3-4/1) sẽ đạt cực đại với 200 vệt sao băng mỗi giờ, kéo dài từ năm 2024 sang 2025.

Trận mưa sao băng đầu tiên của năm 2025 sẽ rơi vào đêm ngày 3/1, rạng sáng ngày 4/1 theo giờ Việt Nam. Đây là một trong những trận mưa sao băng lớn nhất trong năm, dự kiến khoảng 80 ngôi sao băng sẽ xuất hiện mỗi giờ. Vì thế, các nhà thiên văn ở Việt nam rất mong đợi.

Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), mưa sao băng Quadrantids diễn ra hàng năm từ tối 26/12/2024 đến 16/1/2025, với cực đại năm nay xảy ra vào lúc 23 giờ ngày 3/1/2025, kéo dài từ năm 2024 sang năm 2025.

Trận mưa sao băng đầu tiên 2025. Ảnh: Thanh niên

Trận mưa sao băng đầu tiên 2025. Ảnh: Thanh niên

Theo thông tin từ HAS, thời gian quan sát tốt nhất sẽ là vào sáng ngày 4/1/2025. Vào lúc cực điểm, nếu điều kiện quan sát thuận lợi, bạn có thể nhìn thấy từ 60 đến 200 vệt sao băng mỗi giờ. Dù được xem là một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất năm, Quadrantids lại có thời gian cực đại rất ngắn, chỉ kéo dài vài giờ.

Đặc biệt, năm nay, trăng lưỡi liềm đầu tháng sẽ lặn vào đầu buổi tối, gần như không ảnh hưởng gì đến việc quan sát.

Vị trí phát ra của các sao băng Quadrantids (radiant) nằm giữa hai chòm sao Thiên Long (Draco) và Mục Phu (Bootes), xung quanh còn có các chòm sao Đại Hùng (Ursa Major) và Vũ Tiên (Hercules). Ảnh: HIỆP HỘI THIÊN VĂN HOÀNG GIA ANH

Vị trí phát ra của các sao băng Quadrantids (radiant) nằm giữa hai chòm sao Thiên Long (Draco) và Mục Phu (Bootes), xung quanh còn có các chòm sao Đại Hùng (Ursa Major) và Vũ Tiên (Hercules). Ảnh: HIỆP HỘI THIÊN VĂN HOÀNG GIA ANH

Quadrantids là một trong những cơn mưa sao băng đặc biệt và hiếm hoi, không xuất phát từ đuôi sao chổi mà lại đến từ một tiểu hành tinh có tên là 2003 EH1.

Theo NASA, tiểu hành tinh 2003 EH1 được phát hiện vào năm 2003, có đường kính chỉ khoảng 3 km và mất 5,52 năm để quay quanh Mặt Trời.

Điều thú vị là 2003 EH1 có thể là một “sao chổi chết” hoặc “sao chổi đá”, khác biệt với các tiểu hành tinh thông thường vì nó mang theo một đuôi bụi mỏng. Chính điều này đã tạo nên sự đặc biệt cho mưa sao băng Quadrantids.

Các sao băng Quadrantids thường được gọi là “thiên thạch cầu lửa” vì chúng lớn, sáng và tồn tại lâu hơn những vệt sao băng thông thường. Nguyên nhân là các mảnh vụn từ tiểu hành tinh 2003 EH1 thường lớn hơn những mảnh vụn trong đuôi các sao chổi.

Mưa sao băng thường được đặt tên theo chòm sao mà chúng xuất phát từ đó. Tuy nhiên, nếu tìm trên bản đồ thiên văn, bạn sẽ không thể tìm thấy một chòm sao có tên gần giống với Quadrantids. Nguyên nhân là vì cơn mưa sao băng này xuất phát từ một chòm sao đã bị loại khỏi bản đồ thiên văn, mang tên Quadrans Muralis.

Chòm sao Quadrans Muralis được nhà thiên văn học người Pháp Jerome Lalande đặt tên vào năm 1795, nhưng khi Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU) cập nhật danh sách các chòm sao vào năm 1922, Quadrans Muralis đã không còn tồn tại.

Hà Vy

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/toi-nay-viet-nam-don-cuc-dai-mua-sao-bang-dat-200-vet-gio-202501031449214289.html
Zalo