Biến đổi khí hậu đang 'vẽ' lại thế giới
Biến đổi khí hậu đang khiến các sông băng tan chảy, dẫn đến khả năng phải vẽ lại biên giới quốc gia và cũng có nguy cơ gây ra căng thẳng ở một số khu vực trên thế giới.
Biên giới đất liền thường được coi là các đường cố định vĩnh viễn nhưng ở các vùng núi như dãy Alps - nơi băng đang tan và tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu đang định hình lại môi trường thực địa - đôi khi chính quyền địa phương buộc phải vẽ lại bản đồ.
Tại biên giới Thụy Sĩ - Italy, ngay phía trên sông băng Theodul, nơi gắn kết các cư dân trong một môi trường kinh tế chung, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, hai đô thị xung quanh ngọn núi Matterhorn mang tính biểu tượng đang phát triển mạnh nhờ lượng khách du lịch ổn định đến thăm những cảnh đẹp của vùng và trượt tuyết trên các sườn núi cao, nơi có tuyết phủ quanh năm.
Mặc dù vậy, sự tan chảy của sông băng đã làm thay đổi cảnh quan, buộc chính quyền địa phương phải xác định lại biên giới giữa hai nước.
Vào tháng 5-2023, Thụy Sĩ và Italy cùng nhau điều chỉnh lại biên giới trên dãy Alps do các sông băng co lại nhanh. Các chuyên gia tin rằng một phần là do vùng đất này không thuộc sở hữu tư nhân và biên giới quốc gia nằm trên đỉnh núi mà đường phân chia của Thụy Sĩ đã dịch chuyển sang lãnh thổ Italy trong những năm gần đây.
Sau khi điều chỉnh, Thụy Sĩ vẫn mất gần 18 tháng để phê duyệt sự thay đổi và Italy vẫn chưa ký bản đồ biên giới sửa đổi. Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến biên giới ở các khu vực Plateau Rosa, Rifugio Carrel, Gobba di Rollin, vốn nằm gần đỉnh Matterhorn - một trong những địa danh nổi tiếng của dãy Alps.
“Với sự tan chảy của các sông băng, những cấu trúc tự nhiên này thay đổi và định nghĩa lại biên giới quốc gia”, Chính phủ Thụy Sĩ cho biết trong một thông báo hồi cuối tháng 9, sau khi đạt được thỏa thuận về thay đổi bản đồ.
Dù có nhiều quan điểm khác nhau về biến đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu, các sông băng trên thế giới đang ngày càng co lại bất chấp sự dao động theo mùa và sự di chuyển tự nhiên của sông băng do những yếu tố như biến dạng nội tại. Tác động của việc cảnh quan núi thay đổi với dân cư đang nhận được sự chú ý lớn của giới khoa học.
Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Sĩ công bố hồi tháng 10 cho thấy, năm 2024, bất chấp “khối lượng tuyết cực lớn trong mùa đông” - nhiều hơn trung bình khoảng 30% - lượng bụi lớn từ Sahara bay đến đã thúc đẩy băng tuyết tan, khiến sông băng mất 2,5% thể tích.
“Sự co lại và tan chảy của các lưỡi sông băng vẫn tiếp diễn do biến đổi khí hậu. Năm 2022 và 2023 đã có tổng cộng 10% thể tích sông băng Thụy Sĩ biến mất, nhiều nhất từng ghi nhận. Con số 2,5% trong năm 2024 cũng cao hơn mức trung bình của thập niên qua”, báo cáo cho biết.
Matthias Huss, người đứng đầu Mạng Giám sát sông băng Thụy Sĩ (GLAMOS) tại Đại học ETH Zurich cho biết: “Hiện tại Thụy Sĩ có 1.400 sông băng, trong số đó có nhiều sông băng nhỏ. Các sông băng nhỏ là những nơi đầu tiên biến mất. Chỉ trong 30-40 năm qua, chúng tôi đã mất khoảng 1.000 sông băng. Giờ đây chúng tôi đang mất đi những sông băng được coi là quan trọng”.
Trong một nghiên cứu năm 2023, các nhà khoa học đã mô hình hóa rằng, nhiệt độ toàn cầu tăng 1,50C sẽ khiến hơn 1/4 bề mặt sông băng hiện tại của trái đất biến mất vào năm 2100.
Với biến đổi khí hậu, băng tan cũng đi kèm với sự tan chảy của tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu (đất đóng băng, tác dụng như một chất keo kết dính giữa đá nứt và các mảnh vụn khác). Tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu tan chảy chậm hơn nhưng thậm chí còn có tác động lớn hơn đối với sự thay đổi địa chất, cũng như thay đổi biên giới giữa các quốc gia.
Tình huống Thụy Sĩ - Italy không phải là ví dụ duy nhất về biên giới thay đổi khi môi trường tự nhiên thay đổi. Sálajiegna, sông băng ở biên giới Na Uy - Thụy Điển, có hai lưỡi băng, một chạy vào Na Uy và một chạy vào Thụy Điển, vài thập niên qua, cũng co lại khoảng 20m mỗi năm. Năm 2013, những thay đổi này đã dẫn đến sự thay đổi về khả năng tiếp cận nguồn nước ở cả hai bên biên giới.
Ngoài ra, biên giới sông băng còn tồn tại giữa Thụy Sĩ và Áo, Chile và Argentina, hay sông băng Siachen có tầm quan trọng lớn về địa chính trị ở dãy Himalaya thuộc Trung Á, nơi Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc tiếp giáp.
Năm 2014, các nhà nghiên cứu bắt đầu triển khai Dự án Italian Limes và đặt các cảm biến GPS dọc theo một đoạn biên giới Italy - Áo ở dãy Alps Ötztal. Hệ thống theo dõi sự dịch chuyển được cải tiến 2 năm sau, với mạng lưới 26 cảm biến cung cấp dữ liệu GPS cho máy vẽ truyền bản đồ để vẽ “biên giới di chuyển” giữa hai quốc gia. Hai nước đã đạt được thỏa thuận sơ bộ vào năm 2006 để cùng làm việc theo cách tiếp cận linh hoạt hơn với đường phân chia đó.
Ngoài thay đổi lãnh thổ, vẫn còn những vấn đề khác liên quan đến biên giới sông băng. Ở Italy và Thụy Sĩ, những vùng núi đông du khách dọc biên giới đang trở nên dễ sạt lở hơn. Điều này khiến mối nguy hiểm xảy ra ở một bên biên giới có thể ảnh hưởng lớn đến những người phía bên kia.
Theo giáo sư người Thụy Sĩ Adrian Brugger, việc mất sông băng trên núi Alps khiến cuộc sống của người dân ở gần núi trở nên nguy hiểm hơn nhiều, với cả hai bên. “Có một nỗi sợ phải di dời ở các khu định cư với những ngôi nhà 500 năm tuổi. Mọi người sống với một túi hành lý bên cạnh giường”, Brügger nói.
Với biến đổi khí hậu, băng tan cũng đi kèm với sự tan chảy của tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu. Tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu tan chảy chậm hơn nhưng thậm chí còn có tác động lớn hơn đối với sự thay đổi địa chất, cũng như thay đổi biên giới giữa các quốc gia.