Tôi lần đầu tham gia bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo

12 ngày ở cùng 4 người lạ, làm những việc chưa từng làm ở nơi chưa từng đến, tôi cũng chưa từng nghĩ trải nghiệm này mang đến nhiều cung bậc cảm xúc như vậy.

 Rùa biển theo bản năng quay trở về nơi mình sinh ra để đẻ trứng. Ảnh: Đăng Khoa.

Rùa biển theo bản năng quay trở về nơi mình sinh ra để đẻ trứng. Ảnh: Đăng Khoa.

Sáng sớm tại Côn Đảo, tôi thức giấc cùng 2 người đồng đội vừa quen ngày hôm trước. Chúng tôi chuẩn bị cho hành trình đến Hòn Cau, nơi cả nhóm sẽ tham gia hoạt động bảo tồn rùa biển - loài động vật nằm trong sách đỏ của IUCN Việt Nam (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế).

Hàng năm, cứ vào tháng 5 đến tháng 10, những rùa biển mẹ sẽ quay trở về nơi mình sinh ra để đẻ hàng trăm trứng. Côn Đảo là nơi có nhiều rùa biển nhất Việt Nam. Những con rùa được phát hiện nhiều nhất tại nhiều hòn đảo của Côn Đảo như Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Tre và Hòn Tài.

Tôi may mắn được tham gia chương trình tình nguyện bảo tồn rùa biển tại đây, kéo dài từ 23/6 đến 4/7.

Chờ đợi

Dập dềnh trên chiếc cano khoảng 30 phút, chúng tôi cũng đã đến Hòn Cau. Từ trên thuyền, tôi choáng ngợp khi thấy Hòn Cau dần hiện ra từ mặt biển, để lộ bãi cát trắng dài và màu nước xanh như ngọc.

 Khung cảnh Hòn Cau mỗi buổi sáng tinh mơ. Ảnh: Thế Đang.

Khung cảnh Hòn Cau mỗi buổi sáng tinh mơ. Ảnh: Thế Đang.

 "Nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa" (lời bài hát Biển Tình) ngoài đời thật. Ảnh: Tâm Phan.

"Nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa" (lời bài hát Biển Tình) ngoài đời thật. Ảnh: Tâm Phan.

 Khách sạn "ngàn sao" lấp lánh mỗi đêm. Ảnh: Huy Nguyễn.

Khách sạn "ngàn sao" lấp lánh mỗi đêm. Ảnh: Huy Nguyễn.

Tại đây, chúng tôi được lực lượng kiểm lâm cho biết rùa biển là loài sinh vật thận trọng, rất nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn. Chúng luôn cố gắng chọn ban đêm khi nước lên sẽ bò lên bờ tìm chỗ cát mềm, ít vật cản để đào ổ và đẻ con. Không ít lần chúng tôi thấy dấu rùa mẹ lên bờ, nhưng đành vòng về vì rùa chưa "hài lòng" về khu vực làm ổ.

Sau 2 ngày chờ đợi và hi vọng, từ xa nghe tiếng cát văng, chúng tôi biết rùa mẹ đã sẵn sàng.

Rùa mẹ thường mất khoảng 30 phút để thực hiện xong việc đào ổ, sau đó hướng đuôi mai về ổ và chậm rãi hạ sinh hàng trăm trứng. Dưới bầu trời đầy sao, chúng tôi như muốn nhảy múa khi được chứng kiến khoảnh khắc tuyệt vời này.

Đồng chí kiểm lâm rọi đèn để chúng tôi có thể quan sát rõ hơn những quả trứng trắng đục tròn mong manh. Ở cự ly gần, tôi còn có thể nghe rõ nhịp thở mệt mỏi nhưng đầy kiên cường của rùa mẹ.

 Nhìn thấy ổ trứng, tôi nín thở, căng mắt to như muốn thu trọn tất cả vào mắt mình. Ảnh: Thế Đang.

Nhìn thấy ổ trứng, tôi nín thở, căng mắt to như muốn thu trọn tất cả vào mắt mình. Ảnh: Thế Đang.

 Hôm nào hi hữu sẽ có rùa mẹ lên bờ vào ban ngày. Ảnh: Bình Lê.

Hôm nào hi hữu sẽ có rùa mẹ lên bờ vào ban ngày. Ảnh: Bình Lê.

 Sau 45-60 ngày, những quả trứng tròn sẽ nở ra thành những bé rùa con mạnh mẽ. Ảnh: Đăng Khoa.

Sau 45-60 ngày, những quả trứng tròn sẽ nở ra thành những bé rùa con mạnh mẽ. Ảnh: Đăng Khoa.

Tình nguyện viên sẽ hỗ trợ đưa các bé rùa từ hồ ấp ra bãi cát. Rùa con sẽ định vị hướng biển bằng sóng và cứ thế tiến ra ngoài khơi xa. Ảnh: Đăng Khoa.

Tình nguyện viên sẽ hỗ trợ đưa các bé rùa từ hồ ấp ra bãi cát. Rùa con sẽ định vị hướng biển bằng sóng và cứ thế tiến ra ngoài khơi xa. Ảnh: Đăng Khoa.

Cuộc sống trên đảo

Ở TP.HCM, mỗi ngày tôi đều đau đầu trong việc chọn mặc gì đi làm, ăn gì tối nay? Nhưng cuộc sống ở Hòn Cau lại dễ thở hơn nhiều bởi chỉ còn vài lựa chọn mà thôi. Tại đây, chúng tôi thường ăn rau do người dân tự trồng, rau dại ở rừng hoặc ven biển như cải trời. Bữa cơm sẽ có thêm một món mặn như cá tươi câu được hoặc thịt mua từ đảo lớn vào.

Cả ngày, cả nhóm sẽ xoay quanh việc ăn - uống - ngủ - nghỉ, xịt chống muỗi, nhặt rác, làm cỏ, trồng cây và bảo tồn rùa biển. Không rạp chiếu phim hay quán cà phê, tôi như sống một cuộc sống khác biệt, lạ lẫm nhưng bình yên.

Những bữa ăn giản dị mà ngon "nức lòng" người tình nguyện. Ảnh: Thu Trang, Thế Đang.

Những bữa ăn giản dị mà ngon "nức lòng" người tình nguyện. Ảnh: Thu Trang, Thế Đang.

 Tình nguyện viên nhặt hơn 30 sọt rác trong một buổi sáng. Ảnh: Tâm Phan.

Tình nguyện viên nhặt hơn 30 sọt rác trong một buổi sáng. Ảnh: Tâm Phan.

 Chai nhựa là loại rác chúng tôi nhặt được nhiều nhất. Ảnh: Linh Huỳnh.

Chai nhựa là loại rác chúng tôi nhặt được nhiều nhất. Ảnh: Linh Huỳnh.

12 ngày đồng hành cùng đoàn bảo tồn trên đảo không quá dài, nhưng đủ để nhắc nhở tôi rằng "không có gì là hiển nhiên". Nước uống sạch không hiển nhiên, giấc ngủ ngon không hiển nhiên, gần người mình thương yêu không hiển nhiên và tất thảy điều mình đang có không phải hiển nhiên...

Tôi hỏi các anh kiểm lâm rằng "Các anh cần gì để cuộc sống mọi người ở đây tốt hơn?". Các anh cười, tỏ vẻ khá bối rối trước câu hỏi của tôi, bởi thực tế hòn đảo không quá cần vật chất, còn những điều thực sự cần như môi trường giáo dục, y tế... thì khó có ngay được.

Tình nguyện viên, kiểm lâm và những người bạn đồng hành 4 chân. Ảnh: Tuấn Khải.

Tình nguyện viên, kiểm lâm và những người bạn đồng hành 4 chân. Ảnh: Tuấn Khải.

Trong phút chốc, tôi thấy mình nhỏ bé so với những gì các anh kiểm lâm và mọi người đã, đang làm ở đây. Cuộc sống của họ khiêm tốn với quá nhiều những đánh đổi cả thể chất và tinh thần, nhưng lại đầy ý nghĩa.

Chuyến đi đã kết thúc, nhưng trong lòng mỗi tình nguyện viên chúng tôi đều cảm thấy còn nhiều tiếc nuối và canh cánh khi rời xa vùng đất hiền hòa. Ngày mai thôi, đoàn tình nguyện viên tiếp theo sẽ đến, tiếp nối sứ mệnh bảo tồn rùa biển.

Khải An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/toi-lan-dau-tham-gia-bao-ton-rua-bien-tai-con-dao-post1486022.html
Zalo