Phóng sự: Tôi làm phụ xe buýt

Phóng viên Báo Người Lao Động đã có một tuần học làm phụ xe buýt để cảm nhận những vất vả của tài xế và phụ xe

Từ thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội, giữa tháng 11-2024, tôi chuẩn bị hồ sơ, đi khám sức khỏe để làm tiếp viên xe buýt tuyến Bến Thành - ĐHQG (tuyến số 19) thuộc quản lý của HTX Vận tải 19-5. Trước khi chính thức làm phụ xe, tôi có 1 tuần đi thực tập.

Nhiều bài học cần phải thuộc

4 giờ 30 sáng cuối tháng 11-2024, trời se lạnh, tôi mò mẫm đến bến xe buýt trong khu đô thị ĐHQG TP HCM để bắt đầu học việc. Tôi được anh Tường (người điều hành đầu bến) phân công theo anh Điểu K' Hậu (23 tuổi, quê tỉnh Lâm Đồng, có kinh nghiệm 2 năm làm tiếp viên) để học việc.

Hơn 5 giờ, xe xuất bến từ Bến xe buýt khu A ĐHQG TP HCM (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đến Bến xe buýt Sài Gòn (quận 1, TP HCM).

Lên xe, tôi được anh Hậu giới thiệu lại về lộ trình tuyến buýt số 19 và cho biết: "Có 4 loại vé: Loại 1 cho hành khách bình thường giá 7.000 đồng; loại 2 cho hành khách học sinh, sinh viên giá 3.000 đồng; loại 3 cho hành khách đi vé tập (tức đã mua vé trước đó); cuối cùng là miễn vé cho người trên 70 tuổi, người tàn tật và trẻ em cao dưới 1,3 m".

Anh Hậu dặn đi dặn lại nhớ kiểm tra kỹ giấy tờ hành khách rồi bán vé. Đặc biệt, dù là những người có thâm niên trong nghề phụ xe buýt, việc kiểm soát lượng khách lên xuống luôn là điều khó khăn, nhất là vào giờ cao điểm, khách ùa lên từ hai cửa, người đứng người ngồi lố nhố, nếu không nhanh mắt thì khó có thể quan sát kịp.

Bài học thứ hai bắt buộc phải luôn nhớ là gặp phụ nữ mang thai, người cao tuổi, khuyết tật…, tiếp viên có nhiệm vụ dìu dắt lên xuống xe buýt. Một phần bởi "khách hàng là thượng đế", một phần để xe có thể chạy nhanh hơn khi khách đã yên vị trí.

Bài học thứ ba, trước chuyến đầu tiên mỗi ngày 30 phút, tiếp viên cần gặp nhân viên điều hành đầu bến để làm lệnh. Khi xe buýt đến mỗi đầu bến, tiếp viên phải cầm tờ lệnh vận chuyển cùng tập vé đã bán đưa cho nhân viên điều hành đầu bến kiểm tra, sau đó họ sẽ ghi thông tin giờ chạy của chuyến tiếp theo.

"Đây là công việc bắt buộc để công nhận chuyến mình đã chạy" - anh Hậu lưu ý.

Quả thật, tiếp viên xe buýt không chỉ đơn giản là xé vé, thu tiền là xong. Giờ cao điểm, khách ùa lên đông nghịt, tôi hoa mắt, ngộp thở khi phải xé vé sao cho không sót. Chưa kể, xe buýt thắng nhấp nhả liên tục, giằng xóc khi khách lên xuống trạm, tôi cứ loạng choạng, nghiêng ngã. Anh Hậu an ủi: "Ai mới vào nghề cũng vậy. Đi vài bữa là quen à!".

Có lần xe buýt đang đi hướng ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), một hành khách yêu cầu: "Cho dừng ở trạm Gia Định với anh tiếp viên ơi!". Anh Hậu liền trả lời: "Chị nghe trên loa nha, khi đến trạm loa sẽ được phát, chị chú ý để không bị đi lố trạm". Tiện thể anh Hậu dặn tôi: "Trường hợp này thì không nên nhận lời khách bởi có khi mình đang lu bu bán vé, quên báo là họ chửi chết. Vậy nên, đừng dại rước họa vào thân".

Theo anh Hậu, một ngày làm việc của tiếp viên xe buýt bắt đầu từ 5 giờ đến khoảng 20 giờ 30 phút. Mỗi chuyến xe, tiếp viên được trả 37.000 đồng, một ngày đi được 8 - 10 chuyến. Một tháng nếu đi từ 200 chuyến trở lên sẽ được cộng thêm 4.000 đồng mỗi chuyến. Ngoài ra, được thưởng thu nhập tăng thêm từ 100.000 đồng (làm 24 ngày) đến 1,2 triệu đồng (làm đủ 31 ngày). Tính ra, tiếp viên kiếm được khoảng 10-12 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, khoảng thời gian lưu thông từ điểm xuất phát đến cuối bến không cố định vì còn phụ thuộc vào việc có kẹt xe hay không, nếu đường đông, đồng nghĩa với thời gian làm việc của họ sẽ kéo dài hơn nên sẽ rất vất vả. Xe có khi xuất phát ở bến này, lúc xuất ở bến khác nên nhiều lúc tài xế, tiếp viên qua đêm luôn tại bến. Họ ăn, ngủ trên những chiếc võng cột trên xe, tắm giặt cũng tại bến. Vậy nên khi biết tôi đang ở trọ, anh Hậu khuyên nên trả phòng cho đỡ tiền, bởi đời tiếp viên hầu hết thời gian ở trên xe.

Tài xế tranh thủ chợp mắt trong lúc chờ giờ xuất bến

Tài xế tranh thủ chợp mắt trong lúc chờ giờ xuất bến

"Nghề này cực nhưng mà tôi thấy vui. Lên xe được gặp, giao tiếp với nhiều người, nói chuyện nhiều nên tâm trạng cũng thoải mái. Công việc dậy sớm về muộn lâu rồi cũng trở nên bình thường" - anh Hậu vui vẻ chia sẻ.

Những câu chuyện nghề

Để "đổi gió", tôi xin sang tuyến xe buýt 19 khác. Lần này, người hướng dẫn là anh Nguyễn Văn Minh có hơn 10 năm kinh nghiệm làm tiếp viên. Vừa thấy "lính mới", anh Minh liền dặn: "Nghề tiếp viên cũng dễ. Đi học mấy ngày là biết được liền. Quan trọng là phải biết quan sát và xử lý việc nhanh nhạy".

Tôi để ý thấy khi xe gần đến trạm quan trọng, anh Minh luôn hỏi lớn: "Có ai xuống trạm không, nhanh chân lên bà con!", rồi đếm số khách lên để bán vé. Khi khách lên hết, anh Minh tiếp tục hô: "Tới luôn bác tài!".

Những ngày theo xe buýt, tôi thấy nghề tiếp viên bắt đầu đi làm từ khi mọi người còn ngủ, về đến bến thì trời đã tối muộn, 99% thời gian làm việc mỗi ngày là ở trên những chuyến xe, hầu như ít có thời gian giao lưu với bên ngoài. Nghe tôi than "làm việc kiểu này chắc ế", anh Minh cười lớn: "Chú em yên tâm. Cỡ chừng 1 tháng là chú có người yêu. Thấy ông tài xế không, nhìn lớn tuổi chứ còn tán gái dữ lắm".

Anh Minh kể có cô gái tên T., năm nay vừa tròn 24 tuổi, cũng là tiếp viên xe buýt số 19. Ngày trước, T. là sinh viên một trường đại học, thường đi xe buýt số 19. "Được một thời gian thì anh tài xế "cua" luôn. Sau này T. chuyển sang học ở trường đại học khác, rồi xin vào làm tiếp viên xe buýt số 19, vừa đi học vừa làm cùng một chuyến xe buýt với người yêu" - anh Minh kể.

Trên tuyến xe buýt số 19 khác, tôi được gặp chị Thu Thủy (42 tuổi, làm nghề tiếp viên xe buýt được 16 năm, có 2 con). Mỗi ngày, chị cũng phải đến bến trước 5 giờ sáng để vào ca sáng, tối mịt mới từ bến trở về nhà. Với nghề phục vụ xe buýt dường như không có chuyện ưu tiên vì là phụ nữ, dù chỉ một chút. Nguyên nhân vì ai có công việc người đó, trên mỗi chuyến xe chỉ có một lái, một phụ, lái xe bảo đảm an toàn cho khách trên xe, phụ xe phải lo phục vụ khách.

"Làm tiếp viên thì tốn nhiều thời gian, có khi 15-16 giờ một ngày. Xe dừng, nếu sàn dơ thì phụ xe phải quét dọn ngay. Muốn gắn bó với nghề lâu năm mà không có sự chia sẻ của chồng con, gia đình thì khó có thể bám trụ. Tuy nhiên, so với nhiều nghề khác, nghề này cũng tạm gọi là nhàn. Chỉ lưu ý là đi làm phải ăn mặc chỉnh tề, xé và bán vé đúng đối tượng bởi thỉnh thoảng sẽ có người của HTX lên xe kiểm tra bất chợt" - chị Thủy nói.

Phụ xe phải thường xuyên dọn dẹp xe buýt

Phụ xe phải thường xuyên dọn dẹp xe buýt

Những ngày học việc, tôi tiếp xúc với đủ kiểu người. Hôm đầu thì gặp người đàn ông luôn miệng nói lớn, quát tháo. Hôm sau gặp một người phụ nữ miệng nói chuyện điện thoại oang oang từ khi lên đến khi xuống xe.

Có hôm gặp khách "trời ơi", còn lâu mới đến trạm nhưng đã bấm còi inh ỏi đòi xuống. Hoặc xe đang chạy bon bon gần đến trạm thì bất ngờ đập cửa một, hai đòi xuống khiến tài xế không kịp xoay xở. Cũng có người thiếu ý thức, giả vờ ngủ để không nhường ghế cho người già, cố tình đưa tiền mệnh giá lớn để gây khó khăn, hoặc lén lút trốn vé.

Những trường hợp này không chỉ gây phiền phức, mà nếu bị phát hiện, phụ xe buýt sẽ phải chịu trách nhiệm. Dù vậy, những người phụ xe buýt tôi gặp đều tận tình với khách, chân thành với đồng nghiệp và thật sự yêu nghề.

Áp lực thời gian

Mỗi chuyến xe có 80 phút để xuất phát từ bến này đến bến kia, sau đó là 8 phút để quay đầu. Do áp lực thời gian, lại phải chạy liên tục nên nhiều tài xế phải lái xe trong cơn đói hoặc buồn ngủ. Đây cũng là lý do họ đạp chân ga chạy nhanh hơn.

Trong ngày, có hai lần (trưa và chiều), thay vì 88 phút, mỗi xe sẽ có từ 110 - 120 phút để đi từ bến này đến bến kia, bao gồm thời gian để ăn cơm, nghỉ ngơi. Trường hợp một xe buýt trễ giờ, sẽ làm ảnh hưởng đến lịch xuất phát của các xe khác.

Cũng vì vậy, nhiều tài xế lẫn phụ xe đến giờ ăn phải cố gắng ăn nhanh nhất có thể để bù cho khoảng thời gian kẹt xe trên đường.

Kỳ tới:Trăm dâu đổ đầu tài xế

Bài và ảnh: Anh Vũ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/toi-lam-phu-xe-buyt-196241202204923319.htm
Zalo