Tôi kiệt sức khi chinh phục 3 đỉnh đèo Everest suốt 18 ngày

Vùng Khumbu (Nepal), nơi tọa lạc đỉnh Everest hùng vĩ, là đích đến ước mơ của dân leo núi. Nhưng với tôi, Base Camp vẫn chưa đủ thách thức, tôi chọn Everest Three Passes Trek để tăng độ khó.

Sốc độ cao trên đèo Kongma La

Tháng 10/2024, khi thời tiết nắng ấm, tôi khép lại năm cũ bằng cung Everest Three Passes Trek đi qua 3 đèo, gồm Kongma La, Cho La và Renjo La. Trong đó, đèo Kongma La đầu tiên "khó nuốt" nhất với độ cao 5.530 m và thiếu oxi trầm trọng. Tôi là Trần Trung Hiếu (34 tuổi), sống tại Quảng Nam, người từng chinh phục những ngọn núi ở Nepal. Với kinh nghiệm trước đó và sự tự tin về thể lực, tôi quyết định leo tự túc để chọn cung đường đẹp, thay vì đi cùng guide (HDV địa phương). Vác trên vai balo nặng 20 kg, việc vượt đèo như tăng gấp đôi độ khó, cứ đi 10 bước tôi phải đứng lại thở dốc. Cung này không có teahouse (quán nghỉ) ven đường, phải leo liên tục và năng lượng gần như đốt kiệt. Xuất phát từ 6h, nhưng đến 17h đã hết sạch thức ăn, tôi cố gắng lê từng bước trong trạng thái sinh tồn, người đói lả nên không thể quay lại điểm bắt đầu. Khi đến teahouse, tôi nằm bẹp trên giường, mắt sụp một màu tối đen, hơn một tiếng sau mới có thể tỉnh táo để xuống nhà ăn. Trước giờ, thể lực tôi vẫn đáp ứng được nhiều cung khó, nhưng không ngờ cơ địa bị sốc khi treo 7-10 ngày ở độ cao từ 4.500 m. Tôi mất ngủ, chóng mặt dữ dội, mỗi sáng thức dậy đầu đều đau như búa bổ. Có đêm, tôi ngủ ở độ cao 5.200 m để sáng ngắm bình minh, nhưng rốt cuộc lại bỏ lỡ vì mệt đến mức không nhấc nổi người đứng dậy.

Lòng hồ và sông băng đẹp nhất Nepal

Cái hay của việc leo núi tự túc là tôi hoàn toàn tự do về thời gian, có thể dừng khoảng vài tiếng chỉ để ngắm một ngọn núi tuyết hay cố tình về muộn để ngắm hoàng hôn. So với Kongma La, đèo Cho La cao 5.300 m có phần dễ thở hơn, dù tuyết phủ dày quá nửa ống chân. Trên đường, tôi đi ngang qua dòng sông Ngozumba đã tan băng do Trái Đất nóng lên, lộ ra mặt cắt lồi lõm và khô cằn như trên Mặt Trăng. Bao quanh là những ngọn núi cao siêu thực, từ "hùng vĩ" và "choáng ngợp" cũng không đủ để diễn tả. Đèo Renjo La cuối cùng được xây dựng chỉn chu với nhiều bậc thang, ấn tượng nhất là lòng hồ Gokyo khi nhìn lui lại phía sau. Nằm ở độ cao 4.700-5.000 m, hồ nước ngọt này được định vị cao nhất thế giới, màu nước xanh biếc quanh năm. Những người leo núi thường ghé thăm hồ Gokyo như một chuyến đi phụ trong hành trình. Đến bây giờ, những ngày chinh phục Everest Three Passes Trek vẫn như một giấc mơ. Không đơn giản chỉ là trải nghiệm leo núi, cung này còn giúp tôi khai phá giới hạn của bản thân. Phần thưởng đáng giá nhất sau hành trình chính là những cảnh đẹp thu vào tầm mắt, những gian nan mà chính tôi cũng không nghĩ mình có thể vượt qua.

Trúc Hồ (ghi)

Ảnh: Trần Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/toi-kiet-suc-khi-chinh-phuc-3-dinh-deo-everest-suot-18-ngay-post1524255.html
Zalo