Tôi có gia đình học tập nhờ niềm vui đọc sách

Cuộc đời tôi luôn có những thứ khác thường, luôn có những điều cho người ta cảm giác rằng mình đang sống trước lứa tuổi. Đó là điều mà tôi có được nhờ siêng năng đọc sách.

Bài dự thi cuộc thi viết Gia đình học tập của tác giả Mai Nguyễn Hoàng Nam (Thành phố Hồ Chí Minh)

Một góc bàn học của tôi thời phổ thông cơ sở.

Một góc bàn học của tôi thời phổ thông cơ sở.

Chiếc đèn bàn của bố tôi

Ở những năm 2004-2005, rất ít gia đình tại Việt Nam có điện thoại thông minh hay biết về Internet. Với lũ trẻ chúng tôi hồi đó - nhất là ở những gia đình gốc Bắc - việc phụ giúp cha mẹ các công việc nhà dường như là hoạt động quen thuộc mỗi ngày.

6 giờ chiều, khi mà hoàng hôn kịp tắt nốt các tia sáng cuối, gà lên chuồng và đằng sau gian bếp của mỗi gia đình vào giấc nhá nhem tối, bố mẹ nấu cơm, lũ trẻ quây quần, không phụ nhặt rau thì cũng quét nhà, rửa chén. Mỗi người một việc, trẻ nhỏ không dám đi chơi - hay đơn giản là "không dám xin" đi đâu, làm gì khác vào giờ đấy. Đừng ai dại mà quên mất rằng "trách nhiệm" của một đứa trẻ ngày ấy là phải cùng phụ nhà làm một điều gì đó, không ít thì nhiều.

Ấy vậy mà có một lần tôi còn nhớ mãi…

Hôm đấy, tôi được đến nhà "Hùng đen" chơi và mượn được cuốn truyện Doremon của nó mang về. Lúc đó tôi mới chỉ vào lớp 1, khả năng đọc còn chậm và kém xa so với bạn bè. Thấy Hùng đen khoe cả một kho truyện lớn cực kỳ hào hứng - dù chả thích - nhưng tôi vẫn mượn một cuốn đem về.

Tôi cắm cúi đọc truyện từ lúc 5 giờ chiều, trời dần ngả sang sắc cam rồi tím sẫm. Tôi bị mê hoặc bởi những bảo bối kỳ diệu từ tương lai mà Doremon mang đến – cái mũ giúp xuyên tường, cánh cửa thần kỳ, chong chóng tre. Mỗi món đồ như mở ra một thế giới riêng, đầy phép màu và hứa hẹn. Tôi đọc mãi, đọc quên cả giờ giấc, quên mất rằng chập tối là phải phụ việc nhà…

Đúng 6 giờ. Cái giờ mà hoàng hôn kịp tắt nốt các tia sáng cuối, gà lên chuồng và đằng sau gian bếp của mỗi gia đình vào giấc nhá nhem tối, bố mẹ nấu cơm, lũ trẻ quây quần…

Thay vì quát mắng, thay vì chiếc roi mây quen thuộc mỗi khi tôi trốn việc nhà - ba tôi mang ra một chiếc đèn bàn, cắm điện thắp lên cho tôi đọc truyện. Ba đốt nhang muỗi đặt dưới chân tôi, rồi bật quạt hướng về tôi cho mát. Ba lặng thinh không nói một lời nào, cũng không bắt tôi phải ra phụ làm gì cả.

Ba chỉ đơn giản là "ngầm" ra hiệu cho tôi tiếp tục đọc. Đó là lần đầu tiên bộ óc của một đứa trẻ non nớt như tôi hiểu được giá trị của việc đọc sách.

Đọc sách thì không phải phụ làm việc nhà lúc 6 giờ chiều.

Ba mẹ tôi là thế. Mặc dù vẫn luôn dạy tôi rằng "học thì cũng phải làm", nhưng hành động thì luôn có sự "ưu tiên" rõ rệt. Mặc dù chưa một lần nào ba mẹ phải ngồi kèm tôi học. Nhưng ba mẹ luôn dành cho tôi những hành động hết sức quan tâm. Từng ly nước cam của mẹ, từng cái bánh lót dạ, đôi khi chỉ là bát cơm nguội ăn vội để tiếp tục đến lớp học thêm. Chưa bao giờ tôi quên những hành động tưởng chừng nhỏ xíu đó.

Hồi ấy tôi không được mua nhiều đồ chơi. Nhưng mỗi lần được điểm 10 mẹ lại mua cho tôi một cuốn Doremon để đọc. Chính những cuốn Doremon đó theo năm tháng đã giúp tôi đọc nhanh hơn, thích đọc hơn, và bắt đầu tìm kiếm thêm những cuốn sách hay ho khác.

Lên cấp hai, mỗi lần đọc một đoạn trích tác phẩm Văn học trong sách giáo khoa văn, tôi liền xin mua nguyên tác phẩm để về đọc cho "sướng". Tôi đọc tất cả những gì ở gần mình, đọc ngấu nghiến. Từ những phần đọc thêm trong sách giáo khoa, đến cả những biển hiệu quảng cáo, tôi đọc cả những hướng dẫn sử dụng trong một hộp siro ho, chai tương ớt, đến cả những tác phẩm văn học nước ngoài. Tôi đọc ngôn tình, đọc tiểu thuyết Mỹ, đọc mười ngàn câu hỏi vì sao, đọc về cuộc đời của những nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại. Tình yêu và văn hóa đọc đã từ từ "ăn trọn" tôi như thế.

Tôi đạt giải nhất Thuyết trình sách tại trường - dù phải thi cùng các anh chị lớn tuổi hơn. Thành tựu này khiến tôi càng thích đọc.

Tôi ngủ mơ thấy mình đang đọc chương tiếp theo của những cuốn sách - dù khi tỉnh dậy đọc tiếp không giống những gì tôi mơ. Tôi càng thích đọc.

Tôi viết cuốn sách đầu tiên: Cả một trời yêu - nhằm gây quỹ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn khi mới chỉ là sinh viên năm nhất, và dù trước đó tôi học chuyên Toán. Tôi càng thích đọc.

Cuốn sách đầu tay của tôi dùng toàn bộ lợi nhuận trao tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cuốn sách đầu tay của tôi dùng toàn bộ lợi nhuận trao tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Đến mãi sau này, khi mà tôi thường xuyên chia sẻ cho hàng trăm, hàng ngàn sinh viên tại khắp các trường Đại học trên toàn quốc, tôi luôn nhận được một câu hỏi quen thuộc: "Em nên đọc cuốn sách nào để thành công?"

Câu trả lời của tôi là "bất kỳ cuốn sách nào mà em muốn đọc". Dù là truyện tranh, dù là tiểu thuyết ngôn tình, dù là truyện trinh thám hay viễn tưởng - chỉ cần em đọc, thích, và say sưa thì đó đã là một bước khởi đầu thuận lợi.

Vốn dĩ không có một cuốn sách nào phù hợp với tất cả mọi người. Việc đọc sách mình thích sẽ giúp chúng ta hình thành thói quen đọc, tiếp cận cái hay của con chữ, của trí tưởng tượng, của nhiều thế giới chưa từng biết tới. Từ đó biết tìm kiếm thêm tri thức ở những thể loại văn phong khác nhau.

Một học sinh lớp sáu hiếm khi nào hiểu hết được "Bắt trẻ đồng xanh", càng thật gượng ép nếu cố muốn cảm thụ "Hoàng tử Bé". Nhưng một học sinh lớp sáu có thể khởi đầu thuận lợi bằng một cuốn Doremon.

Chính nhờ văn hóa đọc đấy đã giúp tôi hình thành thói quen đọc hơn 60 đầu sách mỗi năm, và hàng trăm bài báo mỗi ngày một cách vô cùng kỷ luật. Và cũng nhờ những bảo bối của Doremon, nhờ ý chí của những nhà khoa học say mê tìm tòi nghiên cứu như Nobel hay Newton trong sách đã giúp tôi đạt được không ít những thành tích ở hầu hết mọi lĩnh vực, từ giải nhất cuộc thi cắm hoa, đến giải nhất Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật, giải thưởng viết lách, học bổng du học kỹ thuật và rất nhiều giải thưởng từ những lĩnh vực tưởng chừng không liên quan đến nhau.

Cuộc đời tôi luôn có những thứ khác thường, luôn có những điều cho người ta cảm giác rằng mình đang sống trước lứa tuổi. Đó là điều mà tôi có được nhờ việc say mê đọc sách.

Khi đọc sách, tôi không đặt nặng việc mình phải nhớ tên tác giả, hay nhân vật hoặc bất kỳ chi tiết nào. Với tôi, việc đọc là sự say mê, và cũng là giải trí, không phải nhớ như vẹt. Đọc quá nhiều thể loại sách cũng khiến tôi từng nghĩ rằng những kiến thức này sẽ ít có khi nào dùng được.

Nhưng nhiều năm sau, chính ngay tại lúc bản thân mình không còn nhớ về nó, thì bằng cách này hay cách khác, tôi lại nhận ra tôi đã dùng hết mọi kiến thức mà mình đã đọc qua, hay nói cách khác là dung nạp một cách vô thức những kiến thức đó vào mình, mà đến cả bản thân mình cũng không hề hay biết. Nó không phải là thứ có thể nhìn thấy rõ từ trước, mà là điều chỉ có thể kết nối lại qua một thời gian.

Bố mẹ tôi giờ đây đã quen dùng AI tạo sinh theo tinh thần học tập suốt đời và hưởng ứng phong trào "Bình dân học vụ số" của Chính phủ.

Bố mẹ tôi giờ đây đã quen dùng AI tạo sinh theo tinh thần học tập suốt đời và hưởng ứng phong trào "Bình dân học vụ số" của Chính phủ.

Hai công chức về hưu cùng nhau học AI

Hơn hai chục năm trôi qua, giờ đây tôi đã có doanh nghiệp riêng và thường xuyên đào tạo cho nhiều doanh nghiệp, tập đoàn khác về ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI tạo sinh trong công việc. Hưởng ứng Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và tinh thần học tập suốt đời, tôi muốn đưa những kiến thức này đến cho ba mẹ - theo cái cách "nhẹ nhàng nhất" mà ba mẹ đã cho tôi - khi đọc cuốn Doremon đầu tiên.

Ba mẹ tôi giờ đã là công chức đến tuổi về hưu. Ở độ tuổi mà dân mạng hay nói vui là "tuổi khó bảo, không nghe lời con cái mà chỉ nghe lời người khác". Có lẽ ở tuổi này cũng chẳng còn mấy ai muốn học - sau những năm tháng dài làm việc và phấn đấu. Công nghệ thì lại càng không!

Đó cũng là điều mà tôi phải trăn trở và tìm điểm giao phù hợp. Học vốn dĩ là một nhu cầu tự nhiên mang tính bản năng của con người. Và để duy trì được sự học đó, kể cả những người đã lớn tuổi, thì việc khơi dậy và nuôi dưỡng tính "tò mò" vốn có trong mỗi con người là một nền tảng vô cùng quan trọng.

Với ba - người luôn xem chiếc xe hơi ông mua là "bà vợ hai", tôi đã "trình diễn" ngay một màn chụp hình chiếc xe hơi bằng ChatGPT và cho nó đoán xem đó là mẫu xe gì. Thấy AI trả lời nhanh chóng, rành rọt, đúng đến cả năm sản xuất của dòng xe, giá tiền và nơi ráp cụ thể, ba tôi bắt đầu bị thu hút và thích thú. Tôi cài AI tạo sinh vào điện thoại của ba, rồi hướng dẫn ba "trò chuyện" với AI từ những gì mà ba quan tâm nhất.

"Lá sầu riêng có đốm như này là bệnh gì?", "Có nên uống cafe trước khi ăn sáng?",... - Những câu hỏi vốn dĩ có thể tìm thấy đáp án trên Google, nhưng giờ đây được AI thuật lại một cách đầy trọng tâm và chi tiết, dễ hiểu, dễ gần.

Với mẹ - người luôn thắc mắc với những đơn thuốc bác sĩ kê cho - tôi chụp cho mẹ xem một bảng kết quả xét nghiệm máu của mẹ rồi cho AI đọc kết quả. Mẹ nghe xong lập tức công nhận "trí thông minh" của AI - "sao mà giống bác sĩ nói quá".

Mấy hôm sau mẹ gọi điện khoe tôi: "Mẹ biết dùng AI để tính bảng lương kế toán, thu chi phòng trọ rồi nè, thấy mẹ giỏi chưa?". Có lẽ người lớn cũng như trẻ nhỏ, luôn thích khám phá, mày mò và thích được khen ngợi!

Từ khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào "Bình dân học vụ số", và biết AI mình đang dùng là một xu thế mới quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình dân tộc. Ba mẹ tôi - hai Đảng viên gương mẫu hơn 30 năm tuổi Đảng lại tích cực đi chỉ cho hết các dì, các cậu trong gia đình về AI.

Nhìn hình ảnh đấy, tôi lại nhớ đến chiếc đèn bàn ngày ấy, giờ đã được tôi thắp lại bằng ánh sáng của AI.

Không phải lúc 6 giờ chiều, mà ở tuổi 60!

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/toi-co-gia-dinh-hoc-tap-nho-niem-vui-doc-sach-179250503100327063.htm
Zalo