Toan tính của ông Trump
Bất chấp lời tuyên bố sẽ không tranh luận trực tiếp lần thứ hai với đối thủ, giới quan sát vẫn dự đoán ông Donald Trump có khả năng sẽ đổi ý.
Cựu Tổng thống Donald Trump hôm 12/9 (giờ Mỹ) thông báo trên mạng xã hội Social Truth rằng bản thân sẽ không tham gia bất kỳ cuộc tranh luận trực tiếp nào với bà Kamala Harris nữa.
Điều này được cho là đã đánh dấu khoảnh khắc quan trọng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024, khi một chính trị gia đi lên từ ngành truyền thông giải trí lại dễ bị tổn thương trên sân khấu, hãng tin CNN bình luận.
Hai thái cực
Đại diện đảng Cộng hòa tuyên bố rằng ông không cần “tái đấu” với bà Harris vì bản thân đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận tại Philadelphia.
Tuy nhiên, hầu hết luồng đánh giá từ cả phe Dân chủ lẫn một số đồng minh thân cận của ông Trump đều cho rằng bà Harris đã có màn thể hiện ấn tượng và vượt trội trước cựu tổng thống.
“Chúng tôi đã tham gia 2 cuộc tranh luận và chiến thắng cả 2 nên sẽ không có màn đối đầu thứ ba đâu. Đã quá muộn rồi, quá trình bỏ phiếu sắp bắt đầu rồi”, ông Trump phát biểu tại Arizona hôm 12/9 (giờ địa phương).
Theo cách tính này, ông Trump gộp luôn cả lần tranh luận với Tổng thống Joe Biden hồi tháng 6 vào những màn đối đầu trực diện đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, với nét tính cách thích bộc lộ sự áp đảo trên màn ảnh nhỏ của ông Trump, giới quan sát cho rằng lý do thực sự cho việc tránh tái đấu với bà Harris xuất phát từ nỗi lo lặp lại màn thể hiện đáng thất vọng hôm 10/9 (giờ Mỹ).
Đây có thể là lựa chọn khôn ngoan của ông Trump. Bởi lẽ, kết quả các cuộc khảo sát cho thấy cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn đang ở thế giằng co. Cựu tổng thống vẫn có những lợi thế nhất định ở những vấn đề quan trọng như kinh tế hay nhập cư.
Do đó, việc tránh một màn đụng độ trực tiếp, vốn có thể làm sứt mẻ hơn nữa hình ảnh của cựu tổng thống, là một quyết định có tính toán.
Trái lại, sau cuộc đối đầu tại Philadelphia, chiến dịch tranh cử của bà Harris đã kêu gọi tổ chức một cuộc tranh luận khác giữa phó tổng thống và ông Trump.
"Tôi tin rằng chúng tôi nợ cử tri một cuộc tranh luận nữa vì cuộc bầu cử này cùng những thứ được đặt cược vào nó là cực kỳ quan trọng", bà Harris nói trong cuộc mít tinh tại Charlotte, North Carolina hôm 12/9 (giờ địa phương).
Chiến dịch tranh cử của bà Harris không xem tuyên bố của ông Trump là điều chắc chắn. "Ông ấy thay đổi lập trường mỗi ngày", CNN dẫn lời một cố vấn cấp cao của bà Harris cho biết. "Tôi dự đoán sẽ có một cuộc tranh luận nữa".
Trên thực tế, sự kiện tại Arizona hôm 12/9 nói trên hướng đến việc quảng bá cho kế hoạch tái thiết kinh tế của ông Trump. Tuy nhiên, ông Trump dường như vẫn chưa nguôi ngoai về buổi tranh luận ở Philadelphia.
Cựu tổng thống dành phần lớn khoảng thời gian đầu của bài phát biểu để phàn nàn về màn đối đáp của bà Harris và rằng ông đã bị ABC News, đơn vị điều phối cuộc tranh luận, gài vào thế khó.
Sự phòng thủ cao độ của ông Trump và thái độ hào hứng của bà Harris trong các sự kiện hôm 12/9 (giờ Mỹ) phần nào phản ánh màn thể hiện của 2 ứng viên trong cuộc tranh luận tại Philadelphia, CNN nhận định.
Tuy nhiên, trong lịch sử, kết quả các cuộc tranh luận giữa 2 ứng viên tổng thống không phải lúc nào cũng mang tính chất quyết định kết quả cuộc bầu cử. Vào năm 2016, bà Hillary Clinton được xem là người đã áp đảo ở cả 3 cuộc tranh luận trước ông Trump song kết quả cuối cùng lại nghiêng về đại diện đảng Cộng hòa.
Hiểu được điều này, trong bài phát biểu trước đám đông tại Philadelphia sau khi buổi tranh luận kết thúc, bà Harris nói rằng liên danh tranh cử của bà và ông Tim Waltz vẫn đang ở thế “cửa dưới” trong cuộc bầu cử.
Quả thực, ông Trump vẫn đang dẫn trước bà Harris trên các khía cạnh quan trọng khi kết quả các cuộc khảo sát cho thấy phần lớn cử tri vẫn tin tưởng ông Trump hơn khi được hỏi về việc vận hành nền kinh tế và quản lý nhập cư, theo CNN.
Trên cơ sở đó, cựu tổng thống không hẳn là đã hết cửa thắng. Đây được cho là một trong những lý do lớn nhất khiến ông Trump từ chối tham gia bất kỳ cuộc tranh luận trực tiếp nào khác với bà Harris.
Khả năng vẫn còn bỏ ngỏ
Bryan Lanza, cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử của đảng Cộng hòa, nhấn mạnh rằng việc không “tái đấu” với bà Harris là một quyết định mang tính chiến lược.
“Đây không phải chuyện sợ hay không mà là vấn đề ưu tiên thứ gì khi ngày bầu cử đang cận kề”, ông Lanza nói với CNN. “Chúng tôi có những cơ hội tốt hơn thông qua các cuộc phỏng vấn độc lập, những cuộc mít tinh hay những đợt tiếp xúc cử tri. Đây đều là những cơ hội tốt hơn nhiều so với việc nhảy vào một cuộc tranh luận có thể gây chồng chất bất lợi cho ông Trump”.
Trong khi đó, Thống đốc Illinois JB Pritzker, đảng viên Dân chủ, cho rằng bà Harris đã khiến cựu tổng thống phải chùn bước.
“Donald Trump đã suy yếu rồi, thực tình thì ông ấy có vẻ đang hơi tuyệt vọng”, ông Pritzker nói. “Bà Harris thì mạnh mẽ và có khí chất của một tổng thống. Nếu ông Trump tiếp tục tranh luận với bà ấy, mọi chuyện coi như chấm hết cho đảng Cộng hòa”.
Một số người hiểu ông Trump cho rằng quyết định của ông ấy không mang tính tuyệt đối.
“Tôi đoán ông Trump có thể thay đổi quyết định về vấn đề tham gia tranh luận lần nữa”, Alyssa Farah Griffin, cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng dưới thời ông Trump, nói với CNN.
“Nếu tình thế trở nên căng thẳng hơn vào những tuần cuối trước ngày bầu cử, ông ấy có thể sẽ nghĩ bản thân cần một khoảnh khắc hoành tráng để cạnh tranh với bà Harris”, bà Griffin nói thêm.