5 yếu tố quan trọng đưa ông Trump đến chiến thắng

Cựu Tổng thống Donald J. Trump bước vào cuộc đua với một hành trang phi thường, và ông đã giành chiến thắng một cách thuyết phục. Các nhà quan sát đã phân tích 5 yếu tố quan trọng giúp ông trở lại Nhà Trắng.

Tâm trạng thất vọng của cử tri với hướng đi hiện tại của đất nước

Với một tỷ lệ chênh lệch lớn, cử tri Mỹ cho rằng đất nước đang đi sai hướng, với 74% nói như vậy trong cuộc thăm dò của ABC/Ipsos được công bố vào sáng chủ nhật 3-11. Kể từ năm 1980, chỉ số thống kê về tỉ lệ cử tri nghĩ rằng đất nước đang đi sai hướng đã là một dự đoán chắc chắn rằng đảng cầm quyền sẽ “mất” Nhà Trắng.

Với chiến thắng này, ông Trump đã thành công trong việc buộc bà Harris phải gánh trách nhiệm về vai trò lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ sắp kết thúc của Tổng thống Biden. Và ông đã thu hút sự bất an của cử tri bằng cách nói về tình hình đất nước và bằng những hồi tưởng về những ngày tháng được cho là tốt đẹp hơn khi ông còn là Tổng thống ở nhiệm kỳ đầu.

Nền kinh tế Mỹ cho thấy cử tri lo lắng như thế nào. Giá cả chỉ tăng 2,1% vào tháng 9 so với cùng kỳ năm trước và nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ 2,8% trong quý trước. Nhưng 75% cử tri vẫn cho rằng nền kinh tế đang trong tình trạng tồi tệ trong cuộc thăm dò của New York Times/Siena College vào tháng 10.

Vấn đề nhập cư gây quan ngại sâu sắc

Ông Trump đã quay trở lại với vấn đề đã định hình nên thương hiệu chính trị của mình - đó là mối đe dọa và sự hỗn loạn do nhập cư bất hợp pháp gây ra. Những quảng cáo của ông bao gồm hình ảnh đen trắng mô tả cảnh những người nhập cư chạy qua biên giới hoặc cướp bóc trên đường phố. Ông kêu gọi án tử hình đối với những người di cư giết chết các sĩ quan thực thi pháp luật.

“Các vùng ngoại ô đang bị tấn công” - ông nói tại Virginia vào ngày 2-11. Ông đã nắm bắt thực tế về số lượng lớn người di cư xuất hiện ở các thành phố xa biên giới phía Nam trong suốt chiến dịch vận động, cũng như các báo cáo về nạn tội phạm do người di cư gây ra, để làm gia tăng cảm giác của cử tri rằng, họ có thể sớm thấy mình bị người di cư bao vây trong chính cộng đồng của họ. Trong cuộc thăm dò toàn quốc cuối cùng của New York Times/Siena College về chiến dịch tranh cử, 15% số người được hỏi cho biết nhập cư là vấn đề quan trọng nhất quyết định phiếu bầu của họ.

Một chiến dịch không có sai sót

Chiến thắng của ông Trump là minh chứng cho tình cảm sâu sắc và mãnh liệt mà ông nhận được từ một bộ phận lớn cử tri. Chiến dịch của ông không hề không có sai sót. Ông thường xuyên tuyên bố rằng đang thách thức các cố vấn của chính mình, vứt bỏ các bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn để nói về “kẻ thù bên trong” (ý ông là những người đang điều hành đất nước). Nếu điều đó làm các cố vấn của ông thất vọng, thì rõ ràng là nó làm hài lòng những người ủng hộ ông. Và chiến thắng ngày 5-11 đồng nghĩa ông đã không làm mất lòng những cử tri dao động.

Giới tính đóng vai trò chính trong cách người Mỹ bỏ phiếu

Đây là chiến thắng lần thứ hai trong 3 lần ông Donald Trump tranh cử Tổng thống. Trong cả hai lần chiến thắng, ông đều đánh bại một phụ nữ - một lần nữa cho thấy nhiều cử tri gặp khó khăn khi hình dung một người phụ nữ điều hành đất nước. Có thể khó chứng minh rằng bà Harris thua cuộc vì lý do giới tính. Nhưng giới tính đang đóng vai trò chính trong cách người Mỹ bỏ phiếu trong năm nay.

Quyền của người chuyển giới

Ông Donald Trump cũng đã khai thác tâm lý tức giận và bất bình của cử tri trong suốt sự nghiệp chính trị của mình. Điều đó đặc biệt hiệu quả ở năm nay trong bối cảnh nhiều cử tri, kể cả đảng viên Dân chủ, cho rằng đảng này đã đi quá xa về phía cánh tả trong một số vấn đề văn hóa, chủ yếu trong số đó là quyền của người chuyển giới. Một tháng trước cuộc bầu cử, ông Trump và các nhóm Cộng hòa đã chi 65 triệu USD cho quảng cáo tập trung vào các vấn đề chuyển giới - theo phân tích của tờ New York Times về dữ liệu quảng cáo do công ty theo dõi phương tiện truyền thông AdImpact biên soạn.

Kiến trúc sư “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”

Ông Donald Trump sinh ngày 14-6-1946 tại Queens, New York, Mỹ. Ông là con thứ tư trong gia đình có 5 anh chị em. Cha ông là Fred Trump, một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản.

Thuở nhỏ, ông Trump là một đứa trẻ năng động và có quyết tâm cao. Ông có thành tích về mặt học vấn lẫn công tác xã hội. Sau khi tốt nghiệp trung học vào năm 1964, ông vào Đại học Fordham và hai năm sau chuyển lên trường tài chính thuộc Đại học Pennsylvania. Năm 1968, ông tốt nghiệp với văn bằng kinh tế. Ông đã khởi nghiệp kinh doanh khi cùng cha làm việc ở Brooklyn, New York trong vòng 5 năm. Ông bắt đầu được giới doanh nhân chú ý vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước.

Năm 1971, ông tiếp quản công ty bất động sản của cha mình, đổi tên thành Trump Organization. Doanh nghiệp này nhanh chóng tham gia vào nhiều dự án khác nhau, bao gồm khách sạn, khu nghỉ dưỡng, tòa nhà dân cư và thương mại, sòng bạc và sân golf. Tuy nhiên, tính thích đầu tư mạo hiểm cũng nhiều lần khiến tỷ phú Trump lao đao. Trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến 2009, ông từng 4 lần phải đến tòa nộp đơn xin phá sản, song đều vực dậy được nhờ những bất động sản “hái ra tiền” như hệ thống sòng bạc ở Atlantic City hay Tháp Trump ở New York.

Ông Trump cũng là một ngôi sao của ngành truyền thông Mỹ với vai trò là người dẫn chương trình kiêm nhà sản xuất của chương trình truyền hình thực tế “The Apprentice” của Kênh NBC. Năm 2007, ông từng được vinh danh với một ngôi sao trên “Đại lộ Danh vọng” vì những cống hiến cho ngành truyền hình. Năm 2013, Tạp chí Forbes bình chọn ông ở thứ hạng 30 trong top 100 nhân vật nổi tiếng nhất thế giới. Năm 2015, ông xếp thứ 72 trong bảng xếp hạng 100 nhân vật quyền lực toàn cầu.

Về đời tư, ông Trump từng kết hôn 3 lần và có 5 người con. Người vợ hiện tại của ông hiện tại là bà Melania Trump, người mẫu và một nhà thiết kế thời trang. Bà kết hôn với ông Trump từ năm 2005.

Dấu mốc nổi bật nhất trong sự nghiệp chính trường của ông Trump là trở thành vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Từ một doanh nhân không có kinh nghiệm chính trường, ông đã làm cả nước Mỹ rung chuyển khi đắc cử Tổng thống vào tháng 11-2016 trước đối thủ là cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Khẩu hiệu chiến dịch của ông là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và “Nước Mỹ trước tiên”. Năm 2020, ông tái tranh cử với quyết tâm tìm kiếm nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai. Tuy nhiên, ông đã thất cử trước cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng cử viên của Đảng Dân chủ.

Năm 2024, ông Trump trở lại “đường đua” vào Nhà Trắng và giành chiến thắng áp đảo trong chiến dịch bầu cử sơ bộ trong nội bộ Đảng Cộng hòa. Một lần nữa, thông điệp bao trùm “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” lại được vị cựu Tổng thống thúc đẩy. Tháng 7-2024, Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa đã chính thức trao “tấm vé” đại diện đảng cho cựu Tổng thống Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Trong bài phát biểu đầu tiên kể từ khi sau vụ bị ám sát hụt tại thành phố Butler, bang Pennsylvania, ông nhấn mạnh thông điệp đoàn kết, khẳng định ông tranh cử “để trở thành Tổng thống cho toàn bộ nước Mỹ chứ không phải cho một nửa nước Mỹ, bởi không có chiến thắng nào chỉ dành cho một nửa nước Mỹ”.

Kỳ Thư

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/5-yeu-to-quan-trong-dua-ong-trump-den-chien-thang-post594744.antd
Zalo