Toan tính của Mỹ và Trung Quốc trước cuộc 'phá băng' thương mại

Cuộc gặp sơ bộ giữa Mỹ và Trung Quốc tại Geneva, Thụy Sỹ diễn ra trong bối cảnh hai bên chưa nhượng bộ trong cuộc chiến thuế quan. Trong khi ông Trump tin vào sức ép từ thuế nhập khẩu cao thì Trung Quốc cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó lâu dài.

Cánh cửa giảm nhiệt

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại tiếp tục gia tăng, Mỹ và Trung Quốc bước vào vòng đàm phán sơ bộ tại Geneva từ ngày 10-11/5. Mỹ cử Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và nhà đàm phán Jamieson Greer tới Geneva gặp gỡ các quan chức cấp cao Trung Quốc, bỏ ngỏ khả năng thuế áp lên hàng Trung Quốc còn khoảng 80%.

Dù cuộc gặp được kỳ vọng mở ra cánh cửa giảm nhiệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, giới quan sát nhận định triển vọng cuộc đàm phán nhiều hạn chế.

"Đàm phán chủ yếu thăm dò, kéo dài cuộc chiến thương mại. Hiện chưa có lộ trình chung nào làm dịu căng thẳng", ông Craig Singleton - nghiên cứu viên cấp cao tại Foundation for Defense of Democracies - nhận định.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn giữ lập trường thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, đưa lý lẽ rằng nền kinh tế thứ hai thế giới xuất khẩu sang Mỹ nhiều gấp ba lần chiều ngược lại, có nhiều thứ mất hơn. Ông Trump nhấn mạnh mức thuế 145% và lập luận "Trung Quốc sẽ nhượng bộ sau nhiều đau đớn".

Tuy nhiên, Trung Quốc đáp trả mạnh mẽ chính sách thuế của ông Trump. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh thông điệp "kẻ bắt nạt chỉ là hổ giấy, nhượng bộ sẽ tạo thêm nhiều kẻ bắt nạt". Bắc Kinh đồng thời áp thuế trả đũa 125% lên hàng hóa Mỹ, sẵn sàng cho cuộc chiến thương mại.

Mỹ lung lay niềm tin thuế quan

Nếu hai bên tiến tới việc giảm mức thuế khổng lồ "có qua có lại", điều này có thể mang lại tác động tích cực cho thị trường tài chính toàn cầu và doanh nghiệp phụ thuộc vào chuỗi cung ứng xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, có nhiều thứ để lo.

Ngay cả câu hỏi giản nhất là ai đứng ra tổ chức cuộc gặp, cả Mỹ và Trung Quốc đều không thừa nhận khởi xướng đàm phán. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian khẳng định cuộc họp được tổ chức theo yêu cầu của Mỹ, trong khi ông Trump phản bác "họ nên kiểm tra lại".

"Các công ty ở Mỹ và Trung Quốc không thể chờ nữa. Điều lo lắng là Trung Quốc có thể rời bàn đàm phán nếu nhận thấy Mỹ không xem họ ngang hàng. Tình hình có thể rất khó khăn", John Gong - nhà kinh tế học tại Đại học Kinh doanh và kinh tế quốc tế Bắc Kinh - cho biết.

Chính sách thuế của ông Trump tác động mạnh đến thị trường toàn cầu.

Chính sách thuế của ông Trump tác động mạnh đến thị trường toàn cầu.

Về hiệu quả thực tế của chính sách thuế quan, nhiều chuyên gia cho rằng kỳ vọng ban đầu của ông Trump có thể không được như dự tính.

“Mọi phát ngôn trong chiến dịch của ông Trump đang đối mặt với thực tế không như mong đợi. Ý tưởng tổng thống Mỹ khiến Trung Quốc khuất phục về mặt thuế quan không bao giờ thành hiện thực”, ông Jeff Moon - cựu quan chức thương mại trong chính quyền Obama, hiện điều hành Công ty tư vấn China Moon Strategies - nhận định.

Ngay từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump xem thuế quan là công cụ kinh tế đa năng, từ tăng thu ngân sách, bảo hộ công nghiệp trong nước đến gây sức ép ngoại giao. Trong nhiệm kỳ thứ hai, chính sách này áp dụng mạnh mẽ và khó đoán hơn. Ông Trump áp thuế 10% với phần lớn các quốc gia trên thế giới, làm đảo lộn các quy tắc thương mại toàn cầu tồn tại hàng thập kỷ.

Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là điểm nhấn lớn. Bắt đầu vào tháng 2 với mức thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc, con số này đã tăng lên mức không tưởng 145% vào tháng 4. Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế 125% đối với sản phẩm từ Mỹ.

Cú sốc từ cuộc leo thang thuế quan khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo, các nhà bán lẻ Mỹ cảnh báo nguy cơ thiếu hàng và người tiêu dùng bắt đầu lo ngại về giá cả tăng cao.

“Việc leo thang này không được lường trước”, bà Zongyuan Zoe Liu - chuyên gia tại Hội đồng quan hệ đối ngoại - đánh giá.

Hiện, nhà đầu tư không rõ Mỹ đang tính toán gì cho cuộc đàm phán với Trung Quốc, đi kèm là lo lắng tác động thị trường toàn cầu.

Trung Quốc chuẩn bị đối đầu

Trung Quốc có kinh nghiệm đối phó thuế quan từ nhiệm kỳ trước của ông Trump. Sau thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký tháng 1/2020 (trong đó Trung Quốc cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ, Mỹ hoãn áp thuế bổ sung), hai nước chưa giải quyết được một số vấn đề như như trợ cấp công nghệ và an ninh mạng.

Theo ông Dexter Roberts - chuyên gia Hội đồng Đại Tây Dương, Bắc Kinh tranh thủ giai đoạn này để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ, đưa tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ từ hơn 19% năm 2018 xuống còn 15% vào năm ngoái.

Thế giới chờ đợi Mỹ - Trung "phá băng" thương mại.

Thế giới chờ đợi Mỹ - Trung "phá băng" thương mại.

Bà Sun Yun - Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson - cho biết: “Đối với Trung Quốc, điều này khó khăn nhưng họ buộc phải chịu đựng và chuẩn bị ứng phó. Trung Quốc tin rằng người dân của họ sẵn sàng chịu đựng tổn thất từ cuộc chiến thương mại hơn so với người Mỹ".

Các nhà phân tích lưu ý rằng, cả hai nền kinh tế đều đang rơi vào thế giằng co bởi mức độ phụ thuộc lẫn nhau lớn. Mỹ nhập khẩu tới 97% xe đẩy trẻ em, 96% hoa giả và ô, 95% pháo hoa, 93% sách tô màu và 90% lược từ Trung Quốc. Theo Beijing News, một nhà sản xuất đồ chơi Trung Quốc đặt câu hỏi: “Nếu không có chúng tôi, họ sẽ bán được gì? Kệ hàng của họ sẽ trống rỗng”.

Thử nghiệm gần đây từ công ty sản xuất vòi sen Afina cho thấy người tiêu dùng Mỹ không sẵn sàng trả thêm tiền để mua sản phẩm nội địa. Khi được lựa chọn giữa vòi sen sản xuất tại Trung Quốc/Việt Nam với giá 129 USD và phiên bản Mỹ giá 239 USD, 584 người chọn sản phẩm của hai quốc gia châu Á, không ai chọn hàng Mỹ.

Không chỉ người tiêu dùng, các nhà máy Mỹ cũng phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng Trung Quốc. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia, 47% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2023 là đầu vào sản xuất, từ vật tư công nghiệp đến linh kiện thiết bị.

Bà Louise Loo - chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics - nhận định: “Trung Quốc có thể tìm được người mua thay thế dễ dàng hơn nhiều so với việc Mỹ tìm được nhà cung cấp thay thế”.

Dù vậy, nền kinh tế Trung Quốc cũng chịu tác động. Quỹ Tiền tệ quốc tế hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay và năm sau, một phần do hệ lụy từ cuộc chiến thương mại.

Trạch Dương

Theo Economic Times

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/toan-tinh-cua-my-va-trung-quoc-truoc-cuoc-pha-bang-thuong-mai-post1741050.tpo
Zalo