Toan tính của Intel khi ồ ạt rót tiền vào châu Âu

Intel tham vọng xây dựng toàn bộ hệ sinh thái nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn tại châu Âu nhằm củng cố khả năng cạnh tranh với các đối thủ như TSMC, Samsung.

Tuần qua, nhà sản xuất chip của Mỹ là Intel công bố kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip bán dẫn ở Wroclaw, Ba Lan. Đây là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Intel, rót hàng chục tỷ USD vào các quốc gia châu Âu nhằm tăng cường năng lực sản xuất loại linh kiện quan trọng nhất trong các sản phẩm công nghệ cao, theo Reuters.

Những khoản đầu tư khổng lồ

Giữa tháng 3, Intel công bố giai đoạn một kế hoạch đầu tư của tập đoàn này vào Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, trong vòng 10 năm, Intel sẽ đầu tư khoảng 100 tỷ USD vào toàn bộ dây chuyên cung ứng chip bán dẫn ở châu Âu, từ nghiên cứu phát triển, sản xuất cho tới công nghệ hoàn thiện.

Ngoài nhà máy trị giá gần 5 tỷ USD tại Ba Lan, Intel đầu tư 22 tỷ USD vào một siêu trung tâm sản xuất chip bán dẫn công nghệ cao ở thành phố Madgeburg, Đức, đồng thời xây dựng một trung tâm nghiên cứu phát triển và thiết kế chip tại Pháp.

Tập đoàn của Mỹ cũng đầu tư nghiên cứu phát triển, xây dựng thêm các dây chuyền khuôn đúc và sản xuất chip bán dẫn tại Ireland, Italy, Ba Lan và Tây Ban Nha.

 Pat Gelsinger, CEO của Intel. Ảnh: Reuters.

Pat Gelsinger, CEO của Intel. Ảnh: Reuters.

Với hàng loạt khoản đầu tư này, Intel sẽ đưa toàn bộ dây chuyền công nghệ tiên tiến nhất của mình tới châu Âu, xây dựng hệ sinh thái chip bán dẫn thế hệ mới tại lục địa già, nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng chip bán dẫn ổn định và cân bằng trong tương lai.

"Các khoản đầu tư là bước đi đáng nhớ cho cả Intel và châu Âu. Đạo luật Chip EU sẽ khuyến khích các chính phủ và khối doanh nghiệp tư nhân phối hợp nâng cao vị thế của châu Âu trong lĩnh vực chip bán dẫn", Pat Gelsinger, CEO của Intel, cho biết.

Đạo luật Chip được EU thông qua đầu năm 2023 với những ưu đãi lớn dành cho các doanh nghiệp chip bán dẫn. Đạo luật này được đánh giá sẽ thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo tại châu Âu, khuyến khích các doanh nghiệp chip bán dẫn hàng đầu chuyển dây chuyền sản xuất tiên tiến tới khu vực này để hưởng ưu đãi.

Cuối thập niên 2000, Intel vẫn là nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, được đánh giá là đi trước các đối thủ một thế hệ. Nhưng nay, các đối thủ như TSMC, NVidia đều đã vượt mặt Intel. Trong nỗ lực đảo ngược đà đi xuống, giới lãnh đạo Intel quyết tâm thay đổi từ cấu trúc cho tới công nghệ trên các sản phẩm của hãng này, theo Financial Times.

Các nhà máy khổng lồ xây dựng tại Đức cũng như ở Mỹ là một phần trong nỗ lực hiện thực hóa tham vọng hồi sinh sản phẩm chip bán dẫn của Intel.

Theo thỏa thuận đang đàm phán những chi tiết cuối cùng, việc xây dựng nhà máy 22 tỷ USD ở thành phố Magdeburg sẽ giúp Intel nhận lại khoảng 11 tỷ USD trợ cấp của chính phủ Đức.

Trước đó, chính phủ Mỹ cam kết sẽ trợ cấp tới 12 tỷ USD cho các cơ sở nghiên cứu, sản xuất mới mà Intel dự định xây dựng.

Đôi bên đều hưởng lợi

Trong 2 năm đại dịch Covid-19, nhiều sản phẩm chip bán dẫn cung không đủ cầu, gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung sản phẩm điện tử trên toàn cầu.

Covid-19, thương chiến Mỹ - Trung, cùng xung đột ở Ukraine, đã khiến châu Âu tìm mọi cách giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn cung chip bán dẫn từ bên ngoài như Mỹ hay châu Á. Tuy vậy, việc xây dựng các cơ sở thiết kế, sản xuất sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD cùng sự phối hợp của các doanh nghiệp thống lĩnh trong lĩnh vực này.

Intel đã có hiện diện ở châu Âu hơn 30 năm và là một trong những tập đoàn công nghệ cao có quan hệ đối tác tốt đẹp nhất với chính phủ các nước EU. Trong 2 năm qua, Intel đã rót hơn 10 tỷ USD vào các nhà cung ứng lục địa già. Số tiền này được dự báo tăng gấp đôi vào năm 2026.

 Intel đang đầu tư lớn vào các nhà máy ở châu Âu. Ảnh: Reuters.

Intel đang đầu tư lớn vào các nhà máy ở châu Âu. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi cam kết đóng vai trò thiết yếu định hình tương lai ngành điện tử của châu Âu trong những thập kỷ tới", CEO Intel Gelsinger cho biết.

Khu tổ hợp tại Madgeburg dự kiến tạo ra 7.000 việc làm trong quá trình xây dựng, cũng như 3.000 việc làm lâu dài cho công nhân tại nhà máy của Intel. Cơ sở này dự kiến đi vào hoạt động từ 2027, theo CNBC.

Phát biểu tuần qua, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết dự án ở Madgeburg sẽ giúp tái cân bằng năng lực sản xuất chip bán dẫn toàn cầu và tạo ra chuỗi cung ứng ổn định hơn. Berlin và Intel đang trong những thảo luận cuối cùng về chi tiết gói trợ cấp từ chính phủ Đức.

Ngoài Đức, Intel dự kiến chi 13 tỷ USD để nâng cao năng suất nhà máy sản xuất chip ở Leixlip, Ireland. Cơ sở này là một trong những nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại nhất của Intel.

Tại Italy, Intel cũng đang trong quá trình thảo luận xây dựng một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip bán dẫn trị giá 5 tỷ USD với chính phủ Italy. Nhà máy này sẽ tạo ra tổng cộng 4.500 việc làm, có thể đi vào hoạt động trong thời gian từ 2025-2027.

Italy và Intel tham vọng biến nhà máy này trở thành cơ sở sản xuất kiểu mới đầu tiên ở châu Âu, với những công nghệ sáng tạo và tiên tiến nhất.

Intel cho biết các khoản đầu tư sẽ cải thiện năng lực thiết kế chip, thúc đẩy ngành công nghiệp cung ứng thiết bị và nguyên vật liệu của các nước châu Âu. Các dự án sẽ giống thỏi nam châm thu hút hàng nghìn kỹ sư, người lao động lành nghề trong lĩnh vực công nghệ cao, thúc đẩy tương lai số của EU.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/toan-tinh-cua-intel-khi-o-at-rot-tien-vao-chau-au-post1440869.html
Zalo