Kiếm tiền từ 5G: Nhà mạng bối rối
Dịch vụ 5G đang mở ra không gian mới cho nhà mạng, thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số, nhưng thách thức cũng không nhỏ là làm sao để khách hàng sử dụng dịch vụ.
Không gian mới cho nhà mạng
Theo báo cáo của Hiệp hội Viễn thông toàn cầu (GSMA), 5G sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu hơn 930 tỷ USD vào năm 2030, trong đó tập trung vào một số nhóm ngành chính như sản xuất công nghiệp (36%), hành chính công (15%), dịch vụ (10%), công nghệ thông tin và truyền thông (9%), tài chính (8%)... Theo dự báo, năm 2025, 5G có khả năng đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam 7,3-7,4% và đem lại cho các nhà mạng Việt Nam doanh thu 1,5 tỷ USD.
Viettel cho biết, hiện có một số doanh nghiệp FDI và nhà máy đang sử dụng 5G. Viettel đang làm việc với khoảng 100 doanh nghiệp để cùng thử nghiệm, cho ra các giải pháp số cung cấp cho doanh nghiệp.
Ông Ngô Mạnh Hùng, Giám đốc giải pháp 5G2B, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cho rằng, ứng dụng công nghệ kết nối mới như 5G sẽ giúp Việt Nam có thể bắt kịp với thế giới trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cảng biển.
Cụ thể, ứng dụng 5G và AI giúp tự động hóa kiểm tra chất lượng sản phẩm trong các lĩnh vực sản xuất như điện tử, ô tô, dược phẩm, thực phẩm, dệt may… Công nghệ 5G sẽ mang lại băng thông lớn, cho phép truyền số lượng lớn các hình ảnh 4K/8K. Độ trễ thấp của 5G có thể đạt dưới 10ms, cho phép dây chuyền hoạt động đồng bộ.
Camera AI kết nối 5G cũng giúp giám sát an ninh, an toàn trong nhà máy. Cảnh báo kịp thời các nguy cơ mất an toàn lao động, an toàn sản xuất, an ninh trong nhà máy. Hay ứng dụng cảm biến IoT qua kết nối 5G và IoT Platform để theo dõi, giám sát các hệ thống, thiết bị trong nhà máy, giúp ngăn ngừa sự cố gây gián đoạn sản xuất, tăng hiệu suất thiết bị. Hiện Viettel đang phối hợp với khách hàng để “may đo” dịch vụ 5G theo yêu cầu của khách hàng.
Còn ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số, Tổng công ty MobiFone nhận định, ARPU (doanh thu trung bình trên một khách hàng) cho khách hàng cá nhân dùng 5G ở các nhà mạng thế giới trung bình chỉ tăng được 1%, là mức không đáng kể. Trong khi đó, 20% tăng trưởng doanh thu đến từ khách hàng doanh nghiệp và Chính phủ. Các nhà mạng phải xác định 5G là dùng cho Chính phủ và doanh nghiệp.
“Mục tiêu của MobiFone đặt ra khi cung cấp dịch vụ 5G trong thời gian tới là hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hệ sinh thái về giáo dục, y tế… thông qua bộ sản phẩm riêng”, ông Huy khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó trưởng ban Công nghệ, Tập đoàn VNPT cho hay, công nghệ 5G sẽ kết hợp với các công nghệ Cloud, AI, Big Data... tạo thành hệ sản phẩm, dịch vụ để phục vụ rộng khắp các lĩnh vực, khía cạnh của nền kinh tế và toàn bộ xã hội. Đây là cơ hội để VNPT khai phá không gian kinh doanh mới.
Doanh nghiệp mong muốn có chính sách hỗ trợ
5G mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nhưng các nhà mạng cũng phải đối diện với nhiều thách thức. Đó là việc khung pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật cho 5G còn chưa hoàn thiện, hay những lo ngại về an ninh mạng… nhưng chi phí đầu tư là vấn đề mấu chốt nhất. Theo đó, chi phí đầu tư cao khiến giá thành sử dụng dịch vụ 5G cao. Hay như doanh nghiệp dùng dịch vụ 5G phải đầu tư cho các ứng dụng phần mềm, máy móc để dịch vụ 5G chạy được.
Một giải pháp giúp tốc độ ứng dụng 5G B2B nhanh và hiệu quả hơn là chia sẻ hạ tầng. Hiện VNPT và MobiFone đã ký thỏa thuận chiến lược, chia sẻ hạ tầng. Thỏa thuận giúp tăng khoảng 50% vùng phủ sóng của hai doanh nghiệp. Bước đầu, VNPT sẽ triển khai ít nhất 3.000 vị trí và nhanh chóng mở rộng trong giai đoạn tiếp theo nhằm bảo đảm phủ sóng mạnh mẽ, ổn định và liên tục, đặc biệt tại các khu vực đô thị và trung tâm kinh tế lớn trên toàn quốc.
Vì vậy, thách thức lớn nhất khi triển khai 5G là khách hàng tổ chức, doanh nghiệp phải thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất, kinh doanh, đầu tư nhiều hơn.
“Hiện nay, tất cả nhà mạng đều bối rối trước câu chuyện kiếm tiền từ 5G. Đầu tư là vấn đề rất phức tạp. Với 4G trở xuống, tỷ lệ đầu tư của nhà mạng/xã hội là 40/60, thì 5G tỷ lệ còn khó khăn hơn. Kỳ vọng của 5G là vào IoT, B2B mà chi phí đầu tư cực lớn”, ông Đoàn Quang Hoan, Phó chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Hồ Anh Thắng, Giám đốc Giải pháp tự động hóa Công ty cổ phần TNtech cũng khuyến nghị, việc triển khai hạ tầng 5G chi phí lớn, các doanh nghiệp nếu không tính toán kỹ sẽ đội chi phí sản xuất lên cao. Do vậy, đưa ra gói thuê bao hợp lý là việc nhà mạng cần cân nhắc. Ví dụ, một khu công nghiệp đã cũ và cần cải tạo, lắp đặt lại hệ thống cáp quang cho hệ thống camera rất khó, mất thời gian. Một số điểm sử dụng 4G để truyền dữ liệu về trung tâm điều hành, áp dụng công nghệ AI, nhưng phí thuê bao hàng tháng lớn, một năm có thể bằng chi phí đầu tư cáp quang. Do vậy, các nhà mạng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu.
Nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí để triển khai mạng mới trong giai đoạn đầu xây dựng 5G, ông Trần Minh Tuấn đề xuất, nên cắt giảm chi phí phổ tần mới và chi phí gia hạn phổ tần hiện có. Việc này cho phép các nhà khai thác tập trung dòng tiền để triển khai mạng 5G. Phí phổ tần hàng năm tương ứng có thể được giảm hoặc miễn thêm nếu các nhà khai thác sẵn sàng đáp ứng các ưu đãi triển khai hợp lý.
Bên cạnh đó, cần chính sách giảm thuế để kích thích đầu tư vào 5G. Đồng thời, cần có các chiến lược băng thông rộng quốc gia để hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực 5G cũng như các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và hợp tác công nghiệp.
Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Nguyễn Phong Nhã gợi ý, mỗi nhà mạng cần nhắm đến thị trường ngách, học tập kinh nghiệm nước ngoài để đưa về Việt Nam. Ví dụ, với khu công nghiệp của Việt Nam, khi đưa công nghệ 5G vào, cần thay đổi cách tiếp cận đối với việc mở rộng hay trang bị lại dây chuyền sản xuất. Điều này đòi hỏi phối hợp giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối (nhà mạng) với doanh nghiệp giải pháp, doanh nghiệp phần mềm.
“Nhà mạng bắt buộc phải hợp tác mới phát triển và có thị trường ngách. Thị trường ngách đang là nội dung rất mới với doanh nghiệp viễn thông hiện nay”, ông Nhã nói.