Toàn cảnh thế giới 13/11: Israel 'nã đạn' vào Lebanon, Hezbollah không kích đáp trả
Bản tin toàn cảnh thế giới ngày 13/11 có một số thông tin đáng chú ý về tình hình chiến sự Lebanon và cảnh báo liên quan đến Ukraine của cựu Thủ tướng Anh.
Cựu Thủ tướng Anh cảnh báo rằng Anh có thể cần phải điều lính đến Ukraine
Vào ngày 12 tháng 11 (giờ địa phương), hãng tin GB News đưa tin rằng Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cảnh báo rằng Anh có thể cần phải gửi quân đến Ukraine nếu sự hỗ trợ hoặc tài trợ quân sự của Mỹ bị cắt giảm.
Ông Johnson nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ của Anh đối với Ukraine, lưu ý rằng: "Nếu không, an ninh chung của chúng ta sẽ thực sự bị suy yếu bởi một nước Nga đang trỗi dậy". Ông cũng thảo luận về quan điểm chia rẽ trong Đảng Cộng hòa về Ukraine, nhấn mạnh rằng "ông Donald Trump đang nhận được rất nhiều lời khuyên", nhưng với một số thành viên trong Đảng Cộng hòa đã "có quan điểm sai lầm về Ukraine".
Tuy nhiên, ông Johnson cũng ghi nhận sự ủng hộ trước đây của ông Donald Trump khi nhắc lại rằng "cuộc chiến của Kyiv có thể đã rất, rất khác" nếu không có tên lửa Javelin của Mỹ.
Trong cương vị Thủ tướng Anh, ông Johnson từng là người ủng hộ Ukraine mạnh mẽ và tiếp tục thúc đẩy phương Tây cung cấp viện trợ quân sự cho người Ukraine sau khi ông từ chức vào năm 2022.
Cũng trong ngày 12/11, tờ Telegraph đưa tin Thủ tướng Anh đương nhiệm Keir Starmer đang có kế hoạch “gây sức ép” với Tổng thống Mỹ Joe Biden, để giải ngân khoản vay 20 tỷ đô la cho Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh G20 vào tuần tới tại Brazil.
Khoản vay này là một phần trong thỏa thuận của Nhóm G7 để cung cấp cho Ukraine khoảng khoảng 50 tỷ USD tiền viện trợ, vốn được lấy từ từ tài sản nước ngoài của Nga, theo một thông báo của G7 thông báo vào ngày 25 tháng 10.
Israel ‘nã đạn’ vào Lebanon, Hezbollah không kích đáp trả
Kênh Reuters đưa tin, ngày 12/11 (theo giờ địa phương) quân đội Israel đã không kích các vùng ngoại ô phía nam của thành phố Beirut. Đây là một trong những cuộc tấn công ban ngày dữ dội nhất từ trước đến nay vào khu vực do Hezbollah kiểm soát, và đã khiến hơn 20 người thiệt mạng.
Khói bốc lên trên Beirut khi khoảng một chục cuộc không kích tấn công vào các vùng ngoại ô phía nam bắt đầu từ giữa buổi sáng. Sau khi đăng cảnh báo cho người dân trên mạng xã hội, quân đội Israel cho biết họ đã tấn công các mục tiêu của Hezbollah ở khu vực Dahiyeh của Beirut và sau đó cho biết họ đã tháo dỡ hầu hết các cơ sở vũ khí và tên lửa của nhóm này.
Israel cho biết họ đã thực hiện các bước để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường và lặp lại cáo buộc trước đây rằng Hezbollah cố tình xâm nhập vào các khu vực dân sự để sử dụng cư dân làm lá chắn sống, một cáo buộc mà Hezbollah bác bỏ.
Ở miền bắc Israel, hai người đã thiệt mạng tại thành phố Nahariya khi một tòa nhà dân cư bị tấn công, cảnh sát Israel cho biết. Sau đó, Hezbollah đã nhận trách nhiệm về một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV), mà họ cho biết là nhằm vào một căn cứ quân sự ở phía đông Nahariya.
Quân đội cho biết người Israel đã buộc phải trú ẩn khỏi các cuộc tấn công bằng UAV trên khắp miền bắc. Các nhân viên cứu hộ cho biết, một UAV đã rơi trúng sân của một trường mẫu giáo ở vùng ngoại ô Haifa, nơi trẻ em đã được đưa vào nơi trú ẩn. Không ai bị thương.
Bộ Y tế Lebanon cho biết, tại tỉnh Mount Lebanon ở miền trung Lebanon, các cuộc không kích của Israel đã giết chết 8 người ở làng Baalchmay, phía đông nam Beirut và 15 người ở làng Joun thuộc quận Chouf.
Ở phía nam, 5 người đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel vào Tefahta, 2 người trong một cuộc đột kích vào Nabatieh và 1 người ở thành phố ven biển Tyre. 1 người khác đã thiệt mạng trong một cuộc không kích ở Hermel ở phía đông bắc, Bộ này cho biết.
Hầu hết cư dân tại Beirut đã chạy trốn khỏi vùng ngoại ô phía nam kể từ khi Israel bắt đầu ném bom vào thành phố này hồi tháng 9. Cảnh quay về một cuộc không kích được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy hai tên lửa đâm vào một tòa nhà cao khoảng 10 tầng, phá hủy tòa nhà và tạo ra những đám mây đổ nát.
Xung đột giữa Israel và nhóm Hezbollah bùng phát từ cuộc chiến ở Gaza đã kéo dài gần một năm trước khi Israel phát động tấn công vào tháng 9, không kích Lebanon và đưa quân vào miền nam nước này.
Kể từ đó, Israel đã giáng những đòn nặng nề vào Hezbollah, giết chết nhiều thủ lĩnh của nhóm này, bao gồm cả Hassan Nasrallah, và san phẳng nhiều khu vực rộng lớn ở vùng ngoại ô phía nam, phá hủy các ngôi làng biên giới và tấn công trên diện rộng tại quốc gia này.
Tổng tư lệnh quân đội Israel Herzi Halevi, khi đến thăm quân đội ở miền nam Lebanon vào thứ Ba, cho biết lực lượng Israel đang "hoạt động rất mạnh mẽ" ở đây.
Theo Bộ Y tế Lebanon, kể từ khi xung đột nổ ra cách đây một năm, các cuộc tấn công của Israel đã giết chết ít nhất 3.287 người ở Lebanon, phần lớn trong bảy tuần qua.
Theo Israel, các cuộc tấn công của Hezbollah đã giết chết khoảng 100 thường dân và binh lính ở miền bắc Israel, Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng và miền nam Lebanon trong năm qua. Vào cuối ngày thứ Ba, Hezbollah cho biết lực lượng của họ đã giết chết hơn 100 binh lính Israel kể từ ngày 1 tháng 10.
Trong một tuyên bố, Hezbollah cho biết kể từ ngày đó, họ đã buộc Israel phải rút lui khỏi một số thị trấn ở miền nam Lebanon, mà không nêu tên, và hứa sẽ tấn công nhiều hơn vào các mục tiêu quân sự của Israel. Quân đội Israel cho biết Hezbollah đã bắn 55 quả đạn pháo vào Israel vào thứ Ba.
Lãnh đạo cơ quan giám sát hạt nhân Liên Hợp Quốc kêu gọi sự 'giúp đỡ' từ Iran
Người đứng đầu cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hợp Quốc Rafael Grossi đã kêu gọi giới lãnh đạo Iran vào ngày 12/11 về việc thực hiện các bước để giải quyết các vấn đề tồn tại lâu dài với cơ quan này, một ngày trước khi ông đến thủ đô Iran để đàm phán về chương trình hạt nhân.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã tìm kiếm tiến triển trong nhiều tháng với Iran, về việc thúc đẩy hợp tác giám sát tại các địa điểm hạt nhân, cũng như yêu cầu Iran giải thích về dấu vết uranium được tìm thấy tại các địa điểm không được công bố.
Nhưng những nỗ lực của ông Grossi đã không đạt được nhiều kết quả, và với sự trở lại của Tổng thống đắc cử Donald Trump, người được kỳ vọng sẽ khôi phục chính sách gây sức ép tối đa đối với Iran, chuyến đi của ông Grossi vào hôm nay sẽ cung cấp những "manh mối" về động thái của Iran muốn trong những tháng tới.
Chia sẻ với kênh Reuters bên lề Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29 tại Baku, ông Grossi tuyên bố: "Tôi khó có thể nói với cộng đồng quốc tế về điều gì đang xảy ra. Tôi đang ở trong một vị trí rất khó khăn. Vì vậy, Iran phải giúp chúng tôi, để chúng tôi giúp đỡ họ, ở một mức độ nhất định".
Iran đã tăng cường hoạt động hạt nhân kể từ năm 2019, sau khi ông Trump đã từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với nước này vào năm 2015, qua đó khôi phục các lệnh chừng phạt và hạn chế tài chính đối với quốc gia Hồi giáo này. Hành động làm giàu bằng phát triển hạt nhân sau đó của Iran đã bị phương Tây coi là một nỗ lực "trá hình" nhằm phát triển năng lực vũ khí hạt nhân.
Tehran hiện có khả năng làm giàu uranium lên tới 60% độ tinh khiết phân hạch, gần với mức khoảng 90% cần thiết cho một quả bom hạt nhân. Theo tiêu chuẩn của IAEA, nước này có đủ uranium làm giàu để sản xuất khoảng 4 quả bom hạt nhân, nếu được tinh chế thêm.
Iran từ lâu đã phủ nhận mọi tham vọng về vũ khí hạt nhân, nói rằng nước này chỉ làm giàu uranium cho mục đích sử dụng năng lượng dân sự.
Chuyến đi của ông Grossi diễn ra một tuần trước khi hội đồng quản trị gồm 35 quốc gia của IAEA sẽ họp tại Vienna (Áo) với mục đích xem xét hành động gia tăng áp lực lên Iran, do nước này đã nhiều lần thiếu hợp tác.
Bình luận về cuộc họp trên, ông Grossi nói: "Tôi nghĩ tình hình tiếp tục xấu đi. Chương trình hạt nhân của họ phát triển và chúng tôi không có được mức độ hiển thị cần thiết trong các lĩnh vực nhạy cảm, như sản xuất máy ly tâm và các lĩnh vực khác". Ông cũng cho biết, "điều không thể thiếu" là có được kết quả về giám sát và các hoạt động không giải thích được của Iran.