Toàn cảnh cáo buộc 'bom bẩn' giằng co giữa Nga và Ukraine

Trong một tuyên bố chung, Mỹ, Anh và Pháp gọi cáo buộc của Nga là 'hoàn toàn sai sự thật' và cảnh báo Moscow không nên sử dụng chúng như một 'cái cớ' để leo thang.

Trong tuyên bố mới nhất liên quan tới chiến sự tại Ukraine, Moscow đã tập trung vào cáo buộc rằng Kiev có thể đang lên kế hoạch sử dụng "bom bẩn" - một thiết bị nổ thông thường được tẩm vật liệu hạt nhân độc hại.

Kiev và các đồng minh phương Tây nói rằng cáo buộc này không có sự thật và ý tưởng rằng Ukraine sẽ đầu độc lãnh thổ của mình là vô lý. Họ nói rằng Moscow lấy cớ để biện minh cho sự leo thang ở chiến trường Ukraine.

Cảnh sát đứng gác tại khu vực xảy ra tấn công bằng máy bay không người lái bùng nổ ở Kiev vào ngày 17/10/2022. Ảnh: Reuters

Cảnh sát đứng gác tại khu vực xảy ra tấn công bằng máy bay không người lái bùng nổ ở Kiev vào ngày 17/10/2022. Ảnh: Reuters

Bom bẩn là gì?

Đây là một loại vũ khí đã được sáng tạo và thử nghiệm cách đây hơn 3/4 thế kỷ, trong những năm đầu của thời đại nguyên tử, nhưng chưa từng được một lực lượng quân sự nào mang ra thực chiến.

Sau vụ tấn công ngày 11/9, các quan chức chính phủ từng cảnh báo những kẻ khủng bố có thể chế tạo loại bom này bằng vật liệu phóng xạ được sử dụng trong nhiều ngành thương mại. Phiên bản được dự liệu phổ biến nhất là đủ nhỏ để nhét trong ba lô và có thể chứa ít hơn 9kg chất nổ, với một lượng nhỏ chất phóng xạ được đặt trên cùng.

Tác hại của bom bẩn

Bom bẩn không có khả năng tạo ra những ảnh hưởng như nổ bom nguyên tử san phẳng cả một thành phố, thay vào đó chúng được thiết kế để phát tán chất độc hại.

Những người hít phải hoặc ăn phải bụi phóng xạ có thể bị thương hoặc thiệt mạng, và các tòa nhà bị ô nhiễm sẽ buộc bị phá và tiêu hủy vật dụng liên quan, chôn lấp cẩn thận.

Các chuyên gia cho rằng tác động ngay lập tức đến sức khỏe người dân trong khu vực có bom bẩn tấn công sẽ không rõ do phần lớn người dân có thể thoát thân trước khi chất phóng xạ lên tới mức gây thiệt mạng. Nhưng thiệt hại kinh tế có thể rất lớn do phải sơ tán khỏi các khu vực đô thị cho đến việc bỏ lại toàn bộ các thành phố.

Một mảnh coban phóng xạ từ một nhà máy chiếu xạ thực phẩm, nếu bị nổ khi gắn vào một quả bom ở New York, có thể gây ô nhiễm một khu vực rộng 1.000 km2 và có khả năng khiến Manhattan buộc phải bỏ hoang.

Người đứng đầu lực lượng bảo vệ hạt nhân, sinh học và hóa học của Nga, Trung tướng Igor Kirillov trong cáo buộc, khẳng định mục tiêu của Ukraine khi sử dụng bom bẩn là nhằm đổ lỗi cho Nga.

“Mục đích của hành động khiêu khích là cáo buộc Nga sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt đối với lực lượng quân đội Ukraine và thông qua đó, phát động một chiến dịch chống Nga mạnh mẽ trên thế giới, nhằm làm suy giảm lòng tin đối với Moscow.”

Phản hồi của Ukraine và phương Tây là gì?

Kiev và các đồng minh phương Tây cho rằng cáo buộc của Moscow về việc Ukraine cố tình biến một phần lãnh thổ của Kiev thành khu hoang phế do "bom bẩn" là vô lý, đặc biệt là vào thời điểm các lực lượng Ukraine đang trên tiến trình tái kiểm soát chiến trường.

Trong một tuyên bố chung, Mỹ, Anh và Pháp gọi các cáo buộc của Nga là "hoàn toàn sai sự thật" và cảnh báo Moscow không nên sử dụng chúng như một "cái cớ" để leo thang.

Về phần Điện Kremlin đã cảnh báo phương Tây rằng việc gạt bỏ quan điểm của Moscow là rất nguy hiểm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng Moscow có thể đang sử dụng các cáo buộc này làm vỏ bọc cho kế hoạch một cuộc tấn công tương tự: “Nếu Nga gọi điện và nói rằng Ukraine đang chuẩn bị gì đó, điều đó có nghĩa là Nga đã chuẩn bị tất cả những điều này," ông Zelensky nhấn mạnh.

Liên Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/toan-canh-cao-buoc-bom-ban-giang-co-giua-nga-va-ukraine.html
Zalo