Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, kinh tế Việt Nam phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý.

Năm 2024 đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong tiến trình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của Việt Nam. Đây không chỉ là năm bản lề mà còn là năm bản lĩnh, khi nền kinh tế Việt Nam vượt qua hàng loạt thách thức để phục hồi mạnh mẽ.

TỔNG SẢN PHẨM QUỐC NỘI

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4 năm 2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ thấp hơn quý 4 của các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011 – 2024. Đồng thời, luôn duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý 1 tăng 5,98%, quý 2 tăng 7,25%, quý 3 tăng 7,43%).

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,86% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,35%, đóng góp 44,03%; khu vực dịch vụ tăng 8,21%, đóng góp 51,11%. Về sử dụng GDP quý 4 năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 7,98%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,35%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 13,49%.

GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm ngoái, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011 - 2024. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,86%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,64%; khu vực dịch vụ chiếm 42,36%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,14% (tương ứng các năm 2024 là 11,86%; 37,58%; 42,30%; 8,26%).

Về sử dụng GDP năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,57% so với năm 2023; tích lũy tài sản tăng 7,20%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,45%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,10%.

Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 476,3 tỷ USD). GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người (tương đương 4.700USD). Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động (tương đương 9.182USD/lao động, tăng 726USD so với năm 2023); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,88% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2024 ước đạt 28,3%, cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với năm ngoái).

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG

Một số địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT, giá nhà ở thuê, giá xăng dầu tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2024 tăng 0,29% so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm 2023, CPI trong tháng tăng 2,94%.

CPI bình quân quý 4 năm 2024 tăng 2,87% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế cả năm 2024, CPI tăng 3,63% so với năm ngoái, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Trong mức tăng 0,29% của CPI tháng 12 năm 2024 so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

CPI bình quân quý 4 năm 2024 tăng 2,87% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Hàng hóa và dịch khác tăng 6,97%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,29%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,81%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,15%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,33%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,20%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,41%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,14%; bưu chính, viễn thông giảm 0,52%; giáo dục giảm 0,81%; giao thông giảm 2,49%.

Bên cạnh đó, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 31/12, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.659,6USD/ounce (giảm 0,62% so với tháng 11 năm 2024) do chịu áp lực từ đồng đô la và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đều tăng.

Trong tháng, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất 0,25% nhưng tín hiệu thận trọng về lộ trình giảm lãi suất trong năm 2025 đã tác động tiêu cực đến giá vàng, làm giá vàng hạ xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11 năm 2024. Trong nước, chỉ số giá vàng trong tháng giảm 1,38% so với tháng trước; tăng 31,07% so với cùng kỳ năm 2023; bình quân cả năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 28,64%.

Tính đến ngày 31/12, chỉ số giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 106,98 điểm, tăng 1,46% so với tháng trước do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao, làm đồng đô la Mỹ hấp dẫn hơn với nhà đầu tư. Cùng với đó, chính sách tiền tệ của FED duy trì lãi suất cao và nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh vào cuối năm đã góp phần làm tăng giá trị đồng đô la Mỹ.

Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do dao động quanh mức 25.488VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12 năm 2024 tăng 0,09% so với tháng trước; tăng 4,31% so với cùng kỳ năm ngoái; bình quân năm 2024 tăng 4,91%.

HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 12 năm 2024 ước đạt 570,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Quý 4 năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.686,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với quý trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.290,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% so với quý trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 191,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% và tăng 11,3%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 16,4 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4% và tăng 11,3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 188,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% và tăng 8,2%.

Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391,0 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0% so với năm ngoái (năm 2023 tăng 9,4%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,9% (năm 2023 tăng 6,8%). So với năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 29,4%, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 31,5% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 39,8%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2024 ước đạt 4.921,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,0% tổng mức và tăng 8,3% so với năm 2023. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 3,6%; may mặc tăng 8,4%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 8,2%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 6,0%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2024 so với năm ngoái của một số địa phương như sau: Quảng Ninh tăng 9,7%; Hải Phòng tăng 9,6%; Cần Thơ tăng 7,8%; Đà Nẵng tăng 7,2%; Hà Nội tăng 6,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,2%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2024 ước đạt 733,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 12,9% so với năm trước. Doanh thu năm 2024 so với năm 2023 của một số địa phương như sau: Khánh Hòa tăng 16,7%; Cần Thơ tăng 13,7%; Hà Nội tăng 11,7%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 10,5%; Bình Dương tăng 9,8%.

Doanh thu du lịch lữ hành năm 2024 ước đạt 62,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,0% tổng mức và tăng 16,0% so với năm trước do các địa phương ngay từ đầu năm đã tích cực đẩy mạnh xúc tiến du lịch, tăng cường thu hút khách trong nước và quốc tế. Doanh thu năm 2024 của một số địa phương so với năm ngoái như sau: Cần Thơ tăng 33,7%; Quảng Ninh tăng 21,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 18,7%; Khánh Hòa tăng 16,5%; Bình Dương tăng 15,7%; Hà Nội tăng 12,4%.

Doanh thu dịch vụ khác năm 2024 ước đạt 672,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng mức và tăng 9,0% so với năm 2023. Cụ thể mức tăng, giảm năm 2024 so với năm ngoái của một số địa phương như sau: Điện Biên tăng 17,8%; Đồng Nai tăng 15,4%; Nam Định tăng 13,5%; Cần Thơ tăng 12,0%; Hải Dương tăng 9,2%; Hà Nội tăng 8,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,9%; Hưng Yên giảm 9,4%.

HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP

Trong tháng, cả nước có gần 10,0 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là hơn 96,4 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký hơn 95,7 nghìn lao động, giảm 10,4% về số doanh nghiệp, giảm 30,4% về vốn đăng ký và tăng 6,2% về số lao động so với tháng 11 năm 2024.

So với cùng kỳ năm 2023, giảm 12,6% về số doanh nghiệp, giảm 22,8% về số vốn đăng ký và tăng 27,8% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,6 tỷ đồng, giảm 22,3% so với tháng trước và giảm 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 8,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 14,8% so với tháng trước và tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế năm 2024, cả nước có hơn 157,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.547,0 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 1.001,5 nghìn lao động, giảm 1,4% về số doanh nghiệp, giảm 1,8% về vốn đăng ký và giảm 5,4% về số lao động so với năm ngoái.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024 đạt 9,8 tỷ đồng, giảm 0,4% so với năm 2023. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2024 là gần 2.025,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm ngoái.

CÁN CÂN XUẤT - NHẬP KHẨU

Trong tháng 12 năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 70,53 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế cả năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm ngoái, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD.

Xuất khẩu hàng hóa:

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng đạt 35,53 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,68 tỷ USD, tăng 8,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 24,85 tỷ USD, tăng 4,0%.

So với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12 tăng 12,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 10,9%. Trong quý 4 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 105,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 2,5% so với quý 3 năm 2024.

Lũy kế cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm ngoái. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,7%.

Trong năm 2024, có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,0%).

Nhập khẩu hàng hóa:

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng đạt 35,01 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 14,0 tỷ USD, tăng 13,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,01 tỷ USD, tăng 3,5%.

So với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12 tăng 19,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 27,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,2%. Trong quý 4 năm 2024, kim ngạch nhập khẩu đạt 101,9 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 2,2% so với quý 3 năm 2024.

Lũy kế cả năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm ngoái, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 140,11 tỷ USD, tăng 19,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 240,65 tỷ USD, tăng 15,1%.

Trong năm 2024, có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 6 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 54,0%).

CHỈ SỐ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP (IIP)

Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm nên sản xuất công nghiệp quý 4 năm 2024 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực.

Năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8,4% so với năm ngoái (năm 2023 tăng 1,3%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6% (năm 2023 tăng 1,5%), đóng góp 8,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,7%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,5%, làm giảm 1,0 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 so với năm 2023 tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

THU - CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Thu ngân sách Nhà nước năm 2024 ước tăng 16,2% và chi ngân sách Nhà nước ước tăng 5,7% so với năm 2023, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Thu ngân sách Nhà nước:

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 12 năm 2024 ước đạt 206,5 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 ước đạt 2.037,5 nghìn tỷ đồng, bằng 119,8% dự toán năm và tăng 16,2% so với năm 2023. Trong đó, một số khoản thu chính như sau:

- Thu nội địa trong tháng ước đạt 183,2 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2024 ước đạt 1.706,4 nghìn tỷ đồng, bằng 118,1% dự toán năm và tăng 16,0% so với năm ngoái.

- Thu từ dầu thô trong tháng ước đạt 6,2 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2024 ước đạt 58,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,5% dự toán năm và giảm 5,4% so với năm 2023.

- Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu trong tháng ước đạt 16,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2024 ước đạt 271,3 nghìn tỷ đồng, bằng 133,0% dự toán năm và tăng 24,1% so với năm ngoái.

Chi ngân sách Nhà nước:

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 12 năm 2024 ước đạt 283,9 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2024 ước đạt 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán năm và tăng 5,7% so với năm 2023. Trong đó, chi thường xuyên năm 2024 ước đạt 1.190,7 nghìn tỷ đồng, bằng 94,5% dự toán năm và tăng 12,5% so với năm ngoái; chi đầu tư phát triển ước đạt 529,1 nghìn tỷ đồng, bằng 78,1% và giảm 8,7%; chi trả nợ lãi 108,3 nghìn tỷ đồng, bằng 97,0% và tăng 20,2%.

VẬN TẢI HÀNH KHÁCH VÀ HÀNG HÓA

Hoạt động vận tải tăng trưởng cao trong những tháng cuối năm nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong nước cũng như khách quốc tế đến Việt Nam, phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất nhập khẩu.

Vận tải hành khách trong tháng ước đạt 475,2 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 3,2% so với tháng trước và luân chuyển 24,7 tỷ lượt khách/km, tăng 4,8%; quý 4 năm 2024 ước đạt 1.388,9 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023 và luân chuyển đạt 71,4 tỷ lượt khách/km, tăng 10,7%. Lũy kế năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 5.067,6 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 8,3% so với năm ngoái và luân chuyển đạt 275,4 tỷ lượt khách/km, tăng 11,6%.

Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 5.048,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 8,3% so với năm 2023 và 220,2 tỷ lượt khách/km luân chuyển, tăng 10,1%; vận tải ngoài nước ước đạt 18,9 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 20,9% và 55,2 tỷ lượt khách/km luân chuyển, tăng 18,0%. Vận tải hành khách năm 2024 đã phục hồi và tăng 0,2% về vận chuyển; tăng 11,3% về luân chuyển so với mức sản lượng năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Vận tải hàng hóa trong tháng ước đạt 252,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 3,4% so với tháng trước và luân chuyển 51,5 tỷ tấn/km, tăng 3,7%; quý năm 2024 ước đạt 740,0 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2023 và luân chuyển 149,6 tỷ tấn/km, tăng 13,4%. Lũy kế năm 2024, vận tải hàng hóa ước đạt 2.670,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,0% so với năm ngoái và luân chuyển 545,1 tỷ tấn/km, tăng 11,8%.

Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 2.621,9 triệu tấn vận chuyển, tăng 14,1% và 336,6 tỷ tấn/km luân chuyển, tăng 10,2%; vận tải ngoài nước ước đạt 48,7 triệu tấn vận chuyển, tăng 5,5% và 208,5 tỷ tấn/km luân chuyển, tăng 14,4%. Xét theo ngành vận tải, tất cả các ngành đường năm 2024 có tốc độ tăng tích cực so với năm trước do nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất nhập khẩu tăng cao.

KHÁCH QUỐC TẾ ĐẾN VIỆT NAM

Chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao trong năm 2024.

Trong tháng, khách quốc tế đến nước ta đạt 1,75 triệu lượt người, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17,6 triệu lượt người, tăng 39,5% so với năm ngoái và bằng 97,6% năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 14,8 triệu lượt người, chiếm 84,4% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 35,6% so với năm 2023; bằng đường bộ đạt gần 2,5 triệu lượt người, chiếm 14,2% và tăng 63,3%; bằng đường biển đạt gần 248,1 nghìn lượt người, chiếm 1,4% và tăng 96,7%.

Số lượt người Việt Nam xuất cảnh trong quý 4 năm 2024 là 1,2 triệu lượt người, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế năm 2024, số lượt người Việt Nam xuất cảnh là 5,3 triệu lượt người, tăng 5,5% so với năm 2023.

VỐN FDI ĐĂNG KÝ CẤP MỚI

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 4 năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 1.274,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2023, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước ước đạt 354,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 726,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 193,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5%.

Ước tính năm 2024, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 3.692,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm ngoái, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 1.019,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,6% tổng vốn và tăng 5,3%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 2.064,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,9% và tăng 7,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 608,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,5% và tăng 10,6%.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2024 ước đạt 661,3 nghìn tỷ đồng, bằng 84,6% kế hoạch năm và tăng 3,3% so với năm 2023. Theo cấp quản lý, vốn Trung ương đạt 112,8 nghìn tỷ đồng, bằng 87,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với năm ngoái; vốn địa phương đạt 548,5 nghìn tỷ đồng, bằng 84,1% và tăng 4,1%.

Trong vốn địa phương quản lý, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 370,2 nghìn tỷ đồng, bằng 80,3% và tăng 2,6%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 154,5 nghìn tỷ đồng, bằng 92,0% và tăng 8,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 23,8 nghìn tỷ đồng, bằng 104,3% và tăng 0,1%.

Trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 6,26 tỷ USD, chiếm 31,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 2,89 tỷ USD, chiếm 14,6%; Trung Quốc 2,84 tỷ USD, chiếm 14,4%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 2,17 tỷ USD, chiếm 11,0%.

Lũy kế năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 664,8 triệu USD, tăng 57,7% so với năm 2023. Trong đó: Hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ đạt 200,5 triệu USD, chiếm 30,2% tổng vốn đầu tư; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 139,6 triệu USD, chiếm 21,1%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí đạt 94,6 triệu USD, chiếm 14,2%; vận tải kho bãi đạt 70,2 triệu USD, chiếm 10,6%; khai khoáng đạt 60,7 triệu USD, chiếm 9,1%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 41,2 triệu USD, chiếm 6,2%; xây dựng đạt 10,5 triệu USD, chiếm 1,6%.

Trong năm 2024, có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Lào là nước dẫn đầu với 191,2 triệu USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư; Indonesia 137,7 triệu USD (chiếm 20,7%); Ấn Độ 90,1 triệu USD (chiếm 13,6%); Mỹ 71,7 triệu USD (chiếm 10,8%); Hà Lan 54,6 triệu USD (chiếm 8,2%); Philippines 32,1 triệu USD (chiếm 4,8%)…

7 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI đăng ký cấp mới là Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình và Đồng Nai.

Nam Anh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/toan-canh-buc-tranh-kinh-te-quy-4-nam-2024-qua-cac-con-so-post557108.html
Zalo