Tỏa lan thông điệp, nghị lực thoát nghèo ở Thanh Hóa

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, cùng với việc cấp trang thiết bị, tài liệu tuyên truyền cho các đơn vị cơ sở, tỉnh Thanh Hóa đa dạng hóa phương thức, đẩy mạnh truyền thông chính sách, đồng hành trách nhiệm, khơi dậy ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư.

Một tiết mục truyền thông ấn tượng tại hội thi.

Một tiết mục truyền thông ấn tượng tại hội thi.

Năm 2024, Ban chỉ đạo, cơ quan thường trực cùng các địa phương tổ chức Hội thi truyền thông về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ cấp cơ sở. Qua đó, tuyển chọn các đội tham dự hội thi cấp tỉnh có chủ đề “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đi đôi với tăng thời lượng, nâng cao chất lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, huyện Nga Sơn tuyên truyền các chủ trương, chính sách giảm nghèo qua các hội nghị, hội thảo, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, phân công đảng viên phụ trách hộ truyền thông trực tiếp tới người nghèo.

Huyện Nga Sơn còn triển khai thực hiện 10 dự án chăn nuôi bò sinh sản thuộc dự án 2 đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo và tiểu dự án 1, dự án 3 phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút 58 hộ nghèo, 221 hộ cận nghèo, 24 hộ thoát nghèo tham gia.

Qua đó giúp người nghèo, hộ nghèo nâng cao nhận thức, có thêm việc làm, thu nhập, tự vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào nhà nước và cộng đồng.

Các đại biểu, khán giả xem các nội dung thi.

Các đại biểu, khán giả xem các nội dung thi.

Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, huyện Quảng Xương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 100 căn nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở có tổng trị giá hơn 9 tỷ đồng. Phối nền bằng bài hát “Lên chùa”, kế thừa làn điệu dân ca Đông Anh “Thắp đèn đi cấy”, tiếp nối “Làng cổ Đông Sơn rộn rã nhịp trống đồng”, phần thi chào hỏi của huyện Quảng Xương tôn vinh chủ thể lao động, sáng tạo, gương cán bộ ngày đêm chuyên cần, tận tụy vì người nghèo, vì hạnh phúc nhân dân. Đồng thời, chuyển tải mục tiêu từ nay đến tháng 5/2025, huyện Quảng Xương tiếp tục vận động, hỗ trợ xây mới và sửa chữa hơn 200 căn nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở.

Hội thi truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo thu hút đông đảo người hoạt động không chuyên trách cấp cơ sở đến cán bộ, viên chức các tổ chức đoàn thể cấp huyện tham gia thể hiện năng lực, kỹ năng tuyên truyền qua 3 phần thi: Trưng bày sản phẩm, chào hỏi, trình bày tiểu phẩm truyền thông về giảm nghèo bền vững.

Các đội dự thi đã phát huy hiệu quả truyền thông trực quan, chuyển tải thông điệp, hình ảnh con người cùng địa phương, tôn vinh cán bộ tận tụy, gương mẫu, trách nhiệm, cùng những việc làm, mô hình trợ giúp người nghèo thiết thực, phát huy vai trò cộng đồng, truyền thống tương thân, tương ái, nhân thêm sức mạnh đoàn kết giúp nhau vượt khó, thoát nghèo, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống.

Giai điệu dân ca, dân vũ được kế thừa, truyền thông về công tác giảm nghèo.

Giai điệu dân ca, dân vũ được kế thừa, truyền thông về công tác giảm nghèo.

Đến từ thượng nguồn sông Chu, đội tuyên truyền của huyện miền núi Thường Xuân chuyển tải sinh động nội dung truyền thông qua các phần thi bắt buộc. Từ màn chào hỏi “Chiềng làng chiềng chạ”, thông tin về hội thi giảm nghèo đã hội tụ, xuất hiện các cán bộ chính sách, ngân hàng, trưởng thôn, thành viên ban công tác mặt trận, phụ nữ đồng hành cùng hộ nghèo vượt khó.

Tiếp cận nguồn vốn ngân hàng chính sách-xã hội, người dân ở huyện Thường Xuân xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế như: Sản xuất ống hút thân thiện môi trường để xuất khẩu, nuôi ong lấy mật, trồng dưa vàng trong nhà lưới, nuôi cá lồng, làm tinh dầu, xà phòng từ nguyên liệu tự nhiên. Theo đó, hàng trăm lao động có việc làm tại chỗ, 100% các hộ tham gia thực hiện mô hình đạt thu nhập hơn 100 triệu/năm, đã thoát nghèo.

Phát huy lợi thế du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc, tại bản Mạ ở thị trấn Thường Xuân và bản Vịn ở xã Bát Mọt có 30 hộ nghèo, cận nghèo tổ chức dịch vụ homestay, tạo thêm sinh kế để thoát nghèo.

Với tiểu phẩm “Giờ thì tôi đã hiểu”, các nghệ sĩ không chuyên đã thể hiện sinh động sự chuyển hóa từ nhận thức đến hành động tự giác, chủ động tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các chính sách sinh kế, đầu tư phát triển.

Tiểu phẩm sân khấu hóa hấp dẫn người xem và kỹ năng diễn xuất của các nghệ sĩ "dân phong" đã khéo léo chuyển tải quy trình tập thể bình xét, công khai, minh bạch các tiêu chí; cơ hội được đào tạo nghề, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, thông tin đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thấm sâu, tỏa lan thông điệp cùng nghị lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuổi trẻ các dân tộc thiểu số ở vùng thượng du Thanh Hóa còn được tiếp cận chính sách hỗ trợ học tập, vay vốn sinh viên, tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học tập để lập thân, lập nghiệp.

Nét đặc trưng về văn hóa ở vùng thượng du Thanh Hóa được tái hiện trong nội dung thi.

Nét đặc trưng về văn hóa ở vùng thượng du Thanh Hóa được tái hiện trong nội dung thi.

Thay mặt ban tổ chức, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Trọng Huỳnh nhận xét, hội thi truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 thu hút số lượng đội dự thi, diễn viên không chuyên tham gia đông nhất. Các đội dự thi có sự đầu tư, chuẩn bị công phu, tham gia sôi nổi, bảo đảm chất lượng cao từ phần thi trưng bày sản phẩm truyền thông đến phần thuyết trình ấn tượng, chuyển tải đặc trưng văn hóa, truyền thống lịch sử mỗi địa phương, vùng miền, nêu bật những giải pháp, thành quả đạt được trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Các tiểu phẩm bảo đảm tính tự nhiên, hợp lý, thuyết phục người xem, đã chuyển tải thông điệp, tinh thần chỉ đạo, nội dung truyền thông linh hoạt, khắc họa hình tượng nhân vật cùng hành động, nhất là những cách làm sáng tạo, mô hình mới trong khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương.

Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại hội thi.

Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại hội thi.

Đáp ứng chỉ đạo của Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, hội thi truyền thông giảm nghèo tỏa lan những nội dung có tính chất hỗ trợ trực tiếp, thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo thường xuyên nhằm hỗ trợ toàn diện người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đồng thời, truyền thông tới tỉnh Thanh Hóa cùng các địa phương chủ động bố trí nguồn vốn đối ứng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tác động, làm thay đổi, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại, góp phần nâng cao nhận thức, tri thức cho người dân chủ động hành động, tự giác vươn lên thoát nghèo.

Ban tổ chức trao thưởng cho các đơn vị, cá nhân đoạt giải.

Ban tổ chức trao thưởng cho các đơn vị, cá nhân đoạt giải.

Hội thi truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 ở Thanh Hóa được thực hiện dưới hình thức sân khấu hóa, lan tỏa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.

MAI LUẬN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/toa-lan-thong-diep-nghi-luc-thoat-ngheo-o-thanh-hoa-post827879.html
Zalo