Tọa đàm trực tuyến 'Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?'
Hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về Tự kỷ (2/4), chiều 28/3, Ban Chuyên đề Báo Nhân Dân tổ chức buổi tọa đàm 'Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?'.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố đầu năm 2019, Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó khoảng 1 triệu người tự kỷ. Ước tính, cứ 100 trẻ sinh ra thì có một trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Trong vòng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ tự kỷ tại Việt Nam đã tăng đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng lưu tâm.
Bức tranh đó càng có thêm những gam màu tối tăm đáng báo động, khi tỷ lệ trẻ em mắc chứng này ước tính lên tới 1% số trẻ sinh ra. Số lượng trẻ tự kỷ tăng nhanh, khi chỉ từ năm 2000 đến năm 2007 đã nhân lên tới 50 lần. Cũng theo thống kê, tự kỷ chiếm 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường.
Thống kê cũng cho thấy, những bất thường của rối loạn phổ tự kỷ gây ảnh hưởng kéo dài suốt đời đến các chức năng cá nhân, gây suy giảm chất lượng sống, suy giảm nguồn nhân lực lao động kéo theo gánh nặng kinh tế lâu dài cho cả gia đình và xã hội.

Những tác phẩm tranh của bé Tạ Đức Bảo Nam, trẻ tự kỷ sinh năm 2011. Ảnh: THẾ DƯƠNG
Các chuyên gia ước tính, hơn 1 triệu trẻ tự kỷ sẽ kéo theo 8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp. Không chỉ có vậy, mỗi năm sẽ có một con số không nhỏ trẻ tự kỷ bước vào tuổi trưởng thành.
Đặc biệt, khi các em đến tuổi dậy thì, phụ huynh phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải. Phần lớn trong số họ phải đối diện với một tương lai mờ mịt khi người thân ngày càng già yếu, chi phí chăm sóc ngày một tăng cao, ít có khả năng lao động để tự nuôi sống bản thân. Tương lai của họ sẽ ra sao, khi cha mẹ không còn nữa cũng là một vấn đề an sinh xã hội gây nhức nhối.
Cuộc tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, y tế và tâm lý học như ông Đặng Hoa Nam (nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em); Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí (Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, Bộ Giáo dục và đào tạo); Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mai Hương (Phó Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương); Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng (đại diện Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế); Tiến sĩ Đinh Nguyễn Trang Thu (Phó Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm Hà Nội); Thạc sĩ Phan Thị Lan Hương (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em, Giám đốc dự án hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ); bà Nguyễn Thị Thu (Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng Our Story); ông Vũ Văn Chức - Sáng lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển hòa nhập Hoa Xuyến Chi, tỉnh Bắc Giang.
…
Với hai nội dung chính: thảo luận nhằm chia sẻ thực trạng - thách thức và đưa ra những giải pháp cùng kiến nghị với mong muốn thắp sáng tương lai cho trẻ tự kỷ, các vị khách mời sẽ cùng chia sẻ những góc nhìn, kinh nghiệm và giải pháp hữu hiệu để trẻ tự kỷ hòa nhập tốt hơn, hướng tới tương lai tươi sáng hơn.

Đồng chí Phan Văn Hùng, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân phát biểu tại tọa đàm "Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?". Ảnh: SƠN TÙNG
Trẻ tự kỷ cần sự chung tay của toàn xã hội
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phan Văn Hùng, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho biết, tọa đàm Tương lai nào cho trẻ tự kỷ do Báo Nhân Dân tổ chức nhằm hướng tới Ngày Thế giới nhận thức về Tự kỷ (2/4).
Theo đồng chí, tại Việt Nam, số trẻ mắc hội chứng này ngày càng gia tăng, và đây không chỉ là mối quan tâm của các bậc phụ huynh mà còn là vấn đề cần sự chung tay của toàn xã hội.
"Mỗi trẻ em sinh ra đều có quyền được yêu thương, được học tập và phát triển. Trẻ tự kỷ không nằm ngoài điều đó. Các em không phải là gánh nặng, mà chính là một phần của xã hội chúng ta, những con người có tiềm năng, có khả năng đóng góp nếu được trao cơ hội phù hợp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều trẻ tự kỷ và gia đình vẫn gặp phải vô vàn khó khăn, từ nhận thức xã hội, giáo dục đặc biệt đến các chính sách hỗ trợ", Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nêu thực trạng.
Chính vì vậy, buổi tọa đàm không chỉ là dịp để cùng nhau chia sẻ những thách thức mà trẻ tự kỷ và gia đình các em đang đối mặt, mà còn là cơ hội để lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý, tổ chức xã hội nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực.
Buổi tọa đàm không chỉ là dịp để cùng nhau chia sẻ những thách thức mà trẻ tự kỷ và gia đình các em đang đối mặt, mà còn là cơ hội để lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý, tổ chức xã hội nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực.
Đồng chí Phan Văn Hùng, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân
Cũng theo đồng chí, với vai trò là cơ quan báo chí hàng đầu của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Báo Nhân Dân luôn tích cực, chủ động hoàn thành tốt, toàn diện công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương và những quan điểm định hướng lớn của Đảng, Nhà nước ta. Báo cũng luôn chú trọng đề cao trách nhiệm xã hội, nỗ lực truyền tải thông tin chính xác, nhân văn tới bạn đọc, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về những vấn đề thiết yếu trong đời sống, trong đó có trẻ tự kỷ.

Các em biểu diễn trước khi bắt đầu tọa đàm "Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?". Ảnh: THẾ DƯƠNG
"Truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thay đổi nhận thức xã hội. Khi hiểu đúng về tự kỷ, chúng ta sẽ có cách ứng xử đúng đắn hơn, từ đó tạo ra một môi trường bao dung, hỗ trợ để trẻ tự kỷ có cơ hội phát triển và hòa nhập. Báo Nhân Dân đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và cộng đồng để lan tỏa thông điệp nhân văn, góp phần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn, để không ai bị bỏ lại phía sau", đồng chí nhấn mạnh.
Mời độc giả theo dõi cuộc tọa đàm TẠI ĐÂY
Nội dung Tọa đàm trực tuyến
Cần mở rộng chính sách dành cho trẻ tự kỷ và cung cấp dịch vụ giảm gánh nặng cho cha mẹ:
Nhà báo Hữu Việt:
Nhiều năm làm công tác quản lý, tư vấn chính sách trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, xin ông Đặng Hoa Nam cho biết đánh giá về thực trạng trẻ tự kỷ tại Việt Nam và những chính sách của Nhà nước dành cho đối tượng này, đặc biệt là trẻ tự kỷ lớn tuổi?
07:27 10/12/1969

Ông Đặng Hoa Nam:
Mới cách đây 1 ngày, tôi có hỗ trợ cho 1 gia đình có một cháu bé bị tăng động, phải chuyển trường học, vì trường chuyển đến địa điểm mới, mà trường đó không có chức năng giáo dục đặc biệt. Cháu đã được gia đình kiên trì cho học đặc biệt từ năm lớp 1, nhưng bây giờ không thể tiếp tục học theo cách thức như vậy được nữa. Gia đình nhờ tôi hỗ trợ tìm giúp một trung tâm giáo dục, để vừa tiếp tục có sự rèn luyện hòa nhập và có hướng nghiệp. Rất may là bây giờ ở Hà Nội không quá hiếm những nơi giáo dục như thế, và chúng tôi đã tìm được cho gia đình một nơi phù hợp. Ngay sau khi khảo sát, gia đình đã chấp nhận và cháu sẽ bắt đầu theo học vào thứ hai tuần tới.

Ông Đặng Hoa Nam phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: SƠN TÙNG
Điều này đặt ra vấn đề là những chính sách cho trẻ khuyết tật nói chung còn thiếu. Tôi đã từng tham gia rất nhiều hội thảo, diễn đàn dành cho cha mẹ có con bị tự kỷ, và thấy rằng phải nói lời cảm ơn và đánh giá cao tất cả những người làm công tác giáo dục, phục hồi cho trẻ em khuyết tật, đặc biệt là trẻ tự kỷ. Cũng như phải đánh giá cao những người làm cha mẹ, nếu không kiên trì, yêu thương và có một chút tự hào về con thì rất khó vượt qua được những khó khăn kéo dài như vậy.
Chúng tôi luôn coi rằng trẻ em tự kỷ là dạng đặc biệt của đặc biệt.
Các chuyên gia và nhà khoa học có thể hiểu rõ điều này.
Về góc độ chính sách, chúng ta có nhiều cải thiện, thậm chí có so sánh với các quốc gia khác. Phải nói rằng, chính sách của chúng ta, đặc biệt là về an sinh xã hội vẫn gắn với các đối tượng yếu thế, chủ yếu với các hộ nghèo, cận nghèo, vẫn gắn với các khu vực khó khăn về kinh tế xã hội, kém phát triển, vẫn gắn với đồng bào dân tộc thiểu số. Các trợ giúp xã hội chủ yếu vẫn giúp ở ngưỡng thấp để họ có mức sống không quá khó khăn.
Đến lúc chúng ta cần phải phân định rõ trợ giúp xã hội và trợ cấp xã hội, điều này trong chính sách chưa quy định rõ.
Mặt bằng chính sách chung của Việt Nam về an sinh xã hội cho các đối tượng khó khăn và yếu thế, trong đó có trẻ khuyết tật chủ yếu vẫn là trợ giúp. Còn nếu trợ cấp xã hội thì phải bảo đảm cho họ có mức sống ít nhất phải ở mức trung bình.
Mỗi năm, đến Ngày Trẻ tự kỷ, chúng tôi vẫn nhận được những câu hỏi giống như hôm nay, là chính sách nào cho tương lai của trẻ tự kỷ. Chính sách ở Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn gắn với các đối tượng nghèo, chính sách xã hội.
Một số địa phương đã làm được điều này. Nghị định 76 năm 2024 sửa đổi và bổ sung một số điều của nghị định 20 về chính sách xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Một số địa phương đã nâng mức trợ giúp và trợ cấp đối với trẻ em…
Tôi hy vọng rằng với tác động từ tọa đàm hôm nay, các đối tượng trẻ em với khuyết tật ở phổ tự kỷ có thể được mở rộng trợ cấp, trợ giúp ở mức bao quát hơn. Với những chính sách mới của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị như vừa rồi trong lĩnh vực an sinh xã hội, như miễn giảm học phí…, chúng ta có thể mở rộng chính sách đối với các đối tượng,
Chúng tôi muốn chuyển thông điệp đến các bậc cha mẹ, là hãy yên tâm vào chính sách vào đường lối, vào sự ưu tiên trong các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam.

Ảnh: THẾ DƯƠNG
Các cháu tự kỷ khó khăn ngay từ các khâu đầu tiên, ở mức xác định phổ tự kỷ. Việc xác định mức độ khuyết tật cho trẻ là khó khăn, và đây không chi là khó khăn ở Việt Nam. Chúng ta có thông tư, nghị định, quy định chi tiết cho Luật người khuyết tật, nhưng lại chưa có các quy định về mức độ, dạng khuyết tật cho trẻ, đó là khó khăn.
Có những “chuyên gia”, khi cha mẹ đưa con đến kiểm tra chỉ đánh giá bằng một số trắc nghiệm trong 1, 2 tiếng đồng hồ đã kết luận ngay. Đánh giá các mức độ khuyết tật cho trẻ tự kỷ hầu như không thể đơn giản như vậy. Các hội đồng y khoa cấp xã, phường hầu như không thể đánh giá được đối với trẻ tự kỷ. Cha mẹ muốn làm chính sách cho con lại phải nâng cấp lên cấp tỉnh, thành phố. Điều đầu tiên chúng ta cần cải thiện về chính sách là khâu giám định. Có giám định được mới xác định được chính sách.
Tôi cũng đã dự một số cuộc hội thảo, các bậc cha mẹ rất lo lắng về việc con bước và phổ tự kỷ và phải làm gì cho các cháu, ứng xử như thế nào, có quyền gì cho các cháu.
Các bậc cha mẹ mong chờ rất nhiều ở các chuyên gia. Vì thế, chúng ta làm sao cần mở rộng ở các dịch vụ, không chỉ mang tính chất trị liệu, kỹ năng, mà cả hướng nghiệp.

Ông Đặng Hoa Nam chia sẻ. Ảnh: SƠN TÙNG
Người khuyết tật có một số khả năng đặc biệt mà người bình thường không có được. Vấn đề là chính sách của chúng ta như thế nào để khuyến khích trẻ phát triển các khả năng đặc biệt ấy để sau này các cháu tự lo được cuộc sống, có nghề nghiệp ổn định.
Cần phải có những trung tâm dịch vụ riêng cho trẻ tự kỷ, vừa chăm sóc, trị liệu, hướng nghiệp cho các con, và quan trọng hơn là giảm bớt gánh nặng cho các cha mẹ. Dịch vụ chăm sóc ban ngày mới triển khai ở Đà Nẵng. Cần có thêm những dịch vụ như thế này ở nhiều nơi.
11:28 28/03/2025
Công tác hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ tại Việt Nam:
Nhà báo Hữu Việt:
Thưa ThS. Phan Thị Lan Hương, theo bà, hiện nay, việc hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ tại Việt Nam đang gặp những khó khăn và thách thức gì? Trung tâm của bà đang áp dụng những mô hình đào tạo nghề nào cho trẻ tự kỷ?
05:40 25/12/1969

ThS. Phan Thị Lan Hương :

Bà Phan Thị Lan Hương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em. Ảnh: SƠN TÙNG
Dự án hướng nghiệp dành cho trẻ tự kỷ là một trong những dự án trọng điểm Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em. Các dự án này ra đời từ năm 2019. Thực tế, việc hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ tại Việt Nam đang gặp những khó khăn và thách thức.
Cụ thể, thứ nhất, các trẻ tự kỷ khi đến với Trung tâm không chỉ mang trong mình những vấn đề riêng mà còn phải chịu rất nhiều tổn thương do các bạn không tự kỷ mang đến. Bên cạnh đó, bản thân gia đình các em cũng phải chịu đựng sự đau khổ, mệt mỏi, nỗi lo lắng khi liên tục chịu sự quấy nhiễu về mặt tinh thần.
Những vết thương từ môi trường bên ngoài ấy khiến cho các giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, chúng tôi không chỉ dạy nghề, hướng nghiệp mà còn phải tham vấn, trị liệu tâm lý cho các em cũng như gia đình các em nữa.
Thứ hai, nhiều bạn đến Trung tâm khi đang ở lứa tuổi tiền dậy thì/dậy thì; do đó phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến sức khỏe sinh sản. Chúng tôi cũng đặc biệt phải chú ý và dạy rất kỹ về lĩnh vực này. Sau một thời gian được học đi học lại, thực tế các bạn sẽ ổn hơn.
Thứ ba, liên quan đến việc hướng nghiệp, chúng tôi phải tính toán rất chi tiết và khoa học, dựa vào khả năng nhận thức của từng cá nhân.
Tại Trung tâm chúng tôi, sau nhiều năm nghiên cứu và áp dụng thực tế, hiện nay, hoạt động hướng nghiệp và đào tạo nghề chính là nghề thủ công. Đây cũng là lĩnh vực các em làm tốt nhất. Tuy nhiên, tùy vào mức độ nhận thức, chúng tôi sẽ có phương pháp, giáo trình và các công việc khác nhau.
Để hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ, theo tôi không chỉ cần đơn giản tình yêu thương mà còn cần cả sự tận tâm, tư duy và phương pháp khoa học.
15:20 28/03/2025
Thực trạng chăm sóc trẻ tự kỷ của nước ta và kinh nghiệm của các nước phát triển:
Nhà báo Hữu Việt:
Xin hỏi Tiến sĩ Đinh Nguyễn Trang Thu, TS có thời gian học tập và nghiên cứu 4 năm tại Nhật Bản, chuyên ngành về Giáo dục học, Giáo dục đặc biệt và Giáo dục tiểu học. Các hoạt động chuyên môn sâu mà TS đang nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến Giáo dục hòa nhập ở các cấp phồ thông, chẩn đoán và đánh giá trẻ rối loạn phát triển (với các thang công cụ của Nhật Bản như Thang kiểm tra tâm lý Kyoto, Bảng kiểm phát triển trẻ em Việt Nam), tập trung vào các nhóm trẻ rối loạn phát triển như rối loạn phổ tự kỉ, khuyết tật trí tuệ, rối loạn học tập. Xin TS cho biết thực trạng và kinh nghiệm của các nước phát triển về việc chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ? Xin TS Trang Thu trả lời TS chia sẻ về thực trạng chăm sóc trẻ tự kỷ của nước ta và kinh nghiệm của các nước phát triển?
06:23 25/12/1969

Tiến sĩ Đinh Nguyễn Trang Thu:
Trong Công ước quốc tế của người khuyết tật có tinh thần rõ ràng là khi bàn về vấn đề gì thì đối tượng được nói đến phải được tham gia. Hôm nay tôi rất xúc động khi buổi tọa đàm có sự tham gia của các em cũng như tất cả các thầy cô, anh chị làm chuyên môn và thực tiễn.
Một trong những biểu tượng khi nói đến trẻ tự kỷ là những mảnh ghép sắc màu. Mỗi em đều có năng lực riêng, nếu giúp phát huy được năng lực riêng đó, thì các em sẽ trở thành người có ích, sẽ ghép nên bức tranh đẹp nhất.

Tiến sĩ Đinh Nguyễn Trang Thu, Giảng viên chính, Phó trưởng Khoa, Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: SƠN TÙNG
Tôi đến từ Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Đến năm 2026, khoa được 25 năm. Quá trình làm việc, với tinh thần là đơn vị đại học, chúng tôi làm mạnh 2 nội dung về đào tạo và nghiên cứu giáo dục đặc biệt.
Cá nhân tôi về Khoa từ năm 2003 và có cơ hội đào tạo chuyên môn về giáo dục đặc biệt.
Tại sao bây giờ tự kỷ lại nhiều như vậy? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần biết rằng trong tự kỷ có nhiều loại khác nhau. Khi hiểu rõ hơn về tự kỷ, chúng ta sẽ không hoang mang. Chắc chắn trước đây cũng có nhiều dạng tự kỷ khác nhau, nhưng khi gọi tên được các phổ tự kỷ là do có sự ra đời của các phương pháp tiếp cận, giáo dục trẻ.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: SƠN TÙNG
Một trong những vấn đề khó khăn hiện nay khiến chúng tôi trăn trở là làm thế nào để xác định đúng phổ tự kỷ, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp cho trẻ và và gia đình các em.
Về mặt kinh nghiệm, chúng tôi có cơ hội sang Israel, Hàn Quốc, được nghe chia sẻ từ các chuyên gia Mỹ, Anh, ... và thấy rằng liên quan đến trẻ tự kỷ thì nước nào cũng như nhau, tuy nhiên cách giải quyết là khác nhau phụ thuộc vào cơ chế, văn hóa, chính sách,..
Chúng tôi cũng quan tâm đến chất lượng chăm sóc trẻ tự kỷ. Việc nhận các em vào chăm sóc phải có cả tình thương, kiến thức, phương pháp. Chúng ta cần nghiên cứu, học hỏi từ nước ngoài.
Hiện nay chúng tôi đánh giá Việt Nam đang làm rất tốt việc can thiệp sớm. Chúng tôi nghiên cứu và thấy rằng ở các quốc gia có cả một hệ thống dịch vụ khác nhau, đi từ lớp nhỏ nhất đến lớp cao hơn, có hệ thống đi theo suốt cuộc đời đứa trẻ từ lúc được sinh ra. Có thể nói là một hệ thống mang tính toàn diện.
Việt Nam đang có những dấu hiệu đáng mừng, khi nhận thức cộng đồng, sự quan tâm ban ngành tốt hơn, tuy nhiên vẫn đang thiếu sự kết nối không chỉ giữa các ban ngành, mà còn giữa những người trực tiếp hỗ trợ đứa trẻ. Cần có sự quan tâm nhiều hơn, đi vào thực tế nhiều hơn. Cần quan tâm cả đứa trẻ, cha mẹ, người giám hộ và cả sức khỏe tinh thần của người chăm sóc trẻ tự kỷ.
15:23 28/03/2025
Xấp xỉ 10 nghìn lượt trẻ khám tự kỷ mỗi năm tại Bệnh viện Nhi Trung ương:
Nhà báo Hữu Việt:
Bác sĩ có thể chia sẻ về tình hình số lượng trẻ đến khám và được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ tại Bệnh viện Nhi Trung ương hiện nay? Có xu hướng gia tăng so với trước đây không? Việc chẩn đoán trẻ tự kỷ thường gặp những khó khăn gì, đặc biệt là với trẻ dưới 3 tuổi?
06:26 25/12/1969

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mai Hương :
Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị đầu ngành thực hiện hoạt động đầu tiên để xác định đứa trẻ có hay không mắc rối loạn phổ tự kỷ. Trong báo cáo cuối năm 2024, Khoa Tâm thần tiếp đón trên 45 nghìn lượt trẻ đến khám sức khỏe tâm thần nói chung, trong đó xấp xỉ 20% khám vì dấu hiệu nghi ngờ tự kỷ. Như vậy, mỗi năm xấp xỉ 10 nghìn lượt trẻ khám tự kỷ. Đây là con số rất lớn.

Bác sĩ Mai Hương - Phó Trưởng khoa Tâm thần - Bệnh viện Nhi Trung ương phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: SƠN TÙNG
Nghiên cứu lớn trên thế giới, tỷ lệ trẻ tự kỷ khoảng 1% dân số thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Năm 2018, chúng tôi có phối hợp với trường Đại học Y tế công cộng thực hiện nghiên cứu cấp quốc gia sàng lọc trẻ dưới 6 tuổi ở 7 điểm đại diện cho vùng miền ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ trẻ mắc tự kỷ khoảng 0,7%. Nếu mở rộng nghiên cứu trên 6 tuổi, chúng tôi nghĩ con số này còn cao hơn.
Trước khi trẻ tự kỷ đến trung tâm can thiệp, các trẻ cần có một đánh giá, chẩn đoán ban đầu. Trong tời gian làm nhiều năm qua, tôi ghi nhận gần đây, độ tuổi mà cha mẹ đưa con đến khám ngày càng thấp xuống, trước 2 tuổi. Cha mẹ bắt đầu có nhận thức cao hơn về tự kỷ khi những dấu hiệu chỉ mơ hồ hoặc chỉ dừng nghi ngờ đặt ra câu hỏi trẻ có nguy cơ tự kỷ hay không?
Khi trẻ đến khám ở tuổi nhỏ, trẻ có nhiều cơ hội tham gia vào hoạt động can thiệp sớm, hiệu quả can thiệp cao, chi phí can thiệp và tác động tiêu cực đến trẻ và gia đình, xã hội sẽ giảm xuống.
Chúng tôi luôn có chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức cộng đồng phát hiện sớm tự kỷ. Hiện, chúng tôi có kết hợp nhiều đơn vị đặc biệt bệnh viện tuyến tỉnh đào tạo, chuyển giao kỹ thuật để trẻ đến khám, đánh giá tại địa phương.
Thí dụ, khi một em bé từ Điện Biên về Hà Nội khám, đánh giá phải trải qua quãng đường xa xôi, tốn kém về mặt kinh tế cho gia đình. Sau khi khám xong, trở về nhà, gia đình lại không biết phải làm gì tiếp theo. Họ không thể hằng ngày cho con chạy xa 30-40km tới trung tâm hàng ngày để cho con can thiệp.
Vì thế, tôi cho rằng, chúng ta cần có chính sách, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của trẻ tự kỷ tại chính địa phương. Hiện ngành y tế đã nỗ lực có những dự án bệnh viện vệ tinh chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới, để nâng cao năng lực cho bác sĩ tại tuyến tỉnh để khám, đánh giá, chẩn đoán trẻ tại chính địa phương.
Chúng ta cần nâng cao nhận thức cộng đồng bằng những từ chuyên môn như: trẻ chậm phát triển tâm thần, tăng động giảm chú ý, tự kỷ…

Hiện nay, nguyên nhân tự kỷ chưa được các nhà khoa học xác định rõ. Ảnh: THẾ DƯƠNG
Hiện nay, nguyên nhân tự kỷ chưa được các nhà khoa học xác định rõ. Có nhiều bà mẹ đến khám đau đáu câu hỏi: “Tại sao con tôi lại bị tự kỷ?”. Các nhà khoa học hiện nghiêng về yếu tố về gene và có sự tương tác với môi trường. Các yếu tố môi trường nguy cơ như gia đình có người có sức khỏe tâm thần, có người được chẩn đoán tự kỷ, biến chứng của mẹ khi sinh, bệnh lý trẻ mắc giai đoạn đầu khi mới sinh… Đây là vấn đề không thể phòng ngừa, chỉ có cách nâng cao nhận thức toàn xã hội chăm sóc cho những người mang thai, sau sinh hạn chế có thêm tổn thương.
Hiện tại, khi mạng xã hội phát triển, các mẹ có thể ở nhà tìm thông tin “bác sĩ google” để tìm hiểu về bệnh của con mình. Nhiều gia đình làm mẹo, không tin con mình có vấn đề, đến lúc trẻ 4-5 tuổi cho đi khám thì mất đi cơ hội vàng can thiệp.
Đặc biệt, nhiều cha mẹ hiểu lầm nguyên nhân tự kỷ do vaccine, nhưng thực tế không có mối liên quan nào giữa tiêm vaccine với trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Hoặc có ý kiến cho rằng do cha mẹ thiếu vắng sự quan tâm, ít thời gian chia sẻ với con cái, bận rộn làm kinh tế…
Chúng tôi tiếp nhận nhiều gia đình đưa con đến khám nhưng chỉ có ông bà dắt cháu đi vì bố mẹ toàn đi làm xa. Khi con được kết luận tự kỷ, sẽ có nhiều suy nghĩ cho rằng vì thiếu sự quan tâm con cái của bố mẹ. Thật ra, để giải thích với ông bà đây là trẻ tự kỷ vô cùng khó. Tuy nhiên, chúng tôi luôn trao đổi với các gia đình rằng, các yếu tố về môi trường, gia đình chỉ làm nặng lên biểu hiện tự kỷ, chứ không phải nguyên nhân gây ra rối loạn phổ tự kỷ.
Chúng tôi luôn trao đổi với các gia đình rằng, các yếu tố về môi trường, gia đình chỉ làm nặng lên biểu hiện tự kỷ, chứ không phải nguyên nhân gây ra rối loạn phổ tự kỷ.
Bác sĩ Mai Hương
Hiện tự kỷ chưa có phương pháp chữa khỏi. Những trẻ được phát hiện sớm, can thiệp sớm, đúng cách, đủ thời gian, có sự phối hợp giữa cha mẹ và nhà chuyên môn thì những ảnh hưởng của tự kỷ với đời sống, chức năng của trẻ sẽ giảm xuống, giúp trẻ gia tăng chất lượng sống, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Với trẻ tự kỷ, giai đoạn can thiệp vàng là trước 4 tuổi, đặc biệt trước 3 tuổi vì giai đoạn này tốt nhất cho các nhà chuyên môn thực hiện hoạt động can thiệp thúc đẩy hoạt động phát triển não bộ. Tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của cha mẹ trong việc can thiệp cho con. Cha mẹ phải là người chủ động nắm bắt thông tin, tích lũy cho mình kiến thức, kỹ năng, hỗ trợ các nhà chuyên môn cùng đồng hành trong hành trình can thiệp cho con.
15:18 28/03/2025
Cần quan tâm đến đầu ra cho các sản phẩm do người tự kỷ sản xuất:
Nhà báo Hữu Việt:
Từ góc độ của một doanh nghiệp hỗ trợ cho trẻ tự kỷ, theo Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng Our Story Nguyễn Thị Thu, còn vấn đề gì trong việc hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ, đặc biệt là với các bạn qua giai đoạn dậy thì mà chúng ta cần lưu tâm?
06:32 25/12/1969

Bà Nguyễn Thị Thu:

Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng Our Story Nguyễn Thị Thu chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: SƠN TÙNG
Mọi người nói đã nói nhiều về vấn đề hướng nghiệp, về tương lai của trẻ tự kỷ, nhưng còn một vấn đề nữa mà chúng tôi luôn trăn trở là câu chuyện làm sao để tìm kiếm đầu ra cho những sản phẩm mà các bạn trẻ tự kỷ làm, rằng ai sẽ là người trả tiền cho các bạn ấy.
Như nhiều trung tâm khác, Trung tâm Phát triển Cộng đồng Our Story của chúng tôi cũng dạy các kỹ năng cơ bản cho trẻ tự kỷ. Chúng tôi đi từng khâu một, dần dần dạy cho từng bạn những kỹ thuật cần thiết để có thể đáp ứng yêu cầu công việc. Mong muốn mà tôi hướng tới là 80% nhân sự trong doanh nghiệp này là các bạn trẻ tự kỷ.
Tôi cho rằng, không nên xem trẻ em tự kỷ là những người thiếu khả năng hay có phần yếu kém so với nhiều người khác. Thực tế, các bạn làm rất giỏi, rất đúng quy trình và tốc độ còn nhanh hơn người bình thường.

Bên lề buổi tọa đàm, tại sảnh hội trường trưng bày các sản phẩm do trẻ tự kỷ tự làm, minh chứng thuyết phục rằng nếu được quan tâm và hướng nghiệp phù hợp, các em có thể lao động, sáng tạo, tự lo được cuộc sống và xây dựng tương lai cho chính mình. Ảnh: SƠN TÙNG
Hiện tại, những sản phẩm do các con làm ở trung tâm chúng tôi được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Và khi bán những sản phẩm này, chúng tôi không tiếp thị là do các bạn tự kỷ làm để lấy lòng thương, lòng đồng cảm. Những đơn vị nhập khẩu đều căn cứ vào chất lượng sản phẩm. Và khi mua xong, thấy tờ giấy cảm ơn được đính kèm trong đó, lúc ấy, họ mới biết là sản phẩm do những bạn trẻ tự kỷ làm.
Tôi hy vọng các doanh nghiệp có thể chung tay, chấp nhận người tự kỷ tham gia vào các khâu sản xuất trong doanh nghiệp của mình. Tôi cũng rất tự hào khi giờ đây, có 2 bạn trẻ bên tôi đã hòa nhập được với cộng đồng. Một bạn trong đó hiện đang làm công nhân tại một công ty may ở địa phương, tuy chỉ đảm nhận công việc nhỏ nhưng bạn ấy đã và đang làm rất tốt.
16:41 28/03/2025
Việc phát hiện sớm, can thiệp và hỗ trợ y tế cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ:
Nhà báo Hữu Việt:
Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế là cơ quan chức năng có vai trò quan trọng trong tư vấn và xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, trong đó có trẻ tự kỷ. Xin TS chia sẻ về những định hướng, giải pháp của ngành y tế trong việc phát hiện sớm, can thiệp và hỗ trợ y tế cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, cũng như những chính sách đang và sẽ được triển khai để giúp các em có cơ hội phát triển tốt nhất?
06:33 25/12/1969

Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Hồng:

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng chia sẻ ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: SƠN TÙNG
Trong thời gian vừa qua, cùng đơn vị liên quan, Cục Bà mẹ và Trẻ em đã tham mưu với Chính phủ để ban hành nhiều văn bản dành cho trẻ em khuyết tật, trong đó có trẻ em tự kỷ. Đầu tiên, có thể kể đến Luật người khuyết tật quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật, cũng như các chính sách về giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí cũng như bảo trợ xã hội.
Tiếp theo, trong Luật trẻ em, có quy định trẻ em khuyết tật là một trong 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cùng với đó là các nghị định hướng dẫn, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trẻ em khuyết tật và trẻ em tự kỷ.
Về lưu ý trong việc hỗ trợ trẻ tự kỷ, thứ nhất, cần bảo đảm đời sống riêng tư cho trẻ em khi mà nhiều trẻ em tự kỷ bị lộ hình ảnh trên mạng xã hội. Thứ hai, cần phòng, chống xâm hại trong quá trình can thiệp trị liệu, đặc biệt là đối với các bạn gái. Thứ ba, tránh để trẻ tự kỷ bị lợi dụng hình ảnh, tham gia các hoạt động trái pháp luật, hoạt động khiêu dâm…
Để quan tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ hơn nữa, ngành y tế cần tiếp tục hoàn thiện và tham mưu pháp luật chính sách về trẻ em khuyết tật, trong đó có trẻ tự kỷ. Nâng cao hoạt động truyền thông, nhận thức xã hội, đặc biệt đối với cha mẹ trong việc phát hiện và can thiệp sớm. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng cho cha mẹ và đội ngũ cán bộ y tế. Hỗ trợ chuẩn đoán và can thiệp trẻ em tự kỷ, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Về hướng nghiệp đối với trẻ em tự kỷ, hiện rất khó khăn trong xây dựng mô hình hiệu quả để nhân rộng. Ngoài ra, nhiều gia đình với kinh tế khó khăn cũng không có nhiều lựa chọn để hỗ trợ con em.
Trong năm 2025, Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế mong muốn nhận được góp ý từ các chuyên gia, phụ huynh để tổng kết, đề xuất thực hiện các chính sách, đề án trong thời gian tới để hỗ trợ tốt hơn đối với trẻ em tự kỷ.
15:33 28/03/2025
Nhiều khó khăn và nhạy cảm trong quá trình hỗ trợ cho trẻ tự kỷ:
Nhà báo Hữu Việt:
Là một đơn vị thành lập cơ sở “tại gia”, lại tổ chức trung tâm dạy trẻ ở nông thôn, xin ông chia sẻ về những chia sẻ của ông, đề xuất, kiến nghị, hỗ trợ.
06:47 25/12/1969

Ông Vũ Văn Chức :

Ông Vũ Văn Chức - người sáng lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển hòa nhập Hoa Xuyến Chi, tỉnh Bắc Giang.
“Khi tôi sống thì tôi chưa nghĩ đến con tôi sẽ như thế nào nhưng khi tôi mất đi thì con tôi sẽ sống với ai?”, câu nói này là lý do khiến cho tôi chọn hướng đi được đánh giá là khó khăn nhất khi chăm sóc các cháu.
Chúng tôi tổ chức theo hướng tập trung, nội trú cho các cháu lớn, nặng và giai đoạn dậy thì. Vì lựa chọn này nên có nhiều khó khăn về pháp lý, dư luận xung quanh. Ví dụ một số trường hợp các các cháu gia đình đưa đến mà phải xích, nhiều người giữ mới có thể đưa vào được trung tâm. Hay các cháu khi lớn, giai đoạn dậy thì rất nhạy cảm, hạn chế từ hiểu biết về giới tính, độ tuổi phát triển nên nhiều khi thầy, cô không giúp được.
Khi mới thực hiện cũng có nhiều suy nghĩ, lời nói chung quanh, tuy nhiên qua quá trình thực hiện cũng đã được mọi người thấu hiểu, thông cảm và ủng hộ. Nhiều người còn quan tâm, mang đồ ăn, thức uống tới hỗ trợ.
Bên cạnh đó, để triển khai mô hình này, tôi hoàn toàn sử dụng cơ sở vật chất từ gia đình. Chính vì thế nên nhiều khó khăn cũng nảy sinh trong quá trình hoạt động, đặc biệt là vấn đề tài chính nảy sinh khi tôi tổ chức hình thức này.

Mong muốn của tôi là được xây dựng và phát triển trung tâm theo hướng hòa nhập - hướng nghiệp. Trong mô hình này, bên cạnh việc hướng dẫn của thầy, cô thì một phần quan trọng là để các bạn giúp đỡ nhau. Đây cũng là điều giúp đỡ rất nhiều khi các bạn có sự thấu hiểu để giúp đỡ lẫn nhau.
Xa hơn, chúng tôi hướng đến sau 5 năm, trên 80% các em khai phá khả năng và xa hơn là giúp cho các em có thể tự sống được bằng khả năng của mình. Với các bạn nhỏ là được miễn giảm học phí và trợ cấp có lương, với những bạn lớn hơn, khi tham gia lao động sẽ có những công việc phù hợp và thu nhập.
Tham gia chương trình ngày hôm nay, tôi thấy rất cảm ơn. Lý do là bởi mặc dù chưa được hỗ trợ trong quá trình triển khai, tuy nhiên, từ đây có thế thấy được sự quan tâm của xã hội, cơ quan, đoàn thể và các cơ quan báo chí.
Với cá nhân tôi, mong muốn sẽ được hỗ trợ về quỹ đất. Cùng với đó sẽ được liên kết tổ chức các chương trình hướng nghiệp, có quỹ hướng nghiệp để có thể giúp đỡ các em trong tương lai.
16:24 28/03/2025
Trẻ tự kỷ cần học tập để chung sống và khẳng định mình:
Nhà báo Hữu Việt:
Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư 03/2018 quy định về giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số trẻ tự kỷ có thể học hòa nhập trong các cơ sở giáo dục công lập, đặc biệt là các trường cấp 2, cấp 3, còn rất ít. Xin ông cho biết, có những khó khăn nào khiến trẻ tự kỷ khó tiếp cận giáo dục hòa nhập?
06:57 25/12/1969

Ông Tạ Ngọc Trí :

Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: SƠN TÙNG
Trước hết, chúng ta cần phải xác định rất rõ: Trẻ em rối loạn phổ tự kỷ là trẻ em khuyết tật. Đây là vấn đề liên quan chặt chẽ tới chính sách dành cho các em. Tuy nhiên, việc xác định này cần có sự vào cuộc của các cơ quan y tế có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, chúng ta cần tuyên truyền nhận thức trong xã hội rằng: Trẻ rối loạn phổ tự kỷ hoàn toàn có thể làm được những điều như trẻ bình thường; thậm chí còn có thể làm được nhiều hơn thế. Thực tế, rất nhiều người nổi tiếng cũng thuộc diện rối loạn phổ tự kỷ. Hay như gần đây có trường hợp một bạn đã có 2 lần tham gia vào đội tuyển Việt Nam thi Toán quốc tế. Đây là những câu chuyện mà chúng ta rất nên truyền thông rộng rãi để thay đổi nhận thức xã hội.
Vậy việc giáo dục hòa nhập thực tế ra sao?
Trong Luật quy định rất rõ 3 phương thức đào tạo dành cho trẻ khuyết tật nói chung, trẻ em rối loạn phổ tự kỷ nói riêng, bao gồm: Giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục hòa nhập; trong đó, trước đây, phương thức giáo dục hòa nhập vẫn được quan tâm nhất.
Theo tôi, hiện nay, chúng ta cần phải quan tâm tới việc phân loại các em vào từng phương thức phù hợp nhất. Gần đây, chúng tôi đã tham mưu để có thể thành lập các trường, lớp riêng dành cho từng nhóm đối tượng.
Thứ hai, ngày 25/2/2025 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên nghiệp đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, xác định rõ ràng một hệ thống nhà trường song song với hệ thống đang có, thực hiện nhiệm vụ giáo dục chuyên nghiệp và bán hòa nhập cho trẻ khuyết tật ở dạng nặng; đồng thời hỗ trợ cho các em diện nhẹ hơn học ở các trường hòa nhập.

Ảnh: SƠN TÙNG
Đây là nền tảng pháp lý cực kỳ quan trọng khi tới đây, mỗi tỉnh sẽ có ít nhất 1 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục công lập dành cho người khuyết tật. Đồng thời, Quyết định số 403/QĐ-TTg cũng khuyến khích các địa phương, các cơ sở tư thục tham gia vào lĩnh vực đặc biệt này. Cụ thể, các cơ sở tư thục chỉ cần đáp ứng yêu cầu về chất lượng sẽ được phép hoạt động dưới sự quản lý chuyên môn của các Sở Giáo dục và Đào tạo.
Theo tôi, việc giáo dục cho trẻ em phổ tự kỷ nhằm hướng tới mục tiêu giúp các em có thể chung sống và khẳng định được mình. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tư duy để tham mưu, bổ sung nội dung học nghề vào chương trình đào tạo để các em có thể tự kiếm sống được trong tương lai.
15:50 28/03/2025
Hướng nghiệp cần giúp trẻ tự kỷ có thể sống được trong tương lai:
Nhà báo Hữu Việt:
Thưa bà, từ thực tế hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ, theo bà trẻ tự kỷ có thể học nghề và làm nghề tự lo cho cuộc sống tương lại của mình sau này không?
07:22 25/12/1969

ThS. Phan Thị Lan Hương :

Thạc sĩ Phan Thị Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em, Giám đốc dự án hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ. Ảnh: SƠN TÙNG
Thực tế, việc hướng nghiệp cho trẻ em tự kỷ phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của chính các phụ huynh. Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa định lượng được con mình đang ở đâu. Họ áp đặt cho con em mình, thí dụ, phải học hết chương trình cấp 3. Trong khi, điều quan trọng là họ phải biết con em mình có hòa nhập được không? Theo tôi, việc hướng nghiệp cho các bạn ở giai đoạn nào sẽ vô cùng quan trọng.
Thứ hai, đã hướng nghiệp thì phải xác định rõ: Phải có nghề để các con có thể làm được trong tương lai và sống được bằng chính nghề đó. Trung tâm chúng tôi sẽ đào tạo nghề cho các con từ A-Z, thay vì đào tạo theo công đoạn cụ thể. Chúng tôi cho rằng, nếu đào tạo theo công đoạn, khi rời khỏi công đoạn, các con sẽ không thể làm được gì hết. Giá trị lớn nhất của hướng nghiệp và đào tạo là phải giúp các em đứng vững được bằng nghề.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đào tạo các con từ những kỹ năng nhỏ nhất như cách tham gia phương tiện giao thông, cách đi chợ, nấu ăn... Bởi, chúng tôi không muốn sau khi quay trở lại cuộc sống, các em lại trở thành một gánh nặng cho gia đình.
16:16 28/03/2025
Cần có nhà sinh hoạt cộng đồng, bệnh viện dưỡng lão dành cho người tự kỷ trưởng thành:
Nhà báo Hữu Việt:
Xin mời bà Phạm Lan đưa ra những kiến nghị và đề xuất từ góc độ của một trung tâm tư vấn tâm lý, trị liệu chuyên sâu cho người tự kỷ.
07:37 25/12/1969

Bà Phạm Lan:

Bà Phạm Lan – Giám đốc Trung tâm Giáo dục An Nguyên
Tôi rất thích chủ đề tọa đàm hôm nay: “Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?”. Đây là một đề tài hướng đến tương lai và đây cũng là câu hỏi cho chính bản thân chúng ta.
Tôi cũng muốn hỏi mọi người: Bản thân chúng ta ngồi đây có thật sự đang chấp nhận tất cả vấn đề tồn tại đặc thù điển hình của người rối loạn phổ tự kỷ không. Chúng ta nói nhiều về hỗ trợ, can thiệp sớm,… nhưng chúng ta có chấp nhận thực tế có những người không hoàn thiện về hành vi, ngôn ngữ hạn chế như trẻ rối loạn phổ tự kỷ sống bên cạnh chúng ta hay không.
Là người làm thực tế, làm chuyên môn, trải nghiệm, nghiên cứu khoa học, tôi thấy, hiện chúng ta nói đến người khuyết tật là người yếu thế trong xã hội nhưng chỉ chú trọng tới những người khuyết tật vận động, chưa đề cập cụ thể tới những người tự kỷ.
Nhiều bạn chưa được người lớn, bố mẹ dạy sâu các kỹ năng cụ thể, nhất là khi các bạn đang bước vào tuổi dậy thì. Nếu các bạn dậy thì muốn lập gia đình, thì nguy cơ đứa con sinh ra sẽ mắc tự kỷ cao hơn 50%.
Có những bạn có năng lực nổi trội hơn về âm nhạc, vẽ, năng khiếu… nhưng số lượng này rất ít trong khi rối loạn phổ tự kỷ chỉ số IQ chỉ ở trung bình. Trong khi số lượng người tự kỷ trưởng thành rất lớn, làm thế nào để các bạn có thể tự nuôi sống mình sau này là điều mà chúng tôi rất đau đáu. Khi bố mẹ già đi, nhà nước liệu có hỗ trợ không?
Vì thế, tôi có một vài đề xuất:
Một là, cần có kinh phí hỗ trợ cho trẻ tự kỷ, người hỗ trợ chăm sóc trẻ tự kỷ để giảm bớt gánh nặng chi phí trong học tập, sinh sống, học nghề.
Hai là, tôi cũng mong các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng những người có rối loạn phổ tự kỷ. Và khi đó, Nhà nước có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp hỗ trợ trẻ tự kỷ như giảm thuế vào doanh thu. Tôi mong chúng ta có thêm nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực can thiệp trẻ tự kỷ được thành lập theo hình thức xã hội hóa.
Ba là, tôi mong chúng ta sẽ có các nhà sinh hoạt cộng đồng, bệnh viện dưỡng lão dành cho người tự kỷ trưởng thành.
Bốn là, để trẻ có kỹ năng về giao tiếp, tự phục vụ, tương tác, giao tiếp xã hội, Nhà nước cần xây dựng các trung tâm chuyên biệt, giáo dục hòa nhập sát với người trưởng thành.

Các sản phẩm handmade của trẻ tự kỷ. Ảnh: SƠN TÙNG
Tôi mong tới đây, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội có chương trình cụ thể về tạo dựng nghề dành riêng cho người tự kỷ; hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Tôi cũng mong sẽ có những chương trình đào tạo kiến thức cơ bản được Nhà nước đứng ra tổ chức, để nâng cao nhận thức của xã hội về người tự kỷ.
Đặc biệt, Nhà nước cũng cần có chính sách liên quan đến hỗ trợ kinh phí khám chữa bệnh cho người khuyết tật.
Để giúp cho trẻ tự kỷ trong tương lai, phải cả xã hội cùng chung tay mới có giải pháp. Muốn vậy, phải nâng cao nhận thức cho cả xã hội biết về rối loạn phổ tự kỷ.
Chúng tôi cũng mong các cơ quan truyền thông viết bài thực tế về người tự kỷ để cả cộng đồng cùng chung tay giúp cho các em.
16:33 28/03/2025

Các bức tranh của em Tạ Đức Bảo Nam mắc chứng bệnh rối loạn phát triển tự kỷ phổ cập từ lúc 17 tháng được trưng bày bên lề buổi tọa đàm.
Cần cộng đồng bền vững cho trẻ tự kỷ
Tại tọa đàm, các phụ huynh có con mắc tự kỷ cũng chia sẻ một số ý kiến.
Một phụ huynh xin giấu tên cho biết: Ngày qua ngày, từ 6 giờ sáng đến 2 giờ đêm, anh cùng 6 thành viên trong gia đình đã trải qua quãng thời gian dài chăm sóc cho con.
"Tôi đề xuất các nhà quản lý và phụ huynh hãy tạo ra những cộng đồng dành cho trẻ tự kỷ không thể hòa nhập với cộng đồng. Chẳng hạn, những bạn tự kỷ có khả năng giao tiếp, sinh hoạt hơn sẽ hỗ trợ các bạn kém hơn. Và những cộng đồng này cần được phát triển bền vững để khi người thân của các trẻ tự kỷ qua đời, các em vẫn sẽ được sống, được hòa nhập", phụ huynh này nêu ý kiến.
Kết luận buổi tọa đàm, Nhà báo Phan Thanh Phong, Trưởng Ban Chuyên đề, Báo Nhân Dân nhận xét, sau 3 tiếng trao đổi, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến đóng góp chất lượng, sát thực tiễn. Thời gian vừa qua, Báo Nhân Dân cũng đã có nhiều tuyến bài giúp nâng cao nhận thức về vấn đề trẻ tự kỷ.
Theo nhà báo Phan Thanh Phong, đây là buổi tọa đàm đầu tiên mà Ban Chuyên đề, Báo Nhân Dân mời đại diện các cơ quan chức năng, chuyên gia, đại diện các trung tâm, đại diện các gia đình có con em trong nhóm trẻ tự kỷ. Các khách mời của buổi tọa đàm đã cùng chia sẻ những câu chuyện về thực trạng chăm sóc trẻ tự kỷ và đề xuất các giải pháp để giúp đỡ các em trong tương lai.
Nhà báo Phan Thanh Phong chia sẻ: "Tại buổi tọa đàm hôm nay, chúng tôi hết sức đồng cảm với gánh nặng của các gia đình có con tự kỷ. Tất cả nội dung buổi tọa đàm hôm nay sẽ được Báo Nhân Dân lan tỏa ý kiến tới độc giả, góp một tiếng nói để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về trẻ tự kỷ, để cộng đồng cùng chung tay tìm ra giải pháp, hỗ trợ giúp đỡ tích cực tới các em trong tương lai".

Các khách mời của buổi tọa đàm và các em chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: SƠN TÙNG