Cả nước hiện có trên 16% dân số là người cao tuổi

Cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Châu Á, thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già chỉ từ 17 - 20 năm, ngắn hơn so với nhiều nước khác…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết khi phản hồi cử tri liên quan đến chính sách cho người cao tuổi. Theo đó, cử tri tỉnh Bạc Liêu kiến nghị tăng cường các chính sách hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; giám sát việc thực hiện chính sách này tại cơ sở.

VIỆT NAM THUỘC NHÓM NƯỚC CÓ TỐC ĐỘ GIÀ HÓA DÂN SỐ NHANH NHẤT CHÂU Á

Phản hồi cử tri, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết năm 2009, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Người cao tuổi. Sau gần 15 năm thực hiện, Luật Người cao tuổi đã thu được những kết quả nhất định. Hoạt động bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi được lồng ghép trong nhiều chương trình, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.

Người cao tuổi đã được tạo điều kiện để tích cực tham gia vào các phong trào xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, thể dục, thể thao tại địa bàn, khu dân cư.

Hàng năm, ngân sách nhà nước bố trí khoảng 28 nghìn tỷ đồng để chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người cao tuổi.

Đến nay, 95% người cao tuổi đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hơn 1,87 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hơn 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, hơn 2,7 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, hơn 6.300 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được thành lập và hoạt động, góp phần tích cực chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Việc huy động nguồn lực xã hội để chăm lo cho người cao tuổi cũng được thực hiện hiệu quả…

Theo Dữ liệu dân cư quốc gia, cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Châu Á, thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già là 17 - 20 năm, ngắn hơn so với nhiều nước khác.

Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ, gần đây nhất, ngày 21/2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 383/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia người cao tuổi đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách về người cao tuổi theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội.

Đồng thời, không ngừng chăm lo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi; tạo điều kiện cho người cao tuổi, nhất là người cao tuổi nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, trợ giúp xã hội.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của xã hội trong việc cung cấp dịch vụ, nhằm phát huy, bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi, và ứng phó với vấn đề già hóa dân số.

“Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi tại cơ sở để đánh giá tình hình, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đối với người cao tuổi”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.

MỞ RỘNG THÊM ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG TRỢ CẤP XÃ HỘI

Cũng liên quan đến chính sách trợ cấp xã hội cho các nhóm đối tượng, Bộ Y tế cho biết thời gian gần đây, Bộ nhận được kiến nghị của cử tri nhiều địa phương đề nghị mở rộng đối tượng và giảm độ tuổi hưởng chính sách trợ cấp.

Người cao tuổi tại Hà Nội nhận chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội. Ảnh: Thu Hiền.

Người cao tuổi tại Hà Nội nhận chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội. Ảnh: Thu Hiền.

Cụ thể, cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, theo hướng bổ sung thêm nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng vào là phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiếu số.

Về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20 về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong trường hợp điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định bổ sung các đối tượng khó khăn khác chưa được quy định tại Nghị định này để hưởng chính sách trợ giúp xã hội.

Do đó, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xem xét, quyết định việc đưa nhóm đối tượng “phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số” vào diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng trên địa bàn tỉnh.

Còn cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo hướng giảm xuống 5 tuổi.

Với nội dung này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan dẫn thông tin tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội.

Theo đó, Luật đã quy định công dân Việt Nam có đủ các điều kiện sau được xem xét hưởng trợ cấp hưu trí xã hội: Từ đủ 75 tuổi trở lên hoặc từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ; có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ. Như vậy, kiến nghị của cử tri đã được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ca-nuoc-hien-co-tren-16-dan-so-la-nguoi-cao-tuoi.htm
Zalo