Tọa đàm khoa học về công trình dịch thuật, nghiên cứu liên ngành tác phẩm 'Thượng kinh ký sự'

Sáng 18.12, tại Học viện Khoa học xã hội, sàn Văn hóa học và đọc Việt Nam (hocdoc.vn) đã tổ chức Tọa đàm khoa học tập trung nghiên cứu, bình luận, trao đổi về nội dung sách Thượng Kinh ký sự (PGS - TS Nguyễn Hữu Sơn - Nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn sưu tầm, biên soạn giới thiệu).

 PGS - TS Nguyễn Hữu Sơn chủ trì tọa đàm

PGS - TS Nguyễn Hữu Sơn chủ trì tọa đàm

Tại tọa đàm, các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, bình luận, trao đổi về nội dung sách Thượng Kinh ký sự (Nguyễn Hữu Sơn - Nguyễn Xuân Tuấn sưu tầm, biên soạn giới thiệu) trên cơ sở tư liệu bản dịch của nhà Hán học Nguyễn Trọng Thuật.

Tọa đàm góp phần khẳng định vị thế danh nhân văn hóa Lê Hữu Trác trong nền văn học dân tộc, khu vực phương Đông và thế giới.

Cuốn sách “Thượng Kinh ký sự” được ra mắt nhân dịp Đại hội đồng tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) lần thứ 42 ra nghị quyết Vinh danh và kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác (1724-2024).

Cuốn sách gồm 18 chương, được xem là tác phẩm viết về đề tài du ký đầu tiên của văn học nước ta. Trong ấn bản đặc biệt này có in ảnh toàn bộ văn bản Hán văn của “Thượng kinh ký sự”, mang đến cho bạn đọc một ấn bản tương đối hoàn chỉnh nhất từ trước tới nay.

 PGS - TS Nguyễn Hữu Sơn giới thiệu về cuốn sách

PGS - TS Nguyễn Hữu Sơn giới thiệu về cuốn sách

Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà văn nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Tuấn viết: “Danh y Lê Hữu Trác với ngòi bút tài hoa đã khéo léo trình bày tư tưởng của mình qua các trang ghi chép và nhất là các bài thơ độc lập của ông.

Văn thơ ở “Thượng Kinh Ký Sự” đã đạt tới sự giản dị và sâu sắc của bậc túc nho luôn trải lòng mình để nói về nghề y, về đạo đức, về đạo làm quan và về đạo làm người. Tất cả những điều ấy đã cho thấy sự dụng tâm cao vời vợi cũng là mong muốn đóng góp với đời không chỉ các bài thuốc ích nước lợi dân mà còn cả những áng thơ văn để người đời sau nhìn vào đó tự răn mình. Cái hơi văn của cụ Lê Hữu Trác, cái tài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông đã hòa quyện thanh thoát đưa đến cho người đương thời, người đời sau sự hữu dụng mà hậu nhân hôm nay đều kính phục cụ”.

Tọa đàm có sự tham dự của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ nhiều trường đại học tại Hà Nội.

 Tiến sĩ Lê Thanh Tùng, Khoa Hán Nôm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm

Tiến sĩ Lê Thanh Tùng, Khoa Hán Nôm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm

Được biết, TS. Lê Thanh Tùng, Khoa Hán Nôm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã dành nhiều thời gian chia sẻ về bản dịch "Thượng Kinh ký sự" của dịch giả Nguyễn Trọng Thuật. Theo đó, "Thượng Kinh ký sự" đến nay có khoảng 70 bản dịch ra các ngôn ngữ khác nhau, trong đó chủ yếu là tiếng Việt, 1 bản dịch sang tiếng Pháp.

Bản dịch Nguyễn Trọng Thuật là bản đầu tiên dịch ra chữ Quốc ngữ vào năm 1923-1924. Đây cũng là bản dịch chưa từng được in thành sách.

Kết cấu sách thấy được sự công phu và khoa học của những người biên soạn. Thể thức trình bày, lời văn vẫn được giữ nguyên đó là sự tôn trọng với bản dịch đầu tiên. Hai tác giả đã thêm những phần để giới thiệu, dẫn nhập để người đọc tiếp cận dễ dàng hơn.

Hai tác giả cũng đã cất công đi tìm, sao chụp lại những văn bản nguyên tác Hán văn. Điều này là vô cùng ý nghĩa vừa giới thiệu một cách hoàn chỉnh về tác phẩm gốc mà còn nâng tầm tác phẩm, giúp các nhà nghiên cứu có cơ hội đối chiếu giữa bản dịch với bản gốc.

 TS. Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng Khoa Viết văn, báo chí, Trường Đại học Văn hóa

TS. Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng Khoa Viết văn, báo chí, Trường Đại học Văn hóa

Theo TS. Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng Khoa Viết văn, báo chí, Trường Đại học Văn hóa, ghi nhận: Cuốn sách có tính liên ngành và sự kế thừa tiếp nối của hoạt động dịch thuật từ Nguyễn Trọng Thuật của hàng trăm năm trước đến bối cảnh hôm nay.

Qua cuốn sách có thể thấy được bức tranh toàn cảnh và đầy đủ hơn để di sản văn hóa của cha ông trong quá khứ. Đó là tấm lòng của những người trí thức, những người làm công tác văn học luôn đau đáu với câu chuyện văn hóa. Những công trình như này là hết sức cần thiết.

 Các đại biểu dự tọa đàm

Các đại biểu dự tọa đàm

Là một giảng viên của trường Đại học Thăng Long, cũng là người nghiên cứu nhiều về Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, thạc sĩ Trần Văn Quyến đã chia sẻ những câu chuyện xoay quanh cuộc đời của Lê Hữu Trác thông qua các tư liệu lịch sử mà anh đã tiếp cận.

Qua chia sẻ của các đại biểu, cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Lê Hữu Trác lại được làm rõ hơn cũng như góp phần để cuốn sách "Thượng Kinh ký sự" trên cơ sở tư liệu bản dịch của nhà Hán học Nguyễn Trọng Thuật đến gần với công chúng hơn, cũng như một sự tri ân đối với danh y lỗi lạc của dân tộc.

 Cuốn sách được giới thiệu đến các chuyên gia, nhà khoa học

Cuốn sách được giới thiệu đến các chuyên gia, nhà khoa học

Nhân dịp này, Sàn Văn hóa Học và Đọc Việt Nam - Hocdoc.vn đã trao tặng cho Học viện Khoa học xã hội 50 cuốn sách “Thượng kinh ký sự”. Đồng thời, sàn cũng đã gửi công văn trao tặng 200 cuốn sách “Thượng kinh ký sự” cho Tỉnh ủy Hưng Yên và 200 cuốn sách “Thượng kinh ký sự” cho Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh.

 Giám đốc sàn Văn hóa đọc và học Việt Nam Nguyễn Ngọc Kim Anh đã trao tặng cho Học viện Khoa học xã hội 50 cuốn sách “Thượng kinh ký sự”

Giám đốc sàn Văn hóa đọc và học Việt Nam Nguyễn Ngọc Kim Anh đã trao tặng cho Học viện Khoa học xã hội 50 cuốn sách “Thượng kinh ký sự”

Khánh Duy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/toa-dam-khoa-hoc-ve-cong-trinh-dich-thuat-nghien-cuu-lien-nganh-tac-pham-thuong-kinh-ky-su-post399664.html
Zalo