Tọa đàm 'Giải pháp thanh toán thông minh phục vụ giao thông hiện đại'

Ngày 20-5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm 'Giải pháp thanh toán thông minh phục vụ giao thông hiện đại'.

Thông tin tại tòa đàm, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy và chuyển đổi hướng tới hệ thống giao thông thông minh, đặc biệt là lĩnh vực giao thông công cộng.

Một trong những bước đi quan trọng là việc triển khai hệ thống thẻ vé tự động cho giao thông công cộng, đặc biệt là tuyến metro số 01 Bến Thành - Suối Tiên tại TP Hồ Chí Minh.

 Các đại biểu tham dự Tọa đàm "Giải pháp thanh toán thông minh phục vụ giao thông hiện đại".

Các đại biểu tham dự Tọa đàm "Giải pháp thanh toán thông minh phục vụ giao thông hiện đại".

Người dân có thể sử dụng các phương tiện thẻ vé khác nhau như thẻ vé tháng, thẻ ngân hàng, tài khoản ví điện tử để sử dụng dịch vụ metro tự động mà không cần thu soát vé thủ công. Qua đó, giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại các quầy vé, cửa soát vé và tạo ra trải nghiệm thuận tiện hơn cho hành khách. Không chỉ dừng lại ở hệ thống metro, các dự án giao thông công cộng như xe buýt, bãi đỗ xe cũng đang tiến hành triển khai thí điểm hệ thống thẻ vé tự động.

Tại buổi tọa đàm, đồng chí Đỗ Việt Hải, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết, tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang sử dụng hệ thống thu soát vé tự động. Để xây dựng được hệ thống thẻ vé liên thông, cần xây dựng một chính sách cụ thể cho từng loại hình vé, từng loại hình dịch vụ và bảo đảm tính mở, tính kết nối không chỉ với các loại hình dịch vụ vận tải hành khách, mà còn với các loại hình dịch vụ khác. Hệ thống này không chỉ liên thông với vận tải hành khách công cộng, mà còn liên thông với thu phí tự động, các bến bãi đỗ xe và sử dụng dịch vụ không chỉ trên địa bàn Thủ đô. Hy vọng trong thời gian tới, hệ thống thẻ vé liên thông này sẽ kết nối trên toàn bộ Việt Nam, mục tiêu cuối cùng là khuyến khích người dân sử dụng vận tải công cộng.

Bên cạnh đó, ông Fukuda Chihiro, Phó trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết, JICA đã triển khai hệ thống thu soát vé tự động (AFC) tại TP Hồ Chí Minh với các ưu điểm như: Hiệu quả và minh bạch trong vận hành, giúp tăng hiệu suất vận tải, giảm áp lực cho nhân viên, tránh thất thoát và gian lận phí nhờ số hóa dữ liệu doanh thu; tạo thuận tiện cho người sử dụng; cải thiện chính sách và kế hoạch vận hành thông qua việc cung cấp dữ liệu sử dụng để điều chỉnh lịch trình, thiết kế tuyến đường và xây dựng chiến lược cấp phí, góp phần tối ưu hóa cơ chế vận hành.

“Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị và có kế hoạch tăng số tuyến trong thời gian tới. Chúng tôi cho rằng việc áp dụng hệ thống AFC là hết sức cần thiết trong giao thông công cộng, phát huy được hiệu quả, có tính bền vững hơn. Việc áp dụng hệ thống AFC để các hệ thống giao thông công cộng phát huy được hiệu quả, tôi đã nhấn mạnh trong 3 điểm ở trên”, ông Fukuda Chihiro bày tỏ.

Tại tọa đàm, ông Khuất Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Metro Hà Nội thông tin, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội C06, Bộ Công an là đơn vị chủ lực phối hợp với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính thực hiện phương án sử dụng VNeID để mua vé. Mức độ ấy còn cao hơn nữa và nếu theo tiến độ hiện nay, dự kiến đến ngày 15-9 sẽ phải đưa hệ thống này vào hoạt động.

Qua 90 phút tọa đàm, các đại biểu đã phân tích, luận bàn, đánh giá và hệ thống hóa các vấn đề một cách khái quát, toàn diện về hoạt động thanh toán điện tử trong giao thông công cộng, cả về những mặt được, cũng như những khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ… Qua đó, các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất có tính thực tiễn và khả thi trong phối hợp giữa các cơ quan hữu quan, thúc đẩy hoạt động thanh toán điện tử trong giao thông công cộng.

Tin, ảnh: THÁI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/toa-dam-giai-phap-thanh-toan-thong-minh-phuc-vu-giao-thong-hien-dai-829204
Zalo