Tọa đàm Âm nhạc truyền tải thông điệp Phật giáo lan tỏa giá trị hòa bình
Nằm trong chương trình hợp tác thực hiện 4 đề án 'Ngôn ngữ, Pháp phục, Kiến trúc, Di sản' bảo tồn văn hóa Phật giáo Việt Nam, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp tổ chứcTọa đàm Âm nhạc trong việc truyền tải thông điệp Phật giáo lan tỏa giá trị hòa bình.
Tham dự Tọa đàm có các văn nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ nhân, các nhân sĩ trí thức của Trung ương và địa phương, các tăng, ni, Phật tử của Lâm Đồng. Thượng tọa Thích Thọ Lạc – Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN và Thượng tọa Thích Vạn Trí – Phó Trưởng Ban Trị sự, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN tỉnh Lâm Đồng cùng chủ trì tọa đàm.
Phát biểu khai mạc, Thượng tọa Thích Thọ Lạc – Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN khẳng định: Phật giáo khởi nguồn tại Ấn Độ, Phật giáo đến bất cứ quốc gia nào với tinh thần “kỳ duyên bất biến – bất biến kỳ duyên”, Phật giáo đã thích ứng được với văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc Phật giáo đến.
Hơn 2000 năm Phật giáo vào Việt Nam đã tạo nên nét đặc trưng riêng về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Phật giáo hòa quyện vào văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo cũng chính là một bộ phận của văn hóa dân tộc; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo cũng là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Trải qua những cuộc chiến tranh, có rất nhiều di sản văn hóa, những đặc trưng văn hóa trân quý của Phật giáo, của dân tộc Việt Nam bị mai một. Gần đây, những người làm nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật đã quan tâm đến văn hóa Phật giáo, tìm hiểu giáo lý sáng tác nên những bản nhạc, những thước phim, vẽ tranh, tạc tượng… mang nét đặc trưng của Phật giáo Việt Nam.
Để tạo nên những tác phẩm vừa mang giá trị nghệ thuật vừa chứa đựng Phật lý, Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN đã tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác, trại sáng tác.
Tọa đàm là dịp để các nhà sáng tạo nghệ thuật, ca sĩ, nhạc sĩ cùng ngồi lại với nhau, thảo luận để sáng tác những nhạc phẩm, những ca khúc với sự cố vấn mạch ý tưởng, tinh thần của Phật, cần nói vấn đề gì, đưa thông điệp gì để tạo nên tác phẩm âm nhạc có chất lượng và ý nghĩa sâu hơn. Kế thừa những tinh hoa của dân tộc, của những bậc tiền nhân đã làm được trong lịch sử chúng ta phát huy thông qua các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc để chuyển tải tinh thần, tư tưởng, đạo đức lối sống của dân tộc Việt Nam, của Phật giáo đến với cộng đồng.
Những tác phẩm âm nhạc về đạo Phật sẽ tham dự các cuộc thi, lựa chọn những tác phẩm mang giá trị, đặc sắc để dàn dựng, biểu diễn tại Đại lễ Vesak 2025 Liên Hiệp Quốc diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.
Buổi tọa đàm diễn ra đã diễn ra trong không khí cởi mở, các nghệ sĩ như NSƯT Đình Nghĩ – Nguyên Trưởng đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Lâm Đồng), NSƯT Nguyễn Quang Hưng (nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ đàn bầu), ông Võ Văn Quốc Bình (Giám đốc Nhà sáng tác Đà Lạt), nhà báo Mai Anh (nhà hoạt động xã hội), nhạc sĩ Vũ Mạnh Đương (Chủ nhiệm CLB Dân ca và nhạc cổ truyền tỉnh Lâm Đồng) nêu lên nhiều ý kiến về chặng đường sáng tạo nghệ thuật của mình và những tác phẩm âm nhạc viết về đạo Phật thấm đẫm tinh thần văn hóa dân tộc, về vận động sáng tác các tác phẩm âm nhạc về đạo Phật, về kết quả đạt được từ các trại sáng tác, từ cuộc vận động sáng tác, việc đánh giá, thẩm định các tác phẩm…
Từ buổi tọa đàm đã gợi mở cho các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ nhiều ý tưởng cao đẹp, tích cực sáng tạo nên nhiều tác phẩm nhạc Phật giáo, phổ nhạc thơ Phật giáo mang tư tưởng, giáo lý nhà Phật có tính sáng tạo, độc đáo và có giá trị nghệ thuật cao. Qua đó, phản ánh sâu sắc các giá trị đạo đức, triết lý nhân sinh của Phật giáo trong đời sống xã hội hiện nay; ca ngợi những tấm gương sáng về sự tu hành, học Phật của các bậc tu sĩ, Phật tử; giới thiệu những nét đẹp văn hóa Phật giáo trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam; giới thiệu về lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam; đồng thời phản ánh tinh thần, đạo đức, lối sống, giá trị cao đẹp của đạo Phật.