Tòa án liên bang Mỹ tạm thời ngăn Bộ Giáo dục thực thi lệnh cấm chương trình DEI
Ngày 24/4, ba thẩm phán liên bang tại các bang New Hampshire, Maryland và thủ đô Washington, D.C. đã ra phán quyết tạm thời ngăn Bộ Giáo dục Mỹ thực thi các chỉ thị nhằm cấm các chương trình thúc đẩy đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) trong hệ thống giáo dục phổ thông.

Trụ sở Bộ Giáo dục Mỹ tại Washington D.C. Ảnh: Getty Images
Theo tờ Politico, các phán quyết này bắt nguồn từ các vụ kiện do các tổ chức công đoàn giáo viên và nhóm bảo vệ quyền dân sự khởi xướng, với cáo buộc rằng chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump có khả năng vi phạm luật liên bang và Hiến pháp Mỹ.
Tại bang New Hampshire, Thẩm phán Landya McCafferty đã ban hành lệnh cấm tạm thời áp dụng đối với các tổ chức nhận tài trợ liên bang có sử dụng nhân sự của Hiệp hội Giáo dục Quốc gia (NEA) hoặc ký hợp đồng với các thành viên của tổ chức này. Trong phán quyết dài 82 trang, bà nhận định các chỉ thị của Bộ Giáo dục là quá mơ hồ, có thể vi phạm Hiến pháp và vượt quá phạm vi thẩm quyền được giao. Bà cũng cảnh báo rằng việc ban hành thư hướng dẫn và thiết lập đường dây phản ánh liên bang nhằm chấm dứt các chương trình DEI có thể tạo ra bầu không khí giám sát mang tính áp đặt, khiến giáo viên lo ngại bị quy kết là cổ súy tư tưởng gây chia rẽ.
Tại bang Maryland, Thẩm phán Stephanie Gallagher đã ra phán quyết tạm hoãn thực thi bức thư ngày 14/2 của Bộ Giáo dục, trong đó nêu rõ luật liên bang cấm sử dụng yếu tố chủng tộc trong mọi quyết định liên quan đến hoạt động giáo dục. Bà Gallagher khẳng định tòa án không đưa ra đánh giá về nội dung chính sách, nhưng có trách nhiệm xem xét việc ban hành và triển khai chính sách có tuân thủ đúng quy trình pháp lý hay không. Theo nhận định của bà, các chỉ thị này đã không được xây dựng và thực hiện theo đúng trình tự pháp luật.
Tại Washington, D.C., Thẩm phán Dabney Friedrich đã ra phán quyết tạm thời ngăn Bộ Giáo dục yêu cầu các trường học phải chứng nhận tuân thủ các hướng dẫn mới của chính quyền liên bang. Theo bà Friedrich, việc gắn yêu cầu này với nguy cơ bị cắt giảm tài trợ liên bang có thể vi phạm các quy định trong Hiến pháp Mỹ.
Theo hồ sơ tòa án, Bộ Giáo dục Mỹ dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Linda McMahon đã yêu cầu các hệ thống trường học trên toàn quốc nhanh chóng ký cam kết tuân thủ cách diễn giải mới của chính quyền về luật chống phân biệt đối xử, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ bị kiện tụng, xử phạt hành chính hoặc mất hàng trăm triệu USD tài trợ liên bang.
Các tổ chức như NAACP, NEA, AFT cùng nhiều nhóm bảo vệ quyền công dân cho rằng chính sách của Bộ Giáo dục có nội dung mơ hồ, mang tính áp đặt và có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền được tiếp cận giáo dục công bằng của học sinh, đặc biệt là học sinh thuộc các nhóm thiểu số. Ông Derrick Johnson, Chủ tịch NAACP, nhận định phán quyết lần này là bước tiến tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi giáo dục của học sinh da màu trên toàn quốc trước những chính sách bị cho là sai lệch và gây tranh cãi từ phía chính quyền.
Chủ tịch NEA Becky Pringle nhận định rằng phán quyết tại bang New Hampshire tạo điều kiện để các trường học và giáo viên tiếp tục tập trung vào lợi ích của học sinh mà không chịu áp lực từ những quy định còn gây tranh cãi.
Trong khi đó, bà Randi Weingarten - Chủ tịch Liên đoàn Giáo viên Mỹ (AFT) - cho rằng hướng dẫn của Bộ Giáo dục có thể gây tác động tiêu cực đến học sinh, đội ngũ giáo viên cũng như việc giảng dạy lịch sử và tri thức một cách khách quan.
Dù chưa phải là các quyết định cuối cùng về nội dung vụ kiện, nhưng cả ba phán quyết đều có hiệu lực ngăn chặn thực thi các chỉ thị gây tranh cãi nói trên trong lúc chờ tòa án xem xét đầy đủ. Các thẩm phán đều cho rằng các bên nguyên đơn có cơ sở pháp lý vững chắc và khả năng thắng kiện ở một số điểm trọng yếu.