Tô thắm thêm tình đoàn kết dân tộc
Có lẽ vì những giai điệu mộc mạc, dễ đi vào lòng người nên từ bao đời nay, đờn ca tài tử (ÐCTT) trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân Nam Bộ. Vượt qua năm tháng, ÐCTT tạo nên sự giao thoa văn hóa độc đáo giữa 3 dân tộc anh em ở vùng đất phương Nam.
Ngày nay, có ai về Bạc Liêu, nghe 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer cùng ngồi chơi ÐCTT mới thấy được cái nghĩa, cái tình keo sơn ruột thịt của các dân tộc anh em đã giao hòa trong nghệ thuật.
ÐCTT được xem là một trong những loại hình nghệ thuật bình dân nhưng cũng mang tính bác học, vì để chơi đờn hoặc ca tài tử không phải dễ. Người dân tộc Khmer, hay dân tộc Hoa khi ca tài tử cũng khó như người Kinh hát dù kê của đồng bào Khmer hay hát triều kịch của người Hoa vậy. Thế mà, vượt qua những cách trở về ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa, trong những câu lạc bộ (CLB) ÐCTT ở TP Bạc Liêu lại có các tài tử vừa có thể hát cùng nhau bài “Dạ cổ hoài lang” với các lớp như: Văn Thiên Tường, Phụng Hoàng, Nam Xuân, Vọng Kim Lang, Ðiệp Khúc Phi Vân, Ðoạn Khúc Lam Giang... Từ đó cho thấy, loại hình nghệ thuật độc đáo này đã ăn sâu vào sinh hoạt văn hóa tinh thần và phát triển thành văn hóa cộng đồng của người Bạc Liêu. Vì vậy, những CLB ÐCTT trên địa bàn thành phố đã mở ra sân chơi thu hút ngày càng nhiều người tham gia.

Giao lưu ÐCTT và biểu diễn nghệ thuật dân tộc của các CLB Kinh - Hoa - Khmer ở xã Vĩnh Trạch Ðông, TP Bạc Liêu.
Khi được hỏi “Vì sao lại yêu thích loại hình ÐCTT mà không phải hát tiều (triều kịch) hay hồ quảng?”, chị Lâm Thị Nghíl, dân tộc Hoa, thành viên CLB ÐCTT xã Vĩnh Trạch Ðông (TP Bạc Liêu) không ngần ngại trả lời: “Những bài ÐCTT như gửi gắm được nỗi niềm của người dân lao động, giúp tôi thêm yêu, thêm gắn bó với vùng đất Bạc Liêu. Trước đây, tôi mê ÐCTT lắm nhưng không biết ca, từ khi tham gia CLB, tôi được chỉ dạy rất nhiều, nên giờ đã biết ca tài tử, thấy thích lắm. Tôi thấy đây là sân chơi bổ ích”.
Chị Lâm Thụy Hồng Thương ở ấp Biển Ðông B (xã Vĩnh Trạch Ðông), dân tộc Khmer, thành viên CLB ÐCTT xã Vĩnh Trạch Ðông, bộc bạch: “ÐCTT là món ăn tinh thần độc đáo giúp mọi người giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc. Tham gia CLB cho chúng tôi cảm giác như mình cũng là nghệ sĩ, dù chỉ đờn ca phục vụ bản thân”...
Hay với chị Phạm Thị Yến, ấp Biển Ðông B, thành viên “gạo cội” trong CLB ÐCTT xã Vĩnh Trạch Ðông: "ÐCTT không chỉ là loại hình giải trí mà còn là nét đẹp truyền thống văn hóa được truyền đời qua nhiều thế hệ, chơi ÐCTT còn là gìn giữ nét đẹp đó của người Bạc Liêu".
Tuy nhiên, điều đáng tiếc hiện nay là các CLB này dần mai một. Thông qua các CLB không chỉ để bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật đặc sắc này, mà CLB còn là nơi giao lưu về văn hóa của 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer. Do vậy, xây dựng chương trình, kế hoạch và vực dậy hoạt động của các CLB ở những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống mang lại ý nghĩa sâu sắc, thắt chặt, tô thắm thêm tình đoàn kết thông qua biểu diễn, sáng tác và lưu giữ văn hóa truyền thống. Ðồng thời, góp phần truyền dạy, phát huy tốt vai trò của các nghệ nhân, khai thác hiệu quả công năng của các nhà văn hóa cộng đồng, làm phong phú sản phẩm du lịch của địa phương, khai thác và không ngừng phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc ở vùng đất chín rồng.