Tổ dân vận cộng đồng: Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn

Thực hiện Đề án thành lập và hoạt động của tổ dân vận cộng đồng (DVCĐ) ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, sau 2 năm triển khai, mô hình này đã có hiệu quả thiết thực trong vận động quần chúng thực hiện các nhiệm vụ ở cơ sở.

Phát huy tinh thần đoàn kết

Tổ DVCĐ thôn Cao Thượng, xã Tân Hưng (Lạng Giang) có 14 thành viên do Bí thư Chi bộ làm tổ trưởng, thành viên là trưởng các đoàn thể, tổ liên gia. Đồng chí Phạm Văn Bẩy, Tổ trưởng chia sẻ: “Hằng ngày, tôi dành thời gian cập nhật thông tin từ các nhóm Zalo của Tổ DVCĐ. Ngoài kịp thời phản ánh đến cấp ủy, chính quyền địa phương những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, tôi còn tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn cùng thực hiện các nhiệm vụ chung của thôn. Kết quả, thôn đã được công nhận kiểu mẫu vào tháng 10/2024”.

 Phát huy vai trò của Tổ DVCĐ, đường giao thông ở thôn Cao Thượng, xã Tân Hưng (Lạng Giang) được mở rộng.

Phát huy vai trò của Tổ DVCĐ, đường giao thông ở thôn Cao Thượng, xã Tân Hưng (Lạng Giang) được mở rộng.

Được biết, nhờ phát huy tốt tinh thần tự quản, thống nhất cao, trong 2 năm, Tổ DVCĐ của thôn đã tập trung cao vận động nhân dân hiến 250 m2 đất vườn, đất thổ cư; 5.000 m2 đất nông nghiệp. Huy động hơn 1.000 ngày công mở rộng và cứng hóa các tuyến đường giao thông, kênh mương nội đồng; chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa thôn; lắp điện chiếu sáng, thiết kế đường cây, đường hoa, vẽ bích họa.

Ở tổ dân phố thôn Bài, thị trấn Nhã Nam (Tân Yên), người dân tự giác giữ vệ sinh các tuyến đường trên địa bàn; thực hiện tốt nếp sống văn minh ở khu dân cư. Nhiều năm qua, tại tổ dân phố không có tệ nạn xã hội. Giữ được thành tích này là do các thành viên trong Tổ DVCĐ thường xuyên nhắc nhở người dân nêu cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm. Cùng đó, phối hợp với Công an thị trấn chủ động nắm tình hình thanh niên đi làm ăn xa.

Thống kê của Ban Dân vận Tỉnh ủy, sau 2 năm triển khai Đề án, đến nay 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập 2.128 tổ DVCĐ với hơn 27 nghìn thành viên. Các tổ chia thành 11.713 nhóm theo địa bàn dân cư với tổng số 457.399 hộ tham gia. Tổ DVCĐ hoạt động dưới sự lãnh đạo của chi bộ thôn, tổ dân phố. Các thành viên trong tổ tập trung tuyên truyền, phổ biến, vận động người thân, gia đình và người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương; phối hợp tổ chức cho nhân dân tham gia giám sát các nội dung như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH; xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; giữ gìn an ninh trật tự; bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo…

Sáng tạo trong triển khai

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc duy trì hiệu quả hoạt động của tổ DVCĐ trên địa bàn, quá trình triển khai, nhiều đơn vị đã có cách làm sáng tạo. Điển hình là Huyện ủy Yên Thế, Thị ủy Việt Yên tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” trong hoạt động của tổ DVCĐ; Thành ủy Bắc Giang tổ chức các hội nghị tọa đàm bàn giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của tổ DVCĐ; tổ chức giao ban với ban chỉ đạo hoạt động tổ DVCĐ trên địa bàn theo tháng.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tân Yên cho biết: “Ngay từ khi triển khai thành lập các tổ DVCĐ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy đưa nội dung kiểm tra hoạt động của các tổ vào nội dung kiểm tra công tác dân vận hằng năm; chỉ đạo đảng ủy các xã, thị trấn thường xuyên quan tâm, kiểm tra hoạt động của các tổ gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ liên gia tự quản tại các thôn, tổ dân phố. Nhờ vậy, mỗi năm, qua đánh giá toàn huyện có hơn 85% tổ DVCĐ xếp loại tốt trở lên, không có tổ xếp loại trung bình, yếu”.

Năm 2024, Ban Dân vận Tỉnh ủy lựa chọn biểu dương, khen thưởng 50 tổ DVCĐ và 30 cá nhân tiêu biểu; cấp huyện, cấp xã biểu dương khen thưởng 807 tổ DVCĐ tiêu biểu.

Nhằm trang bị, nâng cao kiến thức cho trưởng khối dân vận các xã, phường, thị trấn và các thành viên của tổ DVCĐ, nhiều địa phương tích cực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn theo hướng “cầm tay chỉ việc”; tháo gỡ khó khăn về kinh phí. Các huyện yêu cầu các ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm phối hợp cung cấp tài liệu, hỗ trợ kinh phí hoạt động…

Kinh nghiệm được các địa phương rút ra sau hơn 2 năm triển khai thành lập và duy trì hoạt động của tổ DVCĐ đó là: Cấp ủy, chính quyền phải quán triệt sâu sắc về vị trí, vai trò của mỗi tổ, đồng thời nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ hoạt động. Ngoài ra, các tổ DVCĐ thường xuyên củng cố, kiện toàn thành viên; quan tâm lựa chọn những người có năng lực, nhiệt tình, uy tín ở khu dân cư tham gia vào tổ. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên của tổ, của nhóm phù hợp với năng lực, sở trường của từng người và điều kiện thực tế của địa phương.

Đồng chí Thân Văn Nghiệp, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: "Thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án. Thường xuyên kiểm tra, giám sát đôn đốc, hướng dẫn các tổ DVCĐ thực hiện tốt quy chế hoạt động. Cùng đó tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia vào các nhóm DVCĐ. Phát huy hiệu quả ứng dụng nhóm Zalo trong việc kết nối giữa tổ DVCĐ với các thành viên, các hộ gia đình trên địa bàn. Các địa phương tiếp tục làm tốt việc đánh giá, xếp loại tổ DVCĐ để lựa chọn, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có sáng kiến, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong quá trình thực hiện hoạt động".

Bài, ảnh: Vân Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/to-dan-van-cong-dong-mo-hinh-nho-hieu-qua-lon-postid409474.bbg
Zalo