Tổ chức tòa án, viện kiểm sát khu vực là kịp thời, hợp lý

Việc thành lập các tòa án, VKS khu vực thay thế tòa án, VKS cấp huyện là kịp thời và đáp ứng đúng với yêu cầu mới của đất nước.

Trước đây, chúng ta đã thực hiện cải cách tư pháp (CCTP) theo Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005, Ban CCTP Trung ương và TAND Tối cao, VKSND Tối cao có xây dựng đề án CCTP theo hướng bỏ tòa án, VKS cấp huyện, thay vào đó là thành lập tòa án, VKS sơ thẩm khu vực đảm nhiệm thực hiện truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự xảy ra trên địa bàn một số quận, huyện liền kề. Nhưng kết quả, theo các luật về tổ chức tòa án, VKS năm 2014 thì TAND Tối cao và VKSND Tối cao vẫn giữ nguyên tòa án, VKS cấp huyện trong địa hạt các tỉnh.

 Các kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. Ảnh: HOÀNG GIANG

Xây dựng hệ thống tòa án, VKS ba cấp

Kết luận 127-KL/TW ngày 28-2-2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nêu: “Giao Đảng ủy TAND Tối cao, Đảng ủy VKSND Tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng các đề án, tờ trình Bộ Chính trị về hệ thống tòa án, VKS ở địa phương theo định hướng không tổ chức cấp huyện…”.

Chúng ta đã biết theo Luật Tổ chức TAND 2014, Luật Tổ chức VKSND 2014, hệ thống tổ chức tòa án, VKS được chuyển từ hệ thống ba cấp (tồn tại trong 55 năm) thành hệ thống bốn cấp gồm: TAND Tối cao, VKSND Tối cao; tòa án, VKS Cấp cao; tòa án, VKS cấp tỉnh và tòa án, VKS cấp huyện.

Tuy nhiên, để thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của tòa án, VKS tại các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì ngành tòa án, VKS đã có chủ trương xây dựng hệ thống tòa án, VKS gồm ba cấp là tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực.

 Ông VÕ VĂN TÀI, Trưởng khoa Lý luận cơ bản và Pháp luật quốc tế, Phân hiệu Trường ĐH Kiểm sát tại TP.HCM

Ông VÕ VĂN TÀI, Trưởng khoa Lý luận cơ bản và Pháp luật quốc tế, Phân hiệu Trường ĐH Kiểm sát tại TP.HCM

Nhiều cơ sở thể hiện sự hợp lý

Tôi cho rằng chủ trương này của ngành tòa án và VKS đã đáp ứng kịp thời và đúng với yêu cầu mới của đất nước. Cơ sở hợp lý của chủ trương xây dựng hệ thống tòa án, VKS ba cấp như trên là rất nhiều nhưng có thể viện dẫn ba nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, tình hình thụ lý, giải quyết án sơ thẩm hiện nay là rất lớn. Tôi thường trao đổi với cán bộ ngành tư pháp nên biết rất rõ ở các địa bàn đông dân cư như các TP trực thuộc Trung ương, một thẩm phán cấp huyện phải thụ lý, giải quyết cùng một lúc vài chục vụ án các loại là chuyện bình thường.

Với chủ trương chỉ có ba cấp (tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực) nêu trên, nếu không tổ chức tòa án, VKS cấp khu vực (thay cho cấp huyện hiện nay) thì phải dồn hết việc xét xử sơ thẩm đối với tất cả vụ án trên cho tòa án cấp tỉnh, kéo theo đó sẽ làm phát sinh số lượng vụ án mà TAND Tối cao phải xét xử phúc thẩm là rất lớn. Điều này rất dễ xảy ra tình trạng án phúc thẩm tồn đọng kéo dài hoặc ngành tòa án sẽ rất khó đảm bảo thời hạn xét xử phúc thẩm như quy định trong các bộ luật tố tụng.

Vì vậy, việc tổ chức thêm một cấp xét xử sơ thẩm dưới cấp tỉnh là rất cần thiết và khi tổ chức thành lập tòa án khu vực thuộc tòa án cấp tỉnh thì ngành kiểm sát đương nhiên phải thành lập VKS khu vực tương thích với tòa án khu vực.

Thứ hai, TAND Tối cao còn một nhiệm vụ rất quan trọng trong đảm bảo tính đúng đắn của hoạt động xét xử là giám đốc kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho tòa án trong cả nước. Khi TAND Tối cao phải tập trung nguồn lực quá nhiều cho việc xét xử phúc thẩm đối với các vụ án sẽ ít nhiều làm cho ngành tòa án khó phân bổ nguồn nhân lực cho hoạt động khác. Điển hình là tình hình người tham gia tố tụng có đơn đề nghị giám đốc thẩm về dân sự, hành chính hằng năm với số lượng tương đối nhiều và thực tiễn ngành tòa án cũng rất vất vả trong việc giải quyết hết tất cả đơn yêu cầu của đương sự.

Thứ ba, nếu không tổ chức tòa án, VKS cấp khu vực thì sẽ tạo ra áp lực quá lớn trong việc sửa đổi các đạo luật liên quan.

Theo tôi hiểu, với thời gian gấp rút như vậy thì việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án hình sự… cũng có thể thực hiện được nhanh chóng và đáp ứng yêu cầu của cải cách. Việc sửa đổi chủ yếu về mặt kỹ thuật là thay thế những quy định của luật về “tòa án, VKS huyện” thành “tòa án, VKS khu vực” và lược bỏ một số quy định liên quan đến tòa án, VKS cấp huyện không còn phù hợp. Nhưng nếu không tổ chức tòa án, VKS cấp khu vực thì sửa đổi các đạo luật liên quan đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn. Như vậy sẽ ít nhiều làm chậm tiến độ cải cách bộ máy, trong đó có cơ quan tư pháp.•

Ông VÕ VĂN TÀI, Trưởng khoa Lý luận cơ bản và Pháp luật quốc tế, Phân hiệu Trường ĐH Kiểm sát tại TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/to-chuc-toa-an-vien-kiem-sat-khu-vuc-la-kip-thoi-hop-ly-post843271.html
Zalo