Tổ chức lễ hội văn minh, phù hợp các giá trị truyền thống của đất nước
Những ngày đầu xuân cũng là thời điểm bắt đầu mùa lễ hội. Việc tổ chức các lễ hội năm nay trên địa bàn Hà Nội có nhiều chuyển biến theo hướng ngày càng văn minh, tạo thuận lợi, thoải mái cho du khách, bớt phiền hà, lộn xộn so với những năm trước.
Tối 2/2 (mồng 5 tháng Giêng), Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2025) do quận Đống Đa tổ chức có nhiều đổi mới bằng việc dàn dựng sân khấu quy mô, ứng dụng công nghệ hiện đại, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. Chương trình nghệ thuật bán thực cảnh với chủ đề “Đống Đa- Sử vàng lưu danh, tương lai vững bước” tôn vinh công đức Vua Quang Trung kết hợp các màn biểu diễn với công nghệ 3D mapping mang đến cho người xem những trải nghiệm hình ảnh chân thực sống động, ấn tượng và đưa câu chuyện lịch sử chạm đến mọi giác quan của người xem.
Trong các lễ hội xuân ở Hà Nội, Lễ hội Chùa Hương là lễ hội có thời gian dài nhất, diễn ra từ ngày 31/1 đến ngày 1/5/2025 (tức từ mồng 3 tháng Giêng đến mùng 4 tháng 4 năm Ất Tỵ). Lễ hội Chùa Hương năm nay có nhiều đổi mới. Ban tổ chức đã tích hợp vé tham quan thắng cảnh và vé xuồng đò, tạo sự tiện lợi và minh bạch trong dịch vụ. Các trạm kiểm soát vé, dịch vụ tại bến Thiên Trù, cùng tổ kiểm tra liên ngành về y tế, mặt bằng dịch vụ và an toàn thực phẩm được bố trí đầy đủ. Các bến, bãi đỗ xe được quy hoạch, bảo đảm chất lượng dịch vụ và giá cả hợp lý. Công tác quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy tiếp tục được siết chặt, bảo đảm môi trường lễ hội an toàn và thân thiện. Trong thời gian diễn ra lễ hội, huyện Mỹ Đức tổ chức “Tuần lễ Văn hóa - Du lịch” từ ngày 11 đến ngày 18/3, tổ chức Hội chợ trưng bày các sản phẩm OCOP của địa phương và các huyện lân cận; biểu diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các địa phương trên địa bàn huyện như: Rối cạn Tế Tiêu-thị trấn Đại Nghĩa, cồng chiêng người Mường - xã An Phú…
Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cho nên đến thời điểm này các lễ hội trên địa bàn Thủ đô diễn ra văn minh, trật tự. Tuy nhiên, mùa lễ hội kéo dài, nếu chính quyền buông lỏng quản lý thì dễ phát sinh các hành vi tiêu cực. Vì vậy, chính quyền các quận, huyện cần chỉ đạo các đơn vị chức năng, cấp chính quyền cơ sở xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, nhất là an toàn sông nước, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kế hoạch. Ngoài ra, cần chú trọng công tác vệ sinh môi trường, gìn giữ cảnh quan di tích, không để xảy ra việc bày bán các sản phẩm mang tính kích động, bạo lực, ấn phẩm mê tín, dị đoan… trong các lễ hội. Chính quyền các cấp được giao tổ chức lễ hội cần nghiêm túc thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố; chủ động xây dựng kế hoạch quản lý, tổ chức lễ hội bảo đảm trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, phù hợp thuần phong mỹ tục và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ■