Tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn tại địa phương
Ngày 28/4, HĐND tỉnh Lai Châu, An Giang đã tổ chức kỳ họp nhằm thông qua nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; sáp nhập tỉnh.
Lai Châu giảm hơn 64% đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Giàng Páo Mỷ phát biểu kết luận. Ảnh: TTXVN phát
Tại Kỳ họp thứ 28 (chuyên đề), HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Nghị quyết của HĐND tỉnh về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lai Châu năm 2025.
Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lai Châu năm 2025, sau sắp xếp, tỉnh có 38 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 36 xã, 2 phường, tương ứng giảm 64,15% đơn vị hành chính cấp xã so với trước khi sắp xếp (106 đơn vị).
Kỳ họp cũng thông qua Nghị quyết của HĐND tỉnh về các vấn đề: Tổ chức lại Thanh tra tỉnh Lai Châu; điều chỉnh biên chế công chức, hợp đồng lao động các cơ quan cấp tỉnh đã giao tại Nghị quyết số 74/NQ-HĐND ngày 9/12/2024 và Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 20/02/2025 của HĐND tỉnh Lai Châu. Các đại biểu tham dự kỳ họp thảo luận một số ý kiến tập trung vào điều chỉnh diện tích, địa giới hành chính, dân số sau khi sáp nhập các xã.
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Giàng Páo Mỷ nhấn mạnh, HĐND tỉnh đã thông qua 3 nghị quyết chuyên đề để kịp thời thực hiện chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; tổ chức lại cơ quan thanh tra, điều chỉnh biên chế công chức, người lao động sau khi tổ chức lại cơ quan thanh tra trên địa bàn tỉnh.
Các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp được các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh chuẩn bị cơ bản đảm bảo chất lượng, các Ban của HĐND tỉnh thẩm tra, các đại biểu HĐND tỉnh tập trung thảo luận và biểu quyết thông qua với tỷ lệ nhất trí cao.
Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu đề nghị, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai các nghị quyết vừa được thông qua theo quy định của pháp luật. Đối với Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lai Châu năm 2025, UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề án gửi Bộ Nội vụ thẩm định theo đúng tiến độ tại Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 7/4/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Đối với Nghị quyết tổ chức lại Thanh tra tỉnh Lai Châu và Nghị quyết điều chỉnh biên chế công chức, hợp đồng lao động các cơ quan cấp tỉnh đã giao tại Nghị quyết số 74/NQ-HĐND ngày 9/12/2024 và Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 20/2/2025 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh sớm thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Trung ương; chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhân sự, chế độ, chính sách, trụ sở, tài chính, tài sản, trang thiết bị và các điều kiện đảm bảo khác để đi vào hoạt động theo kế hoạch.
Để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và hoạt động của Thanh tra tỉnh sau khi sắp xếp, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn căn cứ các quy định của Trung ương khẩn trương nghiên cứu, tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết điều chỉnh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách và điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách năm 2025 để các đơn vị đi vào hoạt động ngay, không có khoảng trống pháp lý, liên tục, hiệu lực, hiệu quả.
Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh thực hiện công tác giám sát việc triển khai nghị quyết của HĐND tỉnh; kịp thời thông báo kết quả Kỳ họp để cử tri biết và đồng thuận trong quá trình thực hiện.
An Giang tán thành chủ trương sáp nhập với tỉnh Kiên Giang

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN
HĐND tỉnh An Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 29 để quyết nghị nhiều chủ trương quan trọng. Các đại biểu HĐND tỉnh đã thông qua 6 nghị quyết quan trọng; trong đó có 2 nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh An Giang và chủ trương sắp xếp giữa tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang.
Theo Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh An Giang, hiện tỉnh có diện tích tự nhiên trên 3.536 km2, quy mô dân số trên 2,74 triệu người. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện và 155 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 27 phường, 18 thị trấn và 110 xã. Tỉnh thực hiện sắp xếp đối với 154 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 109 xã, 27 phường và 18 thị trấn. Sau sắp xếp, An Giang còn 54 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 10 phường; số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm 101 đơn vị (bằng 65,16%).
Theo Nghị quyết chủ trương sắp xếp tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang, hai tỉnh sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số thành một đơn vị hành chính, lấy tên là tỉnh An Giang. Sau hợp nhất, tỉnh An Giang mới có diện tích tự nhiên 9.888,91 km2 (đạt 197,78% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số trên 4,95 triệu người (đạt 353,73% so với tiêu chuẩn). Dự kiến tỉnh An Giang mới sau hợp nhất có 102 đơn vị hành chính cấp cơ sở trực thuộc, gồm: 85 xã, 14 phường và 3 đặc khu. Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh An Giang mới đặt tại thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang hiện nay).
Ông Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang cho biết, thực hiện Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương xây dựng đề án, triển khai các bước theo quy định, vừa làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, tỉnh thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch các quy trình lấy ý kiến cử tri theo quy định với tỷ lệ thống nhất cao.
“Việc sắp xếp các đơn vị hành chính nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực, mở rộng không gian để quy hoạch đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trong từng địa phương. Đây là chủ trương lớn của cả hệ thống chính trị và là chủ trương đúng đắn, khách quan, xuất phát từ yêu cầu cấp bách của cuộc sống”, ông Lê Văn Nưng khẳng định.
Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang đề nghị, UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, đề án trình Chính phủ trước ngày 1/5/2025; đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ sở, tiền đề cho việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện ngày 1/7/2025. Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội, các cơ quan thông tin, báo chí tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng, tạo đồng thuận, thống nhất cao trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp tỉnh Kiên Giang và tỉnh An Giang sau khi được phê duyệt.
Ngoài ra, HĐND tỉnh còn thông qua 4 nghị quyết gồm: Chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2026; quy định nội dung, mức hỗ trợ thực hiện các hoạt động phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh An Giang; Chi tặng quà bằng tiền mặt đối với người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); Quy định nội dung và mức hỗ trợ thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.