Quảng Ngãi, Ninh Thuận thông qua nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính
Tỉnh Quảng Ngãi sau hợp nhất sẽ có diện tích 14.832,548km2, quy mô dân số hơn 2.114.700 người trong khi HĐND tỉnh Ninh Thuận thông qua Nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa.

Quang cảnh Kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)
Sáng 28/4, Hội đồng Nhân dân các tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận đã họp và thông qua nghị quyết về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính.
Quảng Ngãi thống nhất chủ trương hợp nhất với tỉnh Kon Tum
Tại Kỳ họp thứ 33 (kỳ họp chuyên đề), khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh năm 2025; Nghị quyết về chủ trương hợp nhất tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum.
Theo Nghị quyết được thông qua, 100% đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Sau sắp xếp, Quảng Ngãi còn lại 56 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 49 xã, 6 phường và 1 đặc khu Lý Sơn.
Tại kỳ họp, 100% đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tán thành chủ trương hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum để thành lập tỉnh Quảng Ngãi (mới).
Tỉnh Quảng Ngãi sau hợp nhất sẽ có diện tích 14.832,548km2, quy mô dân số hơn 2.114.700 người; trung tâm hành chính-chính trị sẽ đặt tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.
Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và Đề án hợp nhất tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum.
Kết quả cho thấy các cử tri đại diện hộ gia đình tại Quảng Ngãi cơ bản đồng ý với Đề án hợp nhất hai tỉnh và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Cũng tại kỳ họp, các đại biểu thảo luận, biểu quyết, thống nhất thông qua 10 Nghị quyết khác liên quan đến các vấn đề kinh tế, xã hội tại địa phương.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết thời gian tới, cùng với cả nước, tỉnh đồng hành, thực hiện nhiều nhiệm vụ với yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, nhất là tác động từ việc sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy Nhà nước.
“Hội đồng Nhân dân tỉnh tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự chung tay, đồng hành của đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, công tác quản lý, điều hành của Ủy ban Nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, cùng sự đồng thuận của các cấp, ngành, thành phần kinh tế và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất định địa phương sẽ vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2025," bà Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh đề nghị, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở, ban, ngành và các địa phương khẩn trương thực hiện các nghị quyết vừa được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua, đảm bảo các nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.
Hợp nhất Ninh Thuận và Khánh Hòa: Mở rộng không gian phát triển
Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 25 và thông qua 20 nghị quyết; trong đó có 2 nghị quyết rất quan trọng liên quan đến sắp xếp các đơn vị hành chính; 12 nghị quyết về tài chính, ngân sách, đầu tư công, đất đai, một số chính sách về an sinh xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh, tạo cơ sở pháp lý để Ủy ban Nhân dân tỉnh điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Theo Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, kỳ họp nhằm kịp thời triển khai các quyết sách quan trọng theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; đồng thời, giải quyết công việc phát sinh liên quan đến tài chính, ngân sách, đầu tư công, đất đai, một số chính sách về an sinh xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 25 Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận thống nhất biểu quyết thông qua Nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại Khánh Hòa. Tỉnh Khánh Hòa có diện tích trên 8.555km2, quy mô dân số 1.882.000 người.
Việc hợp nhất hai tỉnh liền kề có điều kiện tương đồng, tạo thuận lợi cho việc tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; đồng thời mở rộng không gian phát triển, tạo điều kiện để bố trí, sắp xếp, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp yêu cầu phát triển.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận thống nhất biểu quyết sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Cụ thể, tiếp tục duy trì 3 ban thuộc Hội đồng Nhân dân; nhập nguyên trạng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân hai tỉnh, dự kiến số lượng cơ quan chuyên môn của tỉnh sau khi sắp xếp là 13 cơ quan.
Tỉnh thành lập một Ban Quản lý Khu Kinh tế và Khu công nghiệp trên cơ sở tổ chức lại Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong tỉnh Khánh Hòa và Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận; thống nhất 8 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Về phương án sắp xếp bố trí cán bộ, công chức giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh sau sắp xếp thực hiện theo kết luận của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Đồng thời, các đại biểu thống nhất biểu quyết sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, phường với tên gọi phù hợp địa danh, văn hóa, lịch sử, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Như vậy, bộ máy mới sẽ còn 24/62 đơn vị hành chính, gồm 19 xã, 5 phường, đạt 61,3%.
Ông Phạm Văn Hậu, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, cho biết công tác xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính được tỉnh chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc, chặt chẽ, theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, đạt đồng thuận cao của xã hội, cán bộ đảng viên và hệ thống chính trị.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện các nghị quyết; tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động phối hợp các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện bước tiếp theo, đảm bảo các nghị quyết sớm đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao nhất./.