Tình yêu với công việc và các bệnh nhân đã giúp các bác sĩ không ngừng nỗ lực
Theo các y, bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện (BV) 09 ở Thanh Trì, Hà Nội - nơi điều trị cho nhiều bệnh nhân HIV/AIDS, chính tình yêu với công việc và các bệnh nhân đã giúp họ không ngừng nỗ lực, gắn bó với nghề. Chỉ mong các bệnh nhân sớm khỏe để trở về với cuộc sống thường ngày.
Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2:
Tính đến nay, chị Ninh Thị Biên (38 tuổi) - điều dưỡng Khoa Lao đã có 14 năm công tác tại BV 09. Công việc hàng ngày của chị là điều trị cho những bệnh nhân HIV/AIDS, có bệnh lý Lao kèm theo. Trong số đó có người ở giai đoạn cuối.
Chia sẻ về cơ duyên công tác tại BV 09, chị Biên cho biết khi xin vào làm tại BV, chị chỉ muốn tìm một công việc ổn định, không hề nghĩ công việc tại đây lại nguy hiểm và vất vả đến thế. Làm việc, chị Biên tiếp xúc với các bệnh nhân nghiện ma túy, HIV/AIDS. Chị cũng không dám kể về công việc của mình cho bạn bè và hàng xóm biết bởi khi đó, nhiều người vẫn kỳ thị những bệnh nhân HIV/AIDS.
Ngay cả khi yêu chồng mình, chị Biên cũng không dám tiết lộ với anh. Chỉ khi xác định cưới nhau, chị mới giãi bày tâm sự với chồng. Rất may là anh thấu hiểu và ủng hộ công việc của vợ. Chị Biên cho biết thêm, ngoài chồng và những người lớn trong gia đình, các con chị cũng không biết công việc cụ thể của mẹ, chỉ biết mẹ làm ở BV. Chị tin sau này lớn lên các con sẽ hiểu công việc của mình.
Chị Biên chia sẻ, bệnh nhân vào điều trị tại BV 09 đều được bảo mật thông tin. Có người giấu người nhà nên việc chăm sóc bệnh nhân hầu như đều do các y, bác sĩ và điều dưỡng đảm nhận. Không chỉ điều trị bệnh, nhiều bệnh nhân có sức khỏe yếu, chị Biên lại tận tình chăm sóc việc ăn uống, nghỉ ngơi. Chị cũng thường xuyên động viên các bệnh nhân lạc quan, vui vẻ, để hiệu quả điều trị tốt hơn.
Khi được hỏi đã bao giờ chị có ý định xin nghỉ công việc này, chị Biên bảo, trước đây đã có lần định chia tay công việc điều dưỡng này, bởi nó quá áp lực. Tuy nhiên, sau đó, chị quyết định tiếp tục bước tiếp.
Chị Biên tâm sự công việc nguy hiểm, vất vả nhưng các y, bác sĩ và điều dưỡng của BV đều nỗ lực hết mình, chỉ mong sức khỏe người bệnh tiến triển tốt. Cứu được các bệnh nhân, giúp họ quay trở về cuộc sống thường ngày chính là điều đáng quý nhất. Tình yêu với công việc, dành cho bệnh nhân chính là điều thôi thúc chị gắn bó lâu dài với công việc.
Cũng chính tình cảm thiêng liêng đó đã kết nối các y, bác sĩ, điều dưỡng của BV lại với nhau. Họ cùng động viên, truyền cảm hứng tích cực cho nhau để mang đến những điều tốt đẹp cho các bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng Khoa Nội tổng hợp có thâm niên 25 năm làm việc tại BV 09. Bác sĩ Hưng cho biết, các bệnh nhân HIV/AIDS bị suy giảm miễn dịch nên rất dễ nhiễm các loại bệnh khác. Tại đây không chỉ có các bệnh nhân bị vi rút HIV/AIDS phá hủy tế bào mà còn có cả những bệnh nhân mắc thứ bệnh ở châu lục khác, có nhiều bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, lệch chuẩn hành vi,…Điều đó khiến các bác sĩ tại BV phải tích cực học hỏi, trau dồi chuyên môn, am hiểu về các loại bệnh để có thể điều trị cho các bệnh nhân một cách tốt nhất.
Theo bác sĩ Hưng, các y bác sĩ tại BV 09 không đơn thuần là những người điều trị bệnh cho bệnh nhân mà còn là những bác sĩ tâm lý giúp điều chỉnh tâm lý, hành vi của người bệnh. Sự chia sẻ, động viên sẽ giúp các bệnh nhân có động lực cố gắng điều trị, sống tốt hơn.
Chia sẻ về hành trình gắn bó với các bệnh nhân HIV/AIDS, bác sĩ Hưng cho biết ông không nhớ nổi mình từng điều trị cho bao nhiêu bệnh nhân và cũng không nhớ hết những lần bị bệnh nhân vì bất mãn mà có hành vi thiếu chuẩn mực. Tuy công việc phải đối diện với những nguy hiểm nhưng bác sĩ Hưng vẫn cố gắng không ngừng nghỉ, trở thành người bạn đồng hành tin cậy trong hành trình chữa bệnh của nhiều bệnh nhân.
Bác sĩ Mai Thị Hường - Trưởng Khoa Khám bệnh, tư vấn và điều trị ngoại trú BV 09 cho biết, có thời điểm BV điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân ngoại trú. Hiện tại, số bệnh nhân giảm đi, duy trì khoảng 400 người. Theo bác sĩ Hường, đa phần các bệnh nhân HIV/AIDS đều có tâm lý tự ti, bi quan nên việc sẻ chia, thấu hiểu các bệnh nhân là vô cùng cần thiết. Mỗi bệnh nhân lại có một hoàn cảnh khác nhau. Trong quá trình điều trị, đòi hỏi các y, bác sĩ phải có sự đồng cảm với bệnh nhân, bởi sự thấu hiểu chính là liều thuốc tinh thần quan trọng, giúp các bệnh nhân tin tưởng, hợp tác trong việc điều trị.
Bác sĩ Hường nhớ có lần điều trị cho một bệnh nhân nam ngoài 20 tuổi bị HIV do có quan hệ tình dục không an toàn với một cô gái mại dâm. Bệnh nhân rất bi quan, thậm chí phản kháng phác đồ điều trị của các y, bác sĩ tại BV.
Khi đó, chị Hường đã bình tĩnh, động viên nam bệnh nhân này. Khi biết hoàn cảnh của bệnh nhân đã mất mẹ, chỉ còn bố đã cao tuổi, chị Hường càng đồng cảm, khuyên bệnh nhân tập trung điều trị để còn về chăm sóc bố những năm tháng tuổi già. Nhờ sự tận tình, yêu thương của bác sĩ Hường cũng như các y, bác sĩ trong BV, sức khỏe của bệnh nhân tốt hơn, được điều trị ngoại trú, tinh thần cũng vui vẻ hơn.
Có lần, bệnh nhân lên khám bệnh, còn mua hoa cảm ơn bác sĩ Hường. Bệnh nhân chia sẻ với chị, bản thân luôn cảm thấy biết ơn các y, bác sĩ vì đã cứu mình từ cửa tử. Khi nhập viện, cơ thể anh đã lở loét và tuyệt vọng cùng cực, không dám nghĩ mình có thể sống trở lại. Sau này, bệnh nhân về quê sống, vẫn giữ liên lạc với bác sĩ Hường để nhờ tư vấn.