Không có bằng chứng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít hại hơn thuốc lá thông thường

Thông tin tại Hội thảo Công bố tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 29/10 vừa qua, TS Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế), cho biết, thuốc lá điện tử có các tác hại cấp tính, hút thuốc lá điện tử có thể gây ra tổn thương phổi cấp, chấn thương do nổ pin và cháy thiết bị, ngộ độc nicotine và các chất ma túy được pha trộn. Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh và có hại, đặc biệt là sự phát triển bộ não của thanh thiếu niên.

Việc sử dụng thuốc lá điện tử có liên quan đên suy gan, rối loạn chức năng phổi, hen suyễn, tim mạch, ung thư, các bệnh răng miệng…Đáng chú ý, người sử dụng kép (sử dụng cả thuốc lá điện tử và thuốc lá truyền thống) có nguy cơ về sức khỏe cao hơn người chỉ dùng một loại; nguy cơ đột quỵ cao hơn người không hút thuốc 2,91 lần và cao hơn người hút thuốc lá điếu 1,83 lần.

Hút thuốc lá điện tử gây hại cho người sử dụng và gây ô nhiễm môi trường, hệ lụy cho xã hội.

Hút thuốc lá điện tử gây hại cho người sử dụng và gây ô nhiễm môi trường, hệ lụy cho xã hội.

Khói tỏa từ hút thuốc lá nung nóng có thành phần rất giống với khói tỏa của thuốc lá điếu, nhiều chất độc hại có khả năng gây ra nhiều bệnh, như bệnh hô hấp, tim mạch, ung thư, hệ thần kinh, hệ sinh sản, trí não, nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ mang thai, trẻ em và vị thành niên. Đáng chú ý, chưa có đủ bằng chứng để chứng minh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là sản phẩm giảm hại. Tuyên bố “thuốc lá điện tử giảm hại hơn 95% so với thuốc lá điếu thông thường” là thiếu bằng chứng.

Theo TS Phương, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, không có bằng chứng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít hại hơn thuốc lá thông thường. Cả hai đều chứa nicotine gây nghiện và có hại, đặc biệt với não bộ trẻ em. Một số sản phẩm thuốc lá điện tử chứa các chất độc hại ở mức bằng và cao hơn thuốc lá điếu thông thường.

Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới không xác nhận thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện. Có bằng chứng việc hút thuốc lá điện tử có thể kéo dài tình trạng nghiện nicotine và cản trở việc cai thuốc; việc khuyến khích người hút thuốc chuyển sang thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không giúp bỏ thuốc lá mà gây hại hơn do sử dụng kéo dài.

Theo báo cáo của các cơ sở y tế, năm 2023, tại Việt Nam đã ghi nhận có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Triệu chứng nhập viện là dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp, đột quỵ não. Trong đó các ca nhập viện, có 5,8% người dưới 18 tuổi; 10,5% là nữ; 6,6% sử dụng một lần đầu tiên; 89,6% sử dụng kép (có sử dụng thuốc lá thông thường).

Bên cạnh gánh nặng bệnh tật, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn gây hệ lụy đến xã hội, ô pnhiễm môi trường. Thuốc lá điện tử có thể tăng nguy cơ sử dụng ma túy do người dùng có thể tự pha chế dung dịch, pha trộn các chất cấm như cần sa tổng hợp, ketamin, heroin và thuốc lá, đặc biệt là giới trẻ. Chất thải, hỏa hoạn và tạo ra các loại hạt vật chất trong không khí trong nhà cũng như các chất thải bỏ từ các sản phẩm này ra môi trường như: thiết bị nhựa dùng một lần, hộp đựng, bao bì, chất lỏng điện tử.

Vì vậy, theo TS Nguyễn Khánh Phương, trên cơ sở những phát hiện mới, khuyến cáo từ Tổ chức Y tế thế giới, các cơ quan chức năng, báo cáo đề xuất các biện pháp ngăn chặn thuốc lá mới ở Việt Nam hiện nay là: Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối, bán và quảng cáo, khuyến mại, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở Việt Nam.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/khong-co-bang-chung-thuoc-la-dien-tu-thuoc-la-nung-nong-it-hai-hon-thuoc-la-thong-thuong-i749179/
Zalo