Tình yêu của đất, nước và lửa…

8 họa sỹ và nhà điêu khắc, cùng tụ về Bát Tràng để tiếp tục chơi với Gốm Tết, đánh thức những cơn ngái ngủ của đất, một lần nữa mở ra không gian bất tận của sự sinh sôi nẩy nở mang tên Phồn, nơi đất - nước - lửa cùng hòa quyện, làm bừng lên vẻ đẹp bí ẩn đã tích tụ qua nhiều năm tháng…

Những ngày tháng Chạp, không khí Tết len lỏi khắp các con đường ngược xuôi người qua lại. Nhà điêu khắc Lê Anh Vũ trong studio tại Giang Cao (Bát Tràng - Gia Lâm - Hà Nội)… đang tỉ mẩn hoàn thiện tác phẩm của mình, chuẩn bị cho mẻ nung mới, kịp ngày khai mạc triển lãm Phồn 3. Mầm, ý tưởng xuyên suốt của Vũ, càng được nhấn nhá thêm trong loạt tác phẩm lần này, không chỉ hướng về sức sống của tự nhiên, sự sinh sôi nẩy nở trong cõi nhân gian mà còn nối dài con đường của người cha - nhà điêu khắc - nghệ nhân Lê Quang Chiến - để lại.

Lê Anh Vũ cùng những người anh, những đồng nghiệp chung niềm yêu thích với gốm tập hợp tại “Phồn 3”, “Trại sáng tác gốm nghệ thuật lần thứ 3”, “chuỗi thường niên do các nghệ sỹ khởi xướng và thực hiện”… 8 nghệ sỹ gồm 6 nhà điêu khắc, 2 họa sỹ gồm: họa sỹ Phạm Hà Hải, Mai Đại Lưu; nhà điêu khắc Lê Lạng Lương, Khổng Đỗ Tuyền, Hoàng Mai Thiệp, Trần Trọng Tri, Đào Tân, Lê Anh Vũ… sau chuỗi ngày dài “vầy” đất, đã thu được thành quả là hơn 30 tác phẩm ẩn chứa được sức nặng của thời gian.

Không gian trưng bày Triển lãm Phồn 3

Không gian trưng bày Triển lãm Phồn 3

Như cách mà họa sỹ Mai Đại Lưu chiêm nghiệm: “Đất là một chất liệu kì lạ và lôi cuốn trong sáng tác nghệ thuật, rất khó nắm bắt và hiểu được đất. Đến với gốm như một sự tự nhiên và đất trở thành chất liệu trong sáng tác nghệ thuật nhiều năm qua. Từ những trải nghiệm đầu tiên khi chạm vào những khối đất ướt thô ráp nhưng lại rất mềm mại, chạm vào đất mọi giác quan trên tay cảm nhận được khí - đất - nước - lửa - con người”..., qua quá trình nung nóng trong nguồn nhiệt hàng nghìn độ, đã hiển hiện thành những tác phẩm mang đủ ẩn dụ riêng của mỗi cá nhân nghệ sỹ trước tự nhiên, con người cũng như cuộc sống đương thời…

Gốm vài năm trở lại đây, không còn là mặt hàng thủ công truyền thống được người tiêu dùng ưa chuộng, mà qua khả năng sáng tạo của các nghệ sỹ tạo hình, đã thành tác phẩm độc lập - một đối tượng được các nhà sưu tầm nghệ thuật nhắm đến. Theo tự bạch của chính các nghệ sỹ tham gia “Phồn 3”: “Gốm truyền thống Việt Nam từ sớm đến hết thời trung đại được xếp vào những quốc gia nổi bật trong khu vực châu Á bởi vẻ đẹp và sức hút riêng. Ngày nay, rất nhiều vật liệu tham gia thay thế công năng gốm trong đời sống, song ngay cả sự xâm lấm ấy vẫn chỉ thêm khẳng định sức sống của gốm, đặc biệt ở mảng gốm nghệ thuật đang sôi nổi chuyển biến sáng tạo, ngày càng thêm thú vị, sâu lắng, lộng lẫy…”, mỗi tác phẩm trưng bày ở triển lãm đón chào xuân Quý Tị 2025, dù là những chiếc bình mang lớp men “cổ tích” được biến hóa qua hàng giờ miết tay của Phạm Hà Hải, Mai Đại Lưu, hay rờ rỡ sức sống đời thường trong thành quả của các nhà điêu khắc “chơi” gốm…, thì đấy đều đích thực là biểu hiện của Đẹp…

Tác phẩm của các nghệ sỹ.

Tác phẩm của các nghệ sỹ.

Đúng theo cách họa sỹ Phạm Hà Hải bày tỏ: “cuối cùng, công việc tạo tác của người nghệ sỹ với đất, màu, men dù chủ động đến bao nhiêu thì còn nguyên sự huyền diệu của lửa để tác thành thẩm mỹ, và cả tình yêu của từng cá nhân với gốm”… Điểm đến của “sự huyền diệu” tình yêu với gốm của các nghệ sỹ tham gia “Phồn 3”, đã hiện diện tại Phòng trưng bày “Phạm Hà Hải art studio” (tòa nhà PAC2, 6/15 An Dương Vương, Tây Hồ, Hà Nội) để chào đón năm mới hanh thông may mắn, sinh sôi nẩy nở ngập tràn…

Ngô Hương Sen

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/tinh-yeu-cua-dat-nuoc-va-lua-i756883/
Zalo