Tình trạng 'tranh mua, tránh bán' hủy hoại ngành điều Việt Nam
Tình trạng tranh mua, tránh bán khiến nhiều nhà chế biến điều phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động, nguy cơ gây đứt gãy chuỗi cung ứng điều Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Trung tâm của ngành điều toàn cầu
Việt Nam là nước chế biến và xuất khẩu nhân điều lớn nhất, cũng là quốc gia nhập khẩu điều thô nhiều nhất thế giới. Theo Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), Việt Nam đang nhập khẩu tới gần 65% sản lượng điều thô và chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu trên thị trường thế giới.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu điều của cả nước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2022, đạt 3,6 tỷ USD. Trong đó việc xuất khẩu điều sang một số thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan ghi nhận tăng trưởng cao.
Cụ thể, xuất khẩu hạt điều sang Mỹ đạt 885 triệu USD, tăng 5% so với năm 2022 và chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Với thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu điều đạt 683 triệu USD, tăng 55% so với năm 2022 và chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu điều của cả nước. Còn tại Hà Lan, cửa ngõ của thị trường EU, trong năm 2023, Việt Nam đạt 353 triệu USD kim ngạch xuất khẩu điều, tăng 19% so với năm 2022 và chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu điều.
Theo dự báo của Vinacas, thị trường hạt điều toàn cầu được sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. Xu hướng ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật trên toàn cầu đã làm cho nhu cầu về các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt tăng cao, trong đó có hạt điều.
“Tuy kinh tế thế giới suy yếu, lạm phát tăng cao và xung đột quốc gia tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến ngành điều toàn cầu, Việt Nam vẫn kỳ vọng vào những chuyển động tích cực trong năm 2024 và xuất khẩu điều sẽ tiếp tục giữ được tăng trưởng cao để hướng tới mốc kỷ lục mới là 3,8 tỷ USD”, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch Vinacas chia sẻ.
Doanh nghiệp điều tự đá vào chân nhau
Là quốc gia đứng đầu chuỗi cung ứng điều toàn cầu nhưng Việt Nam không thể tự chủ toàn bộ nguồn nguyên liệu đầu vào. Ước tính nguồn cung hạt điều thô nội địa chỉ đáp ứng đủ 30% nhu cầu chế biến và xuất khẩu, 70% còn lại phải nhập khẩu từ các nguồn bên ngoài như châu Phi, Indonesia, Campuchia, Bờ Biển Ngà,…
Những năm vừa qua, một số nước có sản lượng điều thô lớn đã bắt đầu áp dụng chính sách bảo hộ, áp thuế, phí xuất khẩu dẫn đến giá điều thô làm nguyên liệu đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn khách quan từ môi trường thế giới, một nguyên nhân khác đẩy giá điều thô lên cao là do doanh nghiệp Việt Nam tự cạnh tranh lẫn nhau, mà theo lời của ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas, là “tự đá vào chân nhau”.
Như trong năm 2023, tuy xuất khẩu hạt điều tăng trưởng tốt cả về lượng và kim ngạch, nhưng đại đa số các doanh nghiệp ngành điều lại không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Nguyên nhân chính là do vào đầu vụ, nhiều nhà máy đã ồ ạt mua điều thô với giá cao do tiếp nhận các thông tin không đúng về mùa vụ, sản lượng từ các nhà môi giới, dẫn đến tình trạng “tranh mua” đẩy giá điều lên cao. Sau này do chịu áp lực lực tài chính, các doanh nghiệp lại “tranh bán” điều nhân, khiến khách nước ngoài lợi dụng để ép giá. Các nhà máy, doanh nghiệp không cân đối được bài toán giá cả giữa điều thô và điều nhân buộc phải cắt giảm sản lượng, thậm chí rơi vào tình trạng đóng cửa.
Nếu để tình trạng đóng này diễn ra hàng loạt trong năm 2024, chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu sẽ bị đứt gãy, dẫn tới điều nhân trên thị trường bị thiếu hụt và điều thô sẽ dư thừa.
“Như vậy, sẽ gây ra thiệt hại chung cho toàn chuỗi cung ứng hạt điều và dẫn tới nhiều hệ lụy, mà nguy cơ lớn nhất là nông dân ở nhiều quốc gia sẽ bỏ bê cây điều do không tiêu thụ được điều thô. Nếu nông dân thờ ơ với cây điều, sẽ ảnh hưởng rất lớn về lâu dài tới chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu”, vị chủ tịch Vinacas lưu ý.
Trong bối cảnh nhu cầu thị trường vẫn đang khả quan, ông Phạm Văn Công cho rằng các nhà cung cấp nguyên liệu, nhà môi giới, nhà thu mua, nhà chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ phải bắt tay nhau, cùng định hình lại vai trò, trách nhiệm của mình trong việc liên kết, hợp tác song phương và đa phương. Đặc biệt, sự minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các bên trong chuỗi giá trị là cơ sở để hợp tác và phát triển bền vững trên tinh thần “cùng thắng”.
"Mục tiêu là làm sao để chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu được vận hành suôn sẻ, hài hòa được lợi ích của tất cả các bên, từ nông dân trồng điều, nhà thương mại điều thô, các nhà chế biến, xuất khẩu điều nhân tới các nhà rang chiên, bán lẻ điều nhân", ông Công chia sẻ.
Một số thương nhân ngành điều khuyến nghị để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp không nên vội vàng mua điều thô dự trữ với khối lượng lớn ngay từ đầu vụ, vì sản lượng điều năm nay được dự báo là khá dồi dào. Thay vào đó, doanh nghiệp cần bình tĩnh, đợi khi giá điều thô ở mức hợp lý mới tiến hành mua, và chỉ nên mua điều thô khi đã có hợp đồng xuất khẩu điều nhân để cân đối được giá thành.