Tính toán lại chuẩn xác mức đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao
Chiều 20/11, thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết đầu tư dự án. Với tinh thần bàn làm, không bàn lùi, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến về hiệu quả tài chính, kinh tế - xã hội của dự án, khả năng cân đối các nguồn vốn, phạm vi, quy mô, phân kỳ đầu tư và sự tham gia của các thành phần kinh tế.
Đã đủ điều kiện để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam đã thỏa mãn 2 điều kiện cần và đủ. Đó là tỷ lệ nợ công thấp, ở mức 37% GDP là dư địa tốt để huy động thêm khoảng 67 tỷ USD trong vòng 10 năm. Khi đó, nợ công tăng lên khoảng 45% GDP, thấp hơn rất nhiều so với trần nợ công cho phép 60%.
Nước ta có hình thể kéo dài, lưu thông hàng hóa và nhu cầu kết nối các trung tâm kinh tế dọc hành lang kinh tế Bắc - Nam rất lớn. Nhiều khu vực có tiềm năng phát triển nhưng chưa khai thác được là do nút thắt về chi phí logistics cao, quy mô nền kinh tế chúng ta đang đà tăng lên nhanh nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa dọc hành lang kinh tế Bắc - Nam trong thời gian tới sẽ tăng rất lớn, đại biểu phân tích.
Mặc dù rất cần thiết và đủ khả năng đầu tư, nhưng đại biểu lưu ý đây là một dự án đầu tư rất lớn, có tầm quan trọng đối với sự phát triển lâu dài và ảnh hưởng rất nhiều lĩnh vực phát triển của đất nước, do vậy cần phải được đánh giá rất kỹ với góc nhìn đa chiều, lựa chọn được phương án phù hợp nhất.
Trong đó, đại biểu nhấn mạnh việc đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải đảm nhận chức năng vận tải lưỡng dụng cả hành khách và hàng hóa, không phải chỉ vận tải hàng hóa trong trường hợp cần thiết.
Nếu chỉ vận tải hành khách sẽ lãng phí khoảng 50% công suất, doanh thu chỉ chở hành khách sẽ không đủ bù đắp chi phí vận doanh và có nguy cơ sẽ bị thua lỗ rất lớn, giống như tuyến Đài Bắc - Cao Hùng của Đài Loan.
Hơn nữa, nếu không vận tải hàng hóa sẽ không giải quyết được nút thắt về logistics, không đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa dọc hành lang kinh tế Bắc - Nam và không liên vận được với đường sắt quốc tế.
Đồng thời, đại biểu cho rằng việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để chúng ta làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước, rút bài học kinh nghiệm từ 3 tuyến đường sắt tại Hà Nội và TP. HCM do nhà đầu tư nước ngoài thi công trọn gói.
Nhìn lại thực tế triển khai một số dự án quan trọng quốc gia trước đây, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét nhiều vấn đề.
Đó là sự đồng bộ trong quy hoạch, nhất là quy hoạch rừng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch mạng lưới giao thông… Công nghệ lựa chọn cho dự án phải hiện đại nhưng đảm bảo tính phổ quát nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn đối tác cung cấp sản phẩm và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Bàn để làm, để lường hết khó khăn
Về các nhà ga, theo hồ sơ dự án, ga hành khách tại một số địa phương được bố trí cơ bản không nằm trong các vị trí trung tâm đô thị hiện nay. Trong khi đó, để đảm bảo tối đa hiệu quả dự án thì các vị trí ga phải được bố trí thuận lợi, thu hút được nhiều hành khách nhất. Đại biểu đề nghị khi tập báo cáo nghiên cứu khả thi cần làm rõ lý do cơ sở lựa chọn vị trí các ga của dự án, nhất là tính kết nối giữa các phương tiện vận tải và đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo tính hấp dẫn thuận lợi của ga.
Đối với tổng mức đầu tư gắn với hiệu quả dự án, đại biểu chỉ ra hồ sơ dự án chưa tính giá đền bù, hỗ trợ tái định cư theo Luật Đất đai mới, chưa tính toán thời điểm, nguồn lực để nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có để phục vụ vận tải hàng hóa.
Ở bước nghiên cứu khả thi, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn lưu ý về số liệu dự báo nhu cầu vận tải, chính sách giá vé, chi phí Nhà nước bù lỗ trong những năm đầu khai thác để đảm bảo tính khả thi của dự án, làm rõ phương án tăng, giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và khả năng trả nợ của doanh nghiệp khi tiếp nhận phương tiện để khai thác.
Đại biểu đề nghị khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi cần đánh giá tác động của quá trình tái cơ cấu thị phần của 5 phương thức vận tải, bao gồm cả vốn đầu tư công cho đường bộ cao tốc, cảng thủy, cảng hàng không, nâng cấp đường sắt hiện hữu; đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, Lào, Campuchia và đường sắt đô thị để đảm bảo cân đối được nguồn lực đầu tư công cho các lĩnh vực cũng như chuẩn xác lại tổng mức đầu tư của dự án.
Với tinh thần bàn để làm, bàn để lường hết những khó khăn trong quá trình thực hiện, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho hay, đây là một dự án lớn nhất trong lịch sử, với số vốn đầu tư 67 tỷ USD.
Đại biểu Dương Khắc Mai lưu ý, ngân sách còn rất nhiều nhiệm vụ chi, nhiều dự án quan trọng khác phải thực hiện. Trong đó, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ riêng 4 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, Lào thì tổng mức đầu tư đã lên đến 27,1 tỷ USD.
Mặc dù trong tờ trình của Chính phủ đã nêu các số liệu về ngân sách để thực hiện dự án là đảm bảo nhưng xuất phát từ thực trạng các dự án đầu tư công hiện nay, để có thể yên tâm hơn khi tham gia quyết định, đại biểu đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về khả năng thu xếp, cân đối vốn ra sao để từ đó đánh giá khả năng chi trả của ngân sách nhà nước, sức chịu đựng của nền kinh tế, tác động đến nợ công…
Làm rõ giải pháp đảm bảo tiến độ dự án
Về tiến độ thực hiện dự án và tổ chức thực hiện, đại biểu Dương Khắc Mai băn khoăn khi việc thực hiện dự án đường sắt đô thị thời gian qua cho thấy gặp nhiều khó khăn, dẫn đến vốn tăng cao, kéo dài về thời gian hoàn thành rất nhiều so với mức phê duyệt ban đầu.
Dù đã áp dụng các chính sách đặc thù, nguồn cung nguyên vật liệu vẫn thiếu, giải phóng mặt bằng vẫn chậm... Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ để có giải pháp hữu hiệu khắc phục những tồn tại này, đảm bảo hoàn thành dự án đúng kế hoạch và cung cấp cho các đại biểu Quốc hội yên tâm khi bấm nút quyết định.