Tính toán kịch bản nâng đời cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Cần có thêm những nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn để giúp phương án mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 1.144 km lên quy mô 6 làn xe, đảm bảo khả thi khi triển khai trên thực địa.

Làm rõ nhu cầu mở rộng

Sự cẩn trọng, tinh thần trách nhiệm cao là điều có thể nhận thấy trong Công văn số 4722/BTC - ĐT vừa được Bộ Tài chính gửi Bộ Xây dựng để tham gia ý kiến đối với Báo cáo nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025 theo quy mô cao tốc hoàn chỉnh.

Theo Bộ Tài chính, việc nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường cao tốc phân kỳ theo quy mô quy hoạch, trong đó có 18 dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2021 và 2021 - 2025 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Để đảm bảo đủ cơ sở, tính toàn diện trước khi báo cáo các cấp có thẩm quyền, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học để làm rõ sự cần thiết phải đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong bối cảnh các dự án vừa hoàn thành đưa vào sử dụng.

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (CT.01) có điểm đầu tại cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), điểm cuối tại TP. Cà Mau (tỉnh Cà Mau), tổng chiều dài khoảng 2.055 km (chiếm 22% tổng chiều dài mạng lưới cao tốc), quy mô từ 6 đến 12 làn xe.

Cụ thể, Bộ Xây dựng cần rà soát lưu lượng xe thực tế, tính toán, dự báo nhu cầu để xác định mặt cắt ngang của từng đoạn tuyến trên cơ sở khoa học, lưu ý có tính đến việc chia sẻ lưu lượng khi Nhà nước sẽ tiến hành thu phí các dự án đầu tư công, phân lưu giữa các loại hình giao thông vận tải khác để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Nội dung lưu ý thứ hai mà Bộ Tài chính đưa ra là cơ quan đề xuất chủ trương đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam lên quy mô quy hoạch, sớm đánh giá việc hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án.

Trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án đang thi công; sự sẵn sàng về mặt bằng thi công, điều kiện thi công, điều kiện thủ tục đầu tư; biện pháp, giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện (trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hợp đồng dự án PPP); khả năng đáp ứng về vật liệu xây dựng...

Nội dung lưu ý thứ ba là Bộ Xây dựng cần căn cứ các quy định của Luật PPP, Luật Đường bộ 2024, Nghị định số 165/2024/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ 2024 và Điều 77, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 để đánh giá phương án đầu tư, thuyết minh cơ sở đề xuất việc sử dụng vốn đầu tư công để tiến hành mở rộng các dự án đang được đầu tư theo phương thức PPP.

Nội dung lưu ý quan trọng thứ tư là việc Bộ Xây dựng được đề nghị nghiên cứu, phân tích rõ cơ sở pháp lý của việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2021-2025, kèm theo việc mở rộng các dự án của giai đoạn 2017-2020.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung nội dung liên quan tới hiệu quả đầu tư dự án đã đầu tư trong giai đoạn 2017-2025, có lãng phí không, có đảm bảo tiết kiệm không?

Bổ sung kịch bản đầu tư

Trước đó, tại Công văn số 727/BXD - KHTC, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho ý kiến về chủ trương đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo quy mô quy hoạch (6 làn xe), thời gian khởi công là quý IV/2025.

Trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng giao là đầu mối triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo hướng điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, kèm theo các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ.

Dự kiến, có 18 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông hiện có quy mô 4 làn xe hạn chế hoặc 4 làn xe tiêu chuẩn, với tổng chiều dài đầu tư khoảng 1.144 km sẽ được nâng cấp, mở rộng lên quy mô 6 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư là 152.135 tỷ đồng.

Liên quan đến kinh phí triển khai đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo quy mô quy hoạch, Bộ Tài chính cho rằng, tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nội dung “phát triển hệ thống đường bộ cao tốc đạt mục tiêu 5.000 km vào năm 2030”.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung kịch bản đầu tư các dự án đường bộ cao tốc khác để đạt được 5.000 km, có tính toán đến việc hoàn thiện theo quy hoạch các cao tốc trục ngang, đầu tư bổ sung các nút giao, các tuyến kết nối... trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, để đạt mục tiêu này trong bối cảnh ngân sách nhà nước phải dành nguồn vốn tiếp tục mở rộng các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, từ Mai Sơn (Thanh Hóa) đến Dầu Giây (Đồng Nai).

Bộ Xây dựng cũng được đề nghị rà soát, đánh giá kỹ khả năng giải ngân trong năm 2025 theo tiến độ thực hiện phương án đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025, đảm bảo số vốn đề xuất bố trí phù hợp với tiến độ, khả năng thực hiện và giải ngân...

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tinh-toan-kich-ban-nang-doi-cao-toc-bac---nam-phia-dong-d268615.html
Zalo