Tình tiết không thể ngờ về hộp đen trong vụ tai nạn máy bay Jeju Air
Sau thảm họa hàng không của hãng Jeju Air xảy ra hôm 29/12/2024 khiến 179 người thiệt mạng, giới chức Hàn Quốc đã gửi hộp đen của chiếc máy bay xấu số đến Ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Mỹ tại Washington để tiến hành phân tích, với hy vọng làm sáng tỏ nguyên nhân dẫn tới vụ việc. Tuy nhiên, một thông báo bất ngờ liên quan tới dữ liệu hộp đen đã được Seoul đưa ra vào sáng 11/1 (giờ địa phương).
Liên quan tới thảm kịch máy bay của hãng Jeju Air xảy ra hồi cuối tháng 12 vừa qua, sáng 11/1, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Vận tải Hàn Quốc (MOLIT) thông tin, thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) và ghi âm buồng lái trên máy bay của hãng đã ngừng hoạt động 4 phút trước khi máy bay đâm vào một bức tường bê tông tại sân bay Muan (Hàn Quốc).
Thông báo có đoạn: "Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đã phân tích hộp đen của phi cơ Jeju Air gặp nạn ở Muan, kết luận rằng cả hai thiết bị đã ngừng ghi dữ liệu từ 4 phút trước khi máy bay đâm vào đài tín hiệu dẫn đường".
Viện Nghiên cứu Hàng không Hàn Quốc cho hay, sẽ tiến hành điều tra nhằm xác định nguyên nhân dẫn tới tình trạng này: "Dữ liệu từ hai hộp đen rất quan trọng với quá trình điều tra. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để phân tích các nguồn thông tin khác nhau và tìm ra nguyên nhân".
Được biết, việc trích xuất FDR của chiếc Boeing 737-800 xấu số đã bắt đầu hôm 9/1. Trước đó, FDR được đưa đến Ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Mỹ tại Washington để tiến hành phân tích. Phía Hàn Quốc cho biết đã phải cân nhắc nhiều yếu tố trước khi đưa vật chứng quan trọng này sang Mỹ để sửa chữa và trích xuất dữ liệu.
Hôm 29/12/2024, máy bay của hãng Jeju Air chở 181 người trở về từ Bangkok đã bị rơi khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Muan ở quận Muan, phía Tây Nam Hàn Quốc. Ngoại trừ hai tiếp viên hàng không may mắn sống sót, 179 người còn lại đều đã thiệt mạng. Tất cả 179 thi thể đã được tìm thấy, trong đó 151 thi thể đã được bàn giao cho gia đình, cùng một số đồ đạc cá nhân đã được xác định.
Các đánh giá ban đầu nói rằng tai nạn có thể bắt nguồn từ va chạm với chim, khiến bộ phận hạ cánh của máy bay bị hỏng. Một số nhân chứng cũng cho biết đã nhìn thấy máy bay đâm phải chim, khiến động cơ bên phải tóe lửa và tạo ra tiếng nổ lớn.
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng đề cập tới tường bê tông cuối đường băng sân bay, khi xuất hiện video cho thấy chiếc Boeing 737-800 vỡ vụn và bốc cháy khi đâm vào công trình này. Giới chức Hàn Quốc cũng đang điều tra về vai trò và khả năng tác động của bức tường bê tông tới vụ tai nạn.
Trong một diễn biến có liên quan, Reuters cùng ngày dẫn thông tin từ MOLIT cho biết, trước khi xảy ra vụ tai nạn nêu trên, Jeju Air đang trên đà phát triển thần kỳ, là hãng khai thác nhiều chuyến bay hơn bất kỳ hãng hàng không lớn nào khác ở Hàn Quốc, vượt trội hơn hầu hết các hãng bay toàn cầu như Ryanair (Ireland) và AirAsia (Malaysia).
Theo MOLIT, trong hồ sơ nộp lên sàn giao dịch chứng khoán, so với năm 2022 thì số giờ sử dụng máy bay chở khách hàng tháng của Jeju Air năm 2023 tăng gần gấp đôi, lên mức 412 giờ, cao hơn Korean Air với 332 giờ và Asiana Airlines với 304 giờ.
Công ty phân tích hàng không Cirium đánh giá, năm 2024 Jeju Air đã bay nhiều chuyến hơn mỗi ngày với 11,6 giờ bay, cao hơn hầu hết các hãng hàng không giá rẻ khác. Riêng chiếc máy bay Boeing 737-800 trong thảm kịch này đều có lịch bay hàng ngày trong năm 2024.
Các chuyên gia cho biết, tỷ lệ sử dụng máy bay cao trong ngành hàng không được coi như một chỉ số về hiệu quả kinh tế, đặc biệt là ở các hãng hàng không giá rẻ. Nhưng nó cũng làm dấy lên các lo lắng về vấn đề bảo trì, bảo dưỡng. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc điều hành của Jeju Air Kim E Bae - người bị cấm xuất cảnh trong quá trình điều tra, từng khẳng định hoạt động bảo dưỡng của hãng tuân thủ các tiêu chuẩn quy định.