Tỉnh thức... giữa đời
Trong cõi đời này, ai cũng mưu cầu một chữ An, cũng khao khát kiếm tìm hạnh phúc. Nhưng chính sự mưu cầu ấy đã khiến con người trượt đi rất xa và cứ mãi luẩn quẩn, không thoát ra được. Càng mong lại càng chẳng thấy; càng tìm mọi cách để chạy theo chữ An thì nó lại càng rời xa mình. Chúng ta càng muốn trói buộc hạnh phúc ở lại với chúng ta thì nó lại càng vẫy vùng để rời bỏ. Vì sao vậy? 'Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi', 'Muốn an được an'... - những cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh giúp chúng ta tìm được câu trả lời cho câu hỏi ấy.

“Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi”
Chúng ta vẫn luôn sống với sự mơ hồ về hai triết thuyết đối nghịch nhau: Bất diệt hay hư không. Trong khi có những người cho rằng, chết nghĩa là hết, là hóa hư không thì cũng có nhiều người tin rằng con người chết đi là phần thể xác, linh hồn họ vẫn bất diệt và tồn tại dưới dạng thức khác. Những ám ảnh, mơ hồ ấy khiến con người cứ luẩn quẩn trong vòng tranh luận không hồi kết. Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết cuốn sách “Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi” (NXB Thế giới liên kết với Công ty CP Văn hóa sách Sài Gòn, tái bản lần thứ 9) để “hóa giải” trong ta cơn mộng mị, vô minh ấy.
“Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Với hơn 200 trang, được trình bày trong 9 chương, cuốn sách truyền tải đến độc giả thông điệp sâu sắc về ý niệm sinh - tử, có - không, tồn tại hay không tồn tại... Để từ đó, mỗi chúng ta học cách nhìn nhận lại cuộc đời, nhìn nhận lại chính mình, hiểu được giá trị của sự bất biến, vĩnh hằng và tự do trong tâm hồn, tư tưởng. Đó là đích đến cuối cùng của hạnh phúc: “Bụt dạy không có sinh, không có diệt, không có tới cũng không có đi, không giống nhau cũng không khác nhau, không có cái ngã thường hằng cũng không có hư vô. Chúng ta thì coi là có hết mọi thứ. Khi chúng ta hiểu rằng mình không bị hủy diệt thì chúng ta không còn lo sợ. Đó là sự giải thoát. Chúng ta có thể an hưởng và thưởng thức đời sống một cách mới mẻ”.
Những ý niệm về hiện hữu hay không hiện hữu, đến - đi... đã làm khổ chúng ta từ trong ý nghĩ. Thiền sư Thích Nhất Hạnh giảng giải: “Hiểu đơn giản hơn, khi nhân duyên đầy đủ thì ta biểu hiện, khi nhân duyên hết thì ẩn tàng. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không hiện hữu. Giác ngộ về không diệt, không sinh sẽ khiến chúng ta không còn sợ hãi nữa. Giác ngộ ấy không có cách nào khác ngoài thực chứng, phải tự kinh nghiệm, tu tập chính mình “để có được tánh giác, và nhờ đó sẽ đốt cháy được hết các ý niệm trong ta, để cho ta được tự do”.
Đọc “Không diệt, không sinh, không sợ hãi”, độc giả có cảm giác như đang được nghe thầy Thích Nhất Hạnh thuyết pháp. Những điều thầy muốn lan tỏa, thông điệp thầy muốn truyền tải đến với bạn đọc một cách chân thực, giản dị mà sâu sắc. Đọc sách cũng chính là cách mỗi chúng ta bước vào hành trình chữa lành chính mình: “Bản chất thực sự của chúng ta có tính cách vô sinh bất diệt. Chúng ta không cần phải đi đâu mới tiếp xúc được bản chất chân thực của mình. Sóng không cần đi tìm nước vì chính nó là nước. Chúng ta không cần đi tìm Thượng đế hay Niết bàn, hay bản chất tuyệt vời, vì chúng ta là Niết bàn, là Thượng đế”. Bằng cái tâm - cái tầm của mình, thầy Thích Nhất Hạnh nói với chúng ta rằng: “Bạn chính là điều bạn đi tìm. Bạn chính là thứ bạn đang muốn trở thành... Hãy kiên trì nhìn sâu vào chính mình và nhận biết rằng bản thể của bạn là vô sinh bất diệt”.
Thực tập nhìn sâu là gợi mở được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuốn sách. Nhìn sâu vào chính mình, sâu vào bản chất vấn đề hơn là tập trung vào những ý niệm. Và đó cũng chính là cách để vượt thoát lên trên những ý niệm. Thầy Thích Nhất Hạnh viết: “Nếu chúng ta tiếp tục nhìn sâu, ta sẽ thấy nguyên nhân của sự vật này đồng thời cũng là một kết quả của nhiều thứ khác... Nhìn sâu, chúng ta thấy không thể có thứ gì chỉ thuần là nguyên nhân. Thực tập nhìn sâu, chúng ta có thể khám phá được nhiều điều và nếu ta không bị vướng vào một chủ thuyết hay ý niệm, chúng ta sẽ có tự do để khám phá”.
Thực tập nhìn sâu giúp bạn có thể chuyển hóa khổ đau và sợ hãi. Bằng cách nào? Bằng cách thấu tỏ những biểu hiện, nhận ra sự tiếp nối của vạn vật qua những biểu hiện. Ở đó, trống rỗng là một màu nhiệm; “nhờ không mà mọi thứ đều có”. Giáo pháp của Bụt dạy ta tám ý niệm đối nghịch, gọi là tám không: không sinh - không diệt; không đến - không đi; không giống - không khác; không có cũng không không. Bạn thử hình dung, bạn lúc nào cũng khao khát đi tìm hạnh phúc, làm sao để được hạnh phúc. Nhưng quan điểm về hạnh phúc của bạn luôn bị ràng buộc bởi các ý niệm theo kiểu: “Tôi chỉ hạnh phúc nếu tôi...”. Nhưng thực chất, hạnh phúc tới từ nhiều phương, “nếu bạn có quan niệm nó chỉ tới từ một hướng thì bạn sẽ mất các cơ hội khác, vì bạn chỉ muốn hạnh phúc tới từ phương bạn đã chọn”.
Không sợ hãi là nền tảng của sự an vui. Khi nào còn sợ hãi thì chúng ta không thể có hạnh phúc. Không sợ hãi là niềm vui tuyệt đối. Khi bạn giác ngộ về cái sợ là bạn được tự do. Và giống như các bậc đại nhân, bạn sẽ bình thản cưỡi trên sóng sinh tử.
“Muốn an được an”
Cũng như “Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi”, cuốn sách “Muốn an được an” (Thái Hà Book liên kết với NXB Lao Động) nói cho chúng ta về giá trị của bằng an và cách chúng ta tìm được bằng an trong cuộc sống.
Ở cuốn sách này, độc giả cũng bắt gặp những khái niệm được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như khi đọc “Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi” và nhiều tác phẩm khác của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đó là khái niệm tỉnh thức. Vì sao Thiền sư Thích Nhất Hạnh lại giành nhiều tâm huyết để nói với chúng ta về tỉnh thức như vậy? Thiền sư cắt nghĩa: “Gốc của từ Bụt (Buddha) có nghĩa là tỉnh thức, hiểu biết. Những ai có tỉnh thức, hiểu biết thì được gọi là Bụt. Đơn giản vậy thôi”. Và khả năng tỉnh thức, theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, “còn được gọi là Phật tánh, là khả năng hiểu biết, thương yêu cũng như ý thức được những gì đang xảy ra trong thân thể, trong những cảm thọ, tri giác, tâm hành và thế giới”. Thiền sư không ngần ngại nói với chúng ta rằng: “Tất cả chúng ta đều là Bụt, bởi vì chỉ có qua chúng ta thì hiểu biết thương yêu mới trở nên xác thực và hiệu quả”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (thế danh Nguyễn Xuân Bảo, 1926 - 2022) là người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu và truyền bá Phật pháp với quan điểm “Phật giáo dấn thân”, khai mở tâm thức để có được sự tỉnh thức, hướng con người tới chánh niệm. Ông vừa là thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội, người vận động cho hòa bình có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách hay, thu hút độc giả trong và ngoài nước như: “Phép lạ của sự tỉnh thức”; “Tâm tình với Đất Mẹ”; “Hướng đi của Đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh”; “Đường xưa mây trắng”; “Từng bước nở hoa sen”, “Giận”, “Bông hồng cài áo”, “Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi”; “Muốn an được an”...
Khi đã tỉnh thức, chúng ta sẽ hiểu một điều: “Nếu tự thân ta không có hạnh phúc, bình an thì chúng ta không thể hiến tặng hạnh phúc và bình an cho ai được, kể cả những người ta thương, những người ta cùng chung sống trong mái ấm gia đình. Có bình an, hạnh phúc thì chúng ta sẽ mỉm cười và xinh tươi như bông hoa, khi đó, mọi người chung quanh ta, từ gia đình cho đến xã hội, ai cũng được thừa hưởng”.
Tìm bình an trong chính mình - một điều thật khó khăn nhưng cũng thật đơn giản. Bởi khi ấy chúng ta sẽ không cần cố gắng để đeo đuổi hạnh phúc bằng mọi cách nữa. Thay vào đó, chúng ta sống nhiều hơn, ý nghĩa hơn với hiện tại và đón nhận tất cả mọi điều bằng cái tâm tĩnh tại, cái nhìn sâu sắc, không bị lay động bởi bất kỳ “cơn giông gió” nào giữa bộn bề ngoài kia, biết cách mỉm cười trước mọi hoàn cảnh. “Chúng ta có cần cố gắng để hạnh phúc không?”. Câu trả lời là không. Chúng ta chỉ cần thưởng thức.
Không có cách nào hơn là thiền tập - tập nhìn sâu, học cách đối diện/trở về với chính mình “để thấy được những gì đang xảy ra, vì chỉ có cái đang xảy ra mới là điều quan trọng nhất”. Và nụ cười chính là biểu hiện của tâm thức thiện lành của mỗi người: “Nếu trong đời sống hằng ngày ta có thể mỉm cười, ta có khả năng bình an và hạnh phúc thì không những ta mà tất cả mọi người đều được thừa hưởng. Đó là nền tảng căn bản nhất của công việc chế tác hòa bình”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói với chúng ta về sự tỉnh thức, về giá trị của hiểu và thương, về lẽ được - mất, về cách mà chúng ta nhìn nhận vấn đề và quay về với chính mình. Vì vậy, “công việc quan trọng nhất của chúng ta là thắp sáng sự tỉnh thức, nuôi lớn hiểu biết và thương yêu”.