Tình quê
Tại Đà Nẵng, Hội đồng hương Quảng Trị là cầu nối gắn kết những trái tim xa quê và yêu quê. Không chỉ hội tụ những người con xa xứ, hội còn là nơi gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa quê nhà. Những hoạt động của hội góp phần gắn kết cộng đồng, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và duy trì tình cảm với quê hương Quảng Trị thương yêu.
1. Quán cà phê ở số 47 đường Quang Trung, TP. Đà Nẵng một sớm chớm đông, trời se lạnh, tôi có cái hẹn với bác Trần Thanh Bình - Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Trị tại Đà Nẵng. Chiều hôm trước khi tôi gọi điện đặt lịch hẹn, bác Bình nói: “Sáng mai ban biên tập đặc san “Tình quê” họp chuẩn bị cho số 25, chào Xuân Ất Tỵ - 2025, cháu đến tham gia với mọi người luôn nhé”. Tôi vui mừng bởi dễ gì có dịp được gặp gỡ đông đủ mà riêng tư như thế với các bác, các cô lớn tuổi và có vai trò quan trọng trong cộng đồng những người con quê hương Quảng Trị ở thành phố bên sông Hàn.
Trong góc nhỏ của quán với bộ bàn ghế gỗ đầy hoài cổ, các thành viên ban biên tập “Tình quê” ngồi trao đổi và phân công nhiệm vụ cho từng người, tôi cũng chăm chú lắng nghe trong vai trò khách mời là một người con quê hương Quảng Trị. Cuộc họp có sự tham dự của nhà báo - nhà thơ Trần Trình Lãm (trưởng ban), anh Trần Thanh (Thư ký tổng hợp, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Quảng Trị tại Đà Nẵng), cùng các thành viên là cô Đoàn Quỳnh Nga, bác Nguyễn Khắc Phước. Mở đầu, nhà báo - nhà thơ Trần Trình Lãm nhấn mạnh, ấn phẩm chào Xuân Ất Tỵ sắp tới đánh dấu 25 năm “Tình quê” ra mắt. Vì thế, nội dung cần được đặc biệt chú trọng, nhất là bài khái quát lại chặng đường 25 năm “Tình quê”.
Ban biên tập thảo luận sôi nổi, đôi khi họ xoáy sâu vào vài kỷ niệm đặc biệt trong quá trình hình thành, phát triển và cho ra đời từng số “Tình quê”. Bác Trần Thanh Bình nhắc nhớ lại: “Tháng 10/1976, trong buổi gặp mặt mấy anh em đồng hương huyện Triệu Phong, hồi đó chưa có Hội đồng hương Quảng Trị, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường gợi ý nên có một ấn phẩm nói lên tiếng nói của bà con đồng hương Quảng Trị xa quê tại Đà Nẵng. Nhưng mãi đến năm 2000 thì mới ra được bản tin “Nhớ về quê hương Quảng Trị”. Sau đó, những người con tâm huyết của quê hương đã tập hợp lại, quyết tâm nâng bản tin đó thành đặc san hằng năm. “Tình quê 1” ra đời vào năm 2001”.
Để duy trì xuất bản đều đặn “Tình quê”, suốt 24 năm qua là một hành trình không hề đơn giản, nhất là kinh phí. Bác Trần Thanh Bình nói đại khái, tất cả đều vận động đóng góp chứ chẳng có nguồn nào khác. Còn về nội dung, nhà báo Trần Trình Lãm chia sẻ: “Chúng tôi mời các tác giả viết bài cho ấn phẩm, dù không có nhuận bút nhưng mọi người rất nhiệt tình đóng góp vì đó là tình cảm quê hương. Không những người Quảng Trị ở Đà Nẵng, mà ở quê nhà và trên cả nước đều rất nhiệt tình gửi bài. Ban biên tập chúng tôi cũng vậy, tất cả vì hai chữ tình quê”.
Ngay trong buổi cà phê hôm ấy, sau khi nghe điện thoại, bác Trần Thanh Bình thông báo với mọi người: “Bác Trương Công Quảng vừa nhờ cháu nội gọi điện cho tôi xin đăng ký một bài thơ đăng trên “Tình quê 25”. Bác ấy hơn 80 tuổi rồi nhưng rất nặng lòng với quê hương, muốn góp một tiếng nói của mình cùng mọi người”.
Trong mỗi ấn phẩm “Tình quê”, đâu đó cho chúng ta sống lại ký ức của mình qua từng trang viết, từng câu chuyện về đất và chất con người Quảng Trị. Rất nhiều tác giả nổi tiếng như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà báo Phan Quang, nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhà văn Trần Công Tấn... cho đến những cây bút không chuyên đã tạo nên những trang sách chứa đựng một phần hồn cốt của quê hương. “Tình quê” như một “Quảng Trị thu nhỏ”, là nơi gửi gắm tình cảm, kỷ niệm và hoài niệm của những người con sinh ra nơi miền gió Lào cát trắng.
2. Tại Đà Nẵng có khoảng 5 vạn người con của quê hương Quảng Trị đang sinh sống, làm việc và học tập, trong đó rất nhiều người thành đạt, làm chủ những doanh nghiệp lớn, uy tín. Theo bác Trần Thanh Bình, Hội đồng hương Quảng Trị tại Đà Nẵng tiền thân là Hội đồng hương Triệu Phong, có từ năm 1976. Ngoài hội đồng hương tỉnh thì con em các huyện của Quảng Trị tại Đà Nẵng cũng thành lập hội riêng. Hội đồng hương ra đời như một sự minh chứng cho tình cảm gắn bó giữa những người con Quảng Trị, giúp họ giữ vững bản sắc văn hóa của quê hương và tạo dựng một cộng đồng mạnh mẽ, đoàn kết.
Mỗi năm sau tết Nguyên đán, Hội đồng hương Quảng Trị tại Đà Nẵng thường tổ chức những buổi họp đồng hương để bà con được quây quần bên nhau, chia sẻ những câu chuyện về quê nhà. Tại đó, mọi người cùng nhau ôn lại kỷ niệm từ thời chăn trâu cắt cỏ cho đến những trải nghiệm của chính mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện tại. Tại đó, mọi người được thưởng thức lại hương vị của quê nhà qua những món ăn mang đậm đà bản sắc văn hóa Quảng Trị như xôi chấm muối mè/đậu phụng, thịt heo quê bày dọn trên trẹt (mẹt), nhấm nháp men rượu Kim Long... “Những món ăn không chỉ làm ấm lòng người xa xứ mà còn gợi lên nhiều kỷ niệm đẹp đẽ về quê hương, gầy dựng lại trong lòng những nỗi niềm yên bình và thương nhớ”, bác Bình nói.
Có những người đi họp đồng hương, hạnh phúc nhất là được nghe giọng Quảng Trị. Như bác Nguyễn Khắc Phước, giáo viên về hưu, đã sinh sống tại Đà Nẵng hơn 50 năm. “Mỗi lần đi họp đồng hương, tôi thích nhất là được nghe giọng trọ trẹ quê miềng, nhất là giọng Đông Hà và Gio Linh. Tôi có một người bạn quê Cam Lộ, cứ mỗi lần nhớ quê là gọi điện thoại chỉ để nghe bạn nói giọng Quảng Trị. Nhiều lần bạn hỏi, tôi trả lời bạn cứ nói chuyện đi, chuyện gì cũng được, để mình được nghe giọng Quảng Trị cho đỡ nhớ”, bác Phước tâm sự.
Với tôi, 16 năm sống ở Đà Nẵng, quãng thời gian không ngắn cũng chẳng dài, nhưng đủ giúp cảm được cái tình quê trong mỗi lần đi họp đồng hương. Trong danh bạ điện thoại của tôi có rất nhiều số của bà con, anh em, bạn bè người Quảng Trị ở Đà Nẵng. Danh sách kết bạn trên trang facebook cá nhân cũng vậy. Phần lớn trong số đó là nhờ những lần đi họp đồng hương. Tôi nhớ chú Lộc quê làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, một người rất tình cảm. Sau lần gặp gỡ đầu tiên, những lần sau đi họp chú hay gọi tôi đến ngồi gần để hỏi han, tâm sự. Dù không gặp nhau nhiều nhưng chú cháu chúng tôi thường xuyên tương tác qua mạng xã hội. Chú dõi theo, chia sẻ với vợ chồng tôi trong mỗi hành trình cuộc sống bằng những lời động viên, chia sẻ thân tình. Nhiều mối quan hệ tình cảm đến công việc của tôi cũng được kết nối từ... đồng hương.
3. Cộng đồng con em Quảng Trị tại Đà Nẵng luôn nỗ lực giúp nhau phát triển. Hội Doanh nghiệp Quảng Trị tại Đà Nẵng ra đời là minh chứng. Với khẩu hiệu “Kết nối quê hương, giao thương phát triển”, hội là cầu nối, tạo điều kiện trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, giúp nâng cao vị thế của người Quảng Trị trong môi trường kinh doanh năng động của Đà Nẵng. Những hội viên không chỉ kết nối với nhau qua công việc mà còn tạo dựng mối quan hệ bền chặt, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, thách thức.
“Chúng tôi đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy để kết nối, hợp tác giữa các hội viên thông qua nhiều hình thức như: lập đoàn xuống thăm trực tiếp doanh nghiệp, tổ chức các buổi gặp mặt thường niên để gia tăng kết nối cũng như trao đổi và học hỏi kinh nghiệm. Qua đó, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa các hội viên có nhiều chiều hướng tích cực. Các doanh nhân, chủ doanh nghiệp đã bắt đầu kết nối, giao lưu hợp tác và sử dụng sản phẩm của nhau, cũng như giới thiệu, chia sẻ cho nhau những thông tin hữu ích về khách hàng và thị trường”, anh Trần Thanh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Quảng Trị tại Đà Nẵng, cho hay.
Ngoài kết nối và hợp tác nội bộ, việc liên kết hợp tác với các hiệp hội, hội doanh nghiệp trong và ngoài TP. Đà Nẵng cũng được hội tích cực triển khai. Đặc biệt, trong những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh và huyện ở Quảng Trị, hội đã đề cập những nhu cầu kết nối và đầu tư về quê hương nếu như tỉnh nhà có các dự án phù hợp, ưu tiên cho doanh nghiệp người Quảng Trị.
4. Hội đồng hương Quảng Trị tại Đà Nẵng cũng thể hiện tấm lòng hướng về quê hương và trách nhiệm của những người con xa xứ. Hằng năm, hội phối hợp tổ chức các chương trình trao quà cho nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại quê nhà. Trong những đợt thiên tai, hội luôn sẵn sàng kêu gọi thành viên đóng góp, chung tay giúp đỡ bà con quê nhà, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
Đối với con em quê hương vào Đà Nẵng lập nghiệp, nhiều doanh nghiệp của người Quảng Trị luôn ưu ái giúp đỡ tuyển dụng. Như Fococev Đà Nẵng có đến 70% nhân sự đang là người Quảng Trị. Hay Công ty Cổ phần Quảng cáo và Dịch vụ hàng không Hải Trần của doanh nhân Nguyễn Thanh Hải luôn ưu tiên tuyển dụng con em quê nhà vào làm việc...
Với tất cả tình cảm và trách nhiệm, Hội đồng hương Quảng Trị tại Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển, lan tỏa tình yêu quê hương và tỏa sáng như những ngọn đèn dẫn lối cho những thế hệ con em quê hương. Để làm được điều đó, nói theo lời Chủ tịch Hội đồng hương Trần Thanh Bình, hội phải liên tục đổi mới, đa dạng mô hình sinh hoạt. Ví dụ như việc thành lập Câu lạc bộ tuổi trẻ Quảng Trị tại Đà Nẵng nhằm thu hút lớp trẻ tham gia; hay Hội Doanh nghiệp Quảng Trị tại Đà Nẵng ra đời nhằm tạo sân chơi riêng. Chúng ta phải bắt nhịp thời đại, tình quê không nên gói gọn trong những cuộc họp đồng hương mà phải gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau thông qua các phong trào của con em Quảng Trị.